Đêm Giáng sinh 24 tháng 12 năm 1914, giữa sự tịch mịch hiếm hoi của địa ngục trần gian, nơi diễn ra trận chiến khốc liệt của Thế chiến Đệ Nhất, một tiếng hát vút lên không gian, và tiếp theo sau đó là một biên niên sử sáng ngời giữa lịch sử tối tăm của chiến tranh đã được viết nên.
“Tôi đã thấy những thành phố và những ngôi nhà trong tro bụi. Tôi đã thấy hàng ngàn người nằm la liệt, khuôn mặt vô hồn của họ nhìn lên bầu trời. Tôi nói với các bạn rằng, chiến tranh là địa ngục!” – Tecumseh Sherman.Không ai có thể hiểu rõ về chiến tranh hơn những người lính, thế nhưng chính họ, lại làm nên giây phút Thiên đường giữa địa ngục trần gian.
Năm 1914, sau rất nhiều bài học đau thương về chiến tranh ở khắp nơi trên thế giới, qua bao nhiêu niên đại, nhân loại vẫn như những đứa trẻ làm biếng không chịu học thuộc bài. Chiến tranh thế giới đầu tiên trong lịch sử diễn ra với sự tàn khốc bao trùm khắp nơi.
Tại một điểm nóng giằng co ác liệt giữa liên quân Anh – Pháp và quân đội Đức, nơi người ta không thể biết được liệu ngày mai mình còn sống hay không, câu hỏi bao giờ được về nhà như hòn đá ném xuống vực sâu không hồi đáp, ở nơi đó, liệu có thể có phép màu?
Thế nhưng cuộc sống luôn có chỗ cho những điều kỳ diệu. Vào đêm Noel năm 1914, sau nhiều ngày giao tranh dữ dội giữa giá rét của mùa đông phương Bắc. Bất chấp những làn bom rơi, đạn nổ, những tiếng gào thét thê lương, những thân người đổ gục vô hồn… đêm Giáng sinh vẫn phải được tưởng nhớ và chào đón. Binh lính của ba nước âm thầm tổ chức lễ Noel ngay dưới chiến hào của mình. Không có gà tây, không có bếp hồng hay món tráng miệng ngọt lịm, không cả lời chúc tụng mà chỉ có những lời cầu nguyện cho sự yên bình và sự sống.
Tranh mô tả cảnh binh sĩ Anh và Đức bắt tay vui vẻ trong lễ Giáng sinh 1914. (Ảnh: vox.com)
Binh sĩ người Đức, Nikolaus Sprink, vốn là một nam ca sĩ opera tài danh bị triệu tập đi lính ngay trong buổi diễn của mình, bỗng cất tiếng hát vang giữa chiến trường, bắt đầu cho một thời khắc đi vào lịch sử.
Trong đêm tịch mịch đó, y như cái tên Silent Night – bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất mọi thời đại, từ phía chiến hào của người Đức cất lên văng vẳng một giọng ca cao vút. Người Anh và người Pháp ngừng cụng ly và xì xầm, không gian và thời gian như bất động.
Như được đánh thức sau cơn mê, viên sĩ quan binh đoàn Scotland của quân đội Hoàng gia Anh bất ngờ chộp lấy cây kèn túi, thổi lên điệu nhạc du dương hòa cùng giọng ca bên kia chiến tuyến. Nikolaus vốn chỉ đang trổ chút tài nghệ phục vụ những đồng đội của mình, ngỡ ngàng trước màn hồi đáp đầy chất thơ, đã hứng khởi quên cả hiểm nguy bước ra khỏi chiến hào, tay cầm cành thông vừa đi vừa hát bất chấp sự can ngăn của vị chỉ huy. Bài ca vừa dứt, anh lập tức nhận được những tràng pháo tay vang dội của những người lính từ… cả hai chiến hào.
Và đó là cách sự kỳ diệu bắt đầu. Sau những cái chào kiểu nhà binh, chỉ huy hai bên đã ra một quyết định có một không hai: đình chiến để chung vui trong ngày lễ vô cùng ý nghĩa của cả ba quốc gia. Binh lính ba bên đã tự tin bước ra khỏi chiến hào, đứng thắng giữa vùng giao tranh, nơi mà họ luôn phải đi khom lưng và né tránh những làn đạn điên cuồng. Họ tiến lại gần nhau, giáp lá cà… để trao nhau những cái bắt tay và lời chúc tụng. Những câu chuyện rôm rả, rộn rã tại nơi mà ngày hôm qua thôi, họ còn đang đánh nhau chí mạng.
Binh sĩ người Đức dũng cảm Nikolaus hát vang giữa chiến trường – khơi mào cho một cuộc chiến không tiếng súng. (Ảnh trong phim : Joyeux Noel)
Đó là một phần nội dung của bộ phim Joyeux Noel do Pháp sản xuất với sự hợp tác của Anh, Đức. Bộ phim từng nhận được đề cử cho giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar 2006, Quả cầu vàng, BAFTA 2006… Thế nhưng đó không phải là một bộ phim lấy đề tài chiến tranh để đưa ra những thông điệp nhân văn. Mà nó dựa trên một sự kiện hoàn toàn có thật trong Thế chiến I.
Trong suốt hơn 100 năm sau, sự kiện này đã được xem như là một phép lạ, giây phút đình chiến hiếm hoi trong cuộc chiến từng cướp đi sinh mạng của hơn 15 triệu người.
“Vào đêm Giáng sinh 1914, một bài Thánh ca đã cất lên, đó là một đêm trăng đẹp, sương trùm khắp trên mặt đất, màu trắng gần như ở khắp mọi nơi”, Albert Moren thuộc trung đoàn Queens Second của quân đội Anh nhớ lại.
“Binh sĩ Đức là những người hát bài hát mừng của họ trước tiên và sau đó đến lượt chúng tôi. Đến khi chúng tôi bắt đầu hát Thánh ca, người Đức cũng lập tức hòa nhịp với bài Thánh ca tiếng Latin. Đây thực sự là một điều kỳ diệu”, cựu binh Anh Graham Williams mô tả lại chi tiết khá tương đồng với những gì bộ phim Joyeux Noel mô tả.
Người ta cũng ghi nhận rằng, sáng ngày 25 tháng 12, ở một số đoạn trên chiến hào, lính Đức đã bước lên và hô to “Chúc mừng Giáng sinh” bằng tiếng Anh. Binh sĩ đồng minh cũng thận trọng tiến ra chào đón họ. Người Đức nhanh chóng giơ tay ra hiệu “Bạn không bắn, chúng tôi cũng không bắn”. Binh sĩ hai bên trao đổi những quà tặng như thuốc lá, thực phẩm và mũ. Đồng thời họ có thời gian yên bình để chôn cất những những đồng đội thiệt mạng trong nhiều tuần trước đó của mình. Ở nơi sinh tử không có giới hạn, đến một nấm mồ tươm tất và một buổi lễ tiễn đưa ấm áp không thể diễn ra trọn vẹn, thì khoảng thời gian đình chiến hiếm hoi chính là dịp để người ta dành cho những người đã khuất những điều ý nghĩa cuối cùng.
Binh sĩ hai bên trao đổi những quà tặng như thuốc lá, thực phẩm và mũ. (Ảnh: thechive.com)
Thật ra những nỗ lực cho một đêm Giáng sinh yên lành đã được khởi xướng trước đó. “Open Christmas Letter”, một thông điệp được ký bởi một nhóm 101 phụ nữ Anh kêu gọi cho hòa bình nhưng rơi vào quên lãng . Ngày 7 tháng 12 năm 1914, Giáo hoàng Benedict XV cũng đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn chính thức vào Giáng sinh, nhưng nỗ lực này bị chính phủ các bên tham chiến từ chối.
Tuy nhiên, chỉ có những người lính là hiểu về sự đau khổ tuyệt vọng trong những chiến hào lạnh lẽo hơn ai hết. Như một mồi lửa le lói, tiếng hát cao vút, tràn ngập tình yêu và biết ơn đối với Thiên Chúa, như một lời cầu nguyện cho sự chấm dứt sự đau khổ của chiến tranh, đã biến thành động lực cho binh sĩ hai bên thiết lập “lệnh ngừng bắn” của riêng họ.
Trên thực tế, tin tức về vụ ngừng bắn đã bị kiểm duyệt vào thời đó. Ở Đức, tuyệt nhiên không có bài báo nữa đăng tin và người ta thậm chỉ còn chỉ trích những người tham gia đình chiến. Ở Pháp, báo chí bị chặn đứng không cho đưa tin về cuộc ngừng bắn và chỉ khẳng định trong tuyên bố chính thức rằng việc đình chiến chỉ diễn ra ở các khu vực của quân Anh mà thôi.
Chỉ có những tờ báo của Anh và Mỹ đưa tin về sự việc này. Tờ The Daily Telegraph cho đăng một bài viết vào ngày 27 tháng 12 năm 1914, về việc quân đội Đức và Anh cùng nhau ca hát, trao đổi quà tặng, bánh sô cô la và thuốc lá. Tờ New York Times cũng đưa tin vào đêm giao thừa năm đó. Sau đó, các tờ báo của Anh như Mirror hay Sketch cuối cùng cũng đăng ảnh về những chiến sĩ đứng lẫn với nhau trên chiến tuyến ở trên trang nhất tạp chí của mình.
Tờ The Daily Telegraph cho đăng một bài viết vào ngày 27 tháng 12 năm 1914. (Ảnh: rsi.ch)
Người ta không dám nói lên sự thật rằng, những chiến sĩ của họ cũng chẳng hề muốn có cuộc chiến này. Chiến tranh lúc nào cũng phi lý nhưng vẫn luôn xảy ra dù con người chẳng muốn như vậy. Sau đêm Giáng sinh diệu kỳ đó, binh sĩ hai bên đều nhận được lệnh từ cấp trên phải chấm dứt ngừng bắn, ai không thi hành sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Những người lính lại phải quay trở lại cuộc chiến tàn khốc không cho phép họ được nhân nhượng và mềm yếu. “Đó chỉ là giây phút hòa bình ngắn ngủi trong một cuộc chiến khủng khiếp”, cựu binh Alfred Anderson khẳng định.
Trong mọi cuộc chiến, dù bạn đứng về phe nào, lý tưởng của bạn là gì, bạn có chiến đấu cho chính nghĩa hay không, thì việc chĩa mũi gươm, nòng súng về phía người khác cũng sẽ có lúc khiến bạn cảm thấy trống rỗng và tuyệt vọng, nếu bạn còn nhân tính trong mình. Trên chiến trường, người lính không chỉ đối mặt với hiểm nguy từ phía kẻ thù, mà còn phải đối diện với thách thức về đạo đức và nhân tính. Bản chất của con người không phải là chém giết và bản chất của chiến tranh là không khoan nhượng. Thế nhưng chiến tranh vẫn diễn ra vì con người tham lam và điên cuồng bởi những dục vọng không giới hạn của mình.
Người ta không dám nói lên sự thật rằng, những chiến sĩ của họ cũng chẳng hề muốn có cuộc chiến này. (Ảnh: mentalfloss.com)
Đạo diễn bộ phim Joyeux Noel, ông Christian Carion khẳng định các nhân vật trong phim là hư cấu, nhưng sự kiện thì chính xác. Khi lần đầu tiên được nghe kể về sự kiện này Carion đã bị ám ảnh bởi việc làm một bộ phim để “tôn vinh những người đàn ông đã dạy chúng ta một bài học nhân văn”. Ông đã tái hiện “Một kỷ nguyên của những kẻ điên rồ” (như ông mô tả), khi chiến tranh làm người có những hành động thật không thể hiểu nối.
Điều đó được ẩn dụ trong chi tiết một con mèo bị bắt bởi những người Pháp trên chiến trường. Nó bị buộc tội gián điệp và bị bắn theo quy định quân sự. Thế nhưng giữa sự điên rồ, nhân tính của con người không hề bị vùi lấp, nó chỉ đang bị dồn nén và chờ đợi một sự đột khởi. Và với sự kiện đêm Giáng sinh năm 1914, chính âm nhạc, hay được ví như âm thanh từ Thiên thượng, chính là mồi lửa kích hoạt cho sự đột khởi đó.
Lệnh ngừng bắn tự phát vào đêm Giáng sinh cách đây hơn 100 năm đó, đến nay vẫn được ghi nhớ như một minh chứng cho sức mạnh của niềm hy vọng vào nhân tính của nhân loại. Dù trong thời khắc đen tối nhất, tàn nhẫn đến mức có thể biến đổi nhân tâm con người, có thể bắt một nghệ sĩ phải cầm súng bắn giết, khiến người con, người em phải ném lựu đạn về phía những người con, người em của gia đình khác, thì con người vẫn còn rất nhiều lòng trắc ẩn và tâm hướng Thiện. Vì vậy, đừng bao giờ nghi ngờ câu “Nhân chi sơ, tính bản Thiện”. Tin tưởng như vậy thì chúng ta mới có thể làm một người tốt, dù hoàn cảnh có thể ép chúng ta phải lựa chọn.
Thuần Dương
No comments:
Post a Comment