Sunday, October 20, 2019

TỨ SƠN KỆ - TRẦN THÁI TÔNG

Sáng nay Chúa nhật, thức dậy trễ, rảnh rỗi nên châm cà phê ngồi uống, mở TV, tình cờ thấy có clip cùa thầy Thích Pháp Hòa nói về 12 con giáp, lạ nên xem thử. Trong bài giảng, thầy có dẫn giải về bài thơ của Thiền sư Đại Xả nói về "4 con rắn" và bài thơ của vua Trần Thái Tông nói về "4 trái núi", tôi nghĩ nhiều người nghe chắc chép không kịp mấy bài này nên tôi tìm và post để các bạn đọc cho rõ hơn. Clip video tôi có kèm theo phía dưới. Bây giờ mời đọc bài "Kệ 4 núi" của ngài Trần Thái Tông trước, tôi sẽ post tiếp bài của thiền sư Đại Xả sau. (LKH)


Tứ sơn kệ
Trần Thái Tông


Tứ sơn tiễu bích vạn thanh tùng
Ngộ liễu đô vô vạn vật không
Hỷ đắc lư nhi tam cước tại
Mịch ki đả sấn thướng cao phong




四山偈 - 陳太宗

四山峭壁萬青叢
悟了都無萬物空
喜得鱸兒三脚在
驀騎打趂上高峰


Dịch nghĩa:

Bài kệ về bốn núi

Bốn núi chót vót muôn khóm xanh,
Hiểu rõ tất cả là hư vô, vạn vật là không;
Mừng được con lừa ba chân còn đó,
Cưỡi mà lên thẳng ngọn núi cao.



Dịch thơ:

Bốn núi cheo leo vạn khóm xanh,
Muôn loài không cả, hiểu cho rành;
Lừa ba chân đó, may tìm được,
Lên thẳng non cao sấn bước nhanh.

(Đỗ Văn Hỷ - Đào Phương Bình – Băng Thanh)


Cheo leo bốn núi, cây trùm,
Hư vô tất cả là Không muôn loài;
Lừa ba chân hãy còn đây,
Cưỡi xông thẳng ngọn núi này chon von.

(Đỗ Quang Liên)



THI KỆ "BỐN NÚI" CỦA TRẦN THÁI TÔNG

Trần Thái Tông (09.07.1218 - 05.05.1277), là vị vua đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ngài làm vua từ năm 1225 đến năm 1258, sau đó lên làm Thái thượng hoàng cho đến khi qua đời.

Năm 1258, vua Trần Thái Tông trực tiếp lãnh đạo và đánh thắng quân xâm lược nhà Nguyên lần thứ I. Ngài còn là một thiền sư lỗi lạc, đã để lại cho đời sau những tác phẩm rất giá trị: Khóa Hư Lục, Thiền Tông Chỉ Nam, Chú Giải Kinh Kim Cương Tam Muội và Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi.


Ngài còn được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm sau nầy, do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (cháu nội của vua Trần Thái Tông) là vị tổ thứ Nhất vào cuối thế kỷ 13.

Trong sách Khóa Hư Lục, Trần Thái Tông có viết 5 bài thi kệ, gọi chung là "Kệ Bốn Núi", gồm 1 bài thi kệ mở đầu, viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt và 4 bài thi kệ thất ngôn bát cú, nói về 4 chủ đề Sinh, Lão, Bệnh, Tử, có ý nghĩa và tư tưởng rất thâm diệu về Phật pháp.

"Kệ Bốn Núi" là y cứ trong kinh Tạp A Hàm (Hán tạng, bài 1147) và kinh Tương Ưng Bộ (Pali tạng, Samyutta Nikāya, bài 136 - Hòa thượng Thích Minh Châu dịch). Nội dung trong 2 bản kinh nầy đều có nói về "Bốn Núi" (Sinh, Lão, Bệnh, Tử). Ngài Trần Thái Tông có ý viết những bài thi kệ này nhằm diễn giải ý nghĩa cho tăng chúng và Phật tử dễ hiểu.

Sự tích về "Bốn Núi" trong kinh có ghi, đại ý: "Một hôm vua Ba-tư-nặc đi chinh phạt loạn quân ngoài biên giới. Khi đánh thắng xong quân giặc, Vua kéo quân về đến gần tịnh xá của đức Phật, dừng quân lại và đích thân đến đảnh lễ Phật. Đức Phật hỏi: Đại vương đi đâu về mà xem có vẻ nhọc nhằn? Vua bạch rằng: Con đi chinh phạt bọn ngoại xâm, vừa chiến thắng trở về. Khi trả lời với đức Phật, nét mặt vua Ba-tư-nặc hiện ra kiêu khí của người thắng trận. Đức Phật hỏi: Này Đại vương, nếu có người ở phương Đông đến thưa thế này: Tôi thấy một ngọn núi từ phương Đông lăn về đây, lăn đến đâu nghiền nát cỏ cây người vật ở đó. Lại có một người phương Nam tới cũng tâu: Đại vương có một ngọn núi ở phương Nam đang lăn về đây, lăn đến đâu nó đều nghiền nát cây cỏ người vật. Cũng như vậy, phương Tây, phương Bắc, mỗi phương cũng có một ngọn núi đang lăn về, lăn đến đâu cây cỏ người vật đều bị nghiền nát. Nếu có người báo bốn ngọn núi đang lăn về, tàn sát cây cỏ, người và vật thì Đại vương sẽ cử đội quân nào để đi chinh phạt chúng? Vua Ba-tư-nặc thưa với đức Phật: Dầu đội quân có tài trăm trận trăm thắng đi nữa cũng không thể nào chinh phục được bốn núi đó. Đức Phật bảo: Bốn núi đó là Sanh, Già, Bệnh, Chết. Dầu cho ai tài giỏi đến đâu, dũng mãnh đến đâu cũng không thắng được, không chinh phục được Sanh, Già, Bệnh, Chết mà đều bị chúng nghiền nát. Nghe như thế, kiêu khí của nhà vua không còn nữa."

Nguyễn Lương Vỵ giới thiệu và dịch


No comments: