Đó là đoạn kết bài Thất bại khi một dân tộc phải dựa dẫm thánh thần mà đi của TS. Nguyễn Minh Hòa (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), một bài viết gây nhiều chú ý và đồng cảm trong dư luận bốn năm trước.
Nhưng cầu xin thánh thần, giành giật lợi danh, mới chỉ là một mặt của sự suy đồi trong đời sống tinh thần của người dân. Mặt kia của sự tụt dốc trong đời sống tinh thần được bộc lộ rõ rệt gần đây là nhiều người không còn tin vào mọi nỗ lực của bản thân, của xã hội nhằm giải quyết những vấn đề của bản thân và của xã hội. Thay vào đó, người ta để cho những kẻ buôn thần bán thánh hù dọa, dụ dỗ bằng những lời lẽ và nghi lễ mang vỏ bọc tôn giáo, Phật pháp nhưng đầy tính định mệnh luận như “dâng sao giải hạn”, “gọi vong giải nghiệp”, “oan gia trái chủ”...
Người ta sợ hãi, mất niềm tin vào thế giới con người và sẵn sàng mất tiền để mua lấy sự bình yên từ những vong hồn nhiều kiếp trước mà những kẻ trục lợi từ sự mê tín khoác lác rằng họ gọi về được! Điều đáng sợ là những kẻ trục lợi từ sự sợ hãi ấy ngày càng nhiều và ngày càng có thanh thế nhờ đóng đô ở những chùa chiền ngày càng hoành tráng.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà một dân tộc thoát ra khỏi cuộc chiến tranh lâu dài khiến đất nước tụt hậu xa so với thế giới, đã và đang muốn xây dựng đất nước giàu mạnh và hiện đại, đã và đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đang hô hào cách mạng công nghiệp 4.0, lại để một bộ phận không nhỏ dân chúng rơi vào vũng lầy mê tín như vậy? Đâu là những nguyên nhân lịch sử, nguyên nhân thể chế, nguyên nhân xã hội của trào lưu ngược dòng thời đại này?
Về mặt lịch sử và xã hội, có lẽ ai cũng đồng ý rằng đất nước hòa bình thống nhất và bắt đầu xúc tiến công cuộc phát triển trên một cái nền kinh tế, khoa học kỹ thuật và dân trí thấp do chế độ phong kiến và chế độ xã hội chủ nghĩa thời chiến để lại, trong khi tầng lớp trí thức vốn non yếu lại phân hóa do chiến tranh và ít được trọng dụng trong hòa bình. Tư duy khoa học trong xã hội khó phát triển trong khi tư duy tiểu nông mà một nét đặc trưng là dễ rơi vào mê tín, tin vào những điều hoang đường, chiếm thế thượng phong.
Mặt khác, ở một nửa nước, trong chiến tranh, mọi hình thức mê tín bị cấm tiệt nhưng tôn giáo đích thực cũng bị hạn chế hoạt động, do đó ảnh hưởng tích cực của tôn giáo đến tâm hồn con người, tính thiện mà mọi tôn giáo đích thực đều rao giảng và tìm cách nuôi dưỡng nơi con người bị xem thường. Để rồi, khi đất nước đổi mới và mở cửa, một số hạn chế đối với tôn giáo, tín ngưỡng được gỡ bỏ thì như một hiệu ứng quả lắc, nhiều thành phần dân chúng rơi vào thái cực ngược lại, mê tín thả cửa. Trong đó không thể không nói đến vai trò của những kẻ lợi dụng sự mê tín của người dân để trục lợi.
Về mặt thể chế, khi nhà nước chi phối nặng nề mọi mặt của đời sống xã hội, nếu nhà nước làm tốt thì không nói làm gì, còn nếu nhà nước mắc sai lầm, cán bộ công chức nhà nước tham nhũng, bất tài thì lòng tin của dân chúng vào nhà nước, vào xã hội bị lung lay. Mất niềm tin, có khi tuyệt vọng trước bất công, sai trái, người dân dễ rơi vào chỗ dựa cậy thần linh. Và nếu họ thấy nhiều cán bộ công chức, kể cả cấp cao, cũng hối lộ thần Phật để có tiền, có quyền, người dân càng bị thúc đẩy cậy nhờ thần Phật để đạt được điều họ không thể đạt với bộ máy nhà nước lạnh lùng, với những cán bộ công chức, cả quan tòa, tham nhũng, bất công.
Trong bối cảnh đó, nếu có tự do ngôn luận, nếu sáng kiến công dân, xã hội công dân được công nhận và tôn trọng, hẳn từ trong nhân dân sẽ xuất hiện những tiếng nói, những phong trào đề cao tư duy khoa học, duy lý; và phê phán, đấu tranh với những biểu hiện, những chiều hướng tư duy suy đồi, phản khoa học trong đời sống tinh thần của xã hội. Nhìn như thế, phóng sự điều tra của báo Lao Động về những gì xảy ra ở chùa Ba Vàng thực ra là khá muộn khi nạn buôn thần bán thánh, lợi dụng nỗi sợ hãi và sự mê tín của người dân để trục lợi đã diễn ra từ khá lâu, và không chỉ ở ngôi chùa này.
Đoàn Khắc Xuyên