Xã hội đen luôn là vấn đề khiến chính phủ các nước đau đầu và chúng tồn tại ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo lại đang phải đối đầu với một vấn đề trớ trêu là tập đoàn tội phạm lớn nhất nước này muốn hoàn lương.
Tính đến năm 2017, Nhật Bản có hơn 100.000 Yakuza, so sánh với gần 250.000 binh lính tại ngũ thì đây là một lực lượng lao động đầy tiềm năng đang bị lãng phí.
Tại Nhật, xã hội đen (Yakuza) có nguồn thu khá lớn từ các hoạt động bất hợp pháp. Bộ công an Nhật cho biết các băng đảng tại đây vẫn thu phí khoảng 5% doanh thu từ tất cả các công trường xây dựng, một nguồn lợi vô cùng lớn.
Dẫu vậy, những kẻ máu mặt này không chỉ kinh doanh bất hợp pháp mà còn tham gia các ngành nghề chính thống khác như xử lý rác thải, tái chế, công nghiệp giải trí hay dịch vụ lao công. Tất nhiên, những hoạt động hợp pháp này luôn dễ dàng khi được hậu thuẫn bởi đám tay chân và có nhiều hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Những nữ Yakuza tại Nhật Bản
Bất ngờ thay, mới đây tổ chức xã hội đen Ninkyo Yamaguchi-Gumi từng thuộc tập đoàn tội phạm lớn nhất Nhật Bản là Yamaguchi-Gumi được thành lập từ năm 1915 đã quyết định thay đổi cơ chế làm việc truyền thống của Yakuza.
Nhật Bản hiện có khoảng 22 tổ chức xã hội đen với các trung tâm, văn phòng và thậm chí là cả logo chính thức. Những tổ chức này hoạt động kín kẽ theo luật pháp Nhật Bản tại những ngành nghề kinh doanh hợp pháp và hiếm khi lộ dấu vết để bị truy tố trong những mảng bất hợp pháp khác.
Tất cả các vụ bảo kê của Yakuza đều được xếp đặt kín kẽ ở mức chấp nhận được, thậm chí các tay anh chị sẵn sàng giúp đỡ người dân khi thiên tai xảy ra. Dẫu vậy, Yakuza vẫn là thành phần hiếm khi được người dân Nhật Bản chào đón.
Quay trở lại với tổ chức Ninkyo, ông trùm của băng đảng này là Yoshinori Oda quyết định giảm thiểu những hoạt động bất hợp pháp của Yakuza, khởi đầu bằng việc giảm phí bảo kê cho những công trình xây dựng cũng như thiết lập quy tắc rõ ràng cho các đàn em.
Khi được tạp chí Flash phỏng vấn, ông trùm Yoshinori cho biết mình nhắm tới việc huấn luyện những yakuza này thành các chiến binh thực thụ chứ không phải những kẻ vô công rồi nghề, qua đó đủ sức bảo vệ những công dân Nhật Bản trong và ngoài nước.
Nghe có vẻ hão huyền nhưng ông Yoshinori cho biết đã đến lúc Yakuza Nhật Bản hoạt động theo luật pháp để có thể tiếp tục tồn tại. Những công việc kinh doanh bất hợp pháp không thể tồn tại mãi mãi trong một xã hội văn minh như Nhật Bản, nhất là khi dân số nước này ngày càng già đi và nền kinh tế thiếu lao động trẻ, bao gồm những người tham gia Yakuza.
Tại Nhật, tinh thần võ sĩ đạo khiến rất nhiều bạn trẻ gia nhập Yakuza. Hình ảnh mạnh mẽ, bất cần đời và sự oai phong khi đánh nhau thu hút được một lượng lớn giới trẻ Nhật, thậm chí văn hóa Yakuza còn lan tràn trên truyện tranh hay phim ảnh.
Trước đây, việc xăm mình của các Yakuza là nhằm thể hiện khả năng chịu đựng đau đớn thì giờ đây, chúng trở thành một loại nghệ thuật với công nghệ xăm điện và thuốc tê giảm đau. Hệ quả là ngày càng nhiều giới trẻ xăm mình thể hiện sự "ngầu" nhưng thực chất lại là những người vô trách nhiệm với xã hội cũng như không thực sự lao động đóng góp cho nền kinh tế.
Do đó, việc Yoshinori muốn tái thiết lại văn hóa Yakuza là một điều gây sốc cho không chỉ giới xã hội đen mà cả những người dân thường. Tuy vậy, những tay anh chị này sẽ trở lại làm ăn hợp pháp như thế nào tại Nhật vẫn còn là một câu hỏi.
Chuyên gia kinh tế Robert Feldman cho biết các băng đảng Yakuza kiếm được hàng triệu USD lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Theo ông Feldman, những băng đảng Yakuza xứng đáng là những nhà khởi nghiệp tài ba trong thế giới ngầm nhưng lại chỉ là những kẻ vô công rồi nghề trong mắt xã hội.
Bởi vậy, nếu Yoshinori thành công, Nhật Bản có thể hưởng lợi vô cùng lớn từ nguồn lao động dồi dào này cũng như khả năng kinh doanh của các ông trùm thế giới ngầm. Năm 2015, các ước tính cho thấy Yamaguchi-Gumi có lợi nhuận 80 tỷ USD, một con số khổng lồ trong nền kinh tế Nhật.
Quốc gia ít vụ án nhất thế giới
Nổi tiếng là quốc gia văn minh nhưng tại sao Nhật Bản lại chấp nhận sự tồn tại của Yakuza? Câu trả lời đơn giản là các băng đảng nơi đây hiểu được họ nên làm gì để tránh gây sự chú ý của cảnh sát.
Nhật Bản là quốc gia được cho là khá an toàn với tỷ lệ trộm cắp rất thấp. Nếu bạn đánh rơi ví tiền trên đường phố Nhật Bản, nhiều khả năng chúng vẫn ở đó hoặc được người dân đem cho đồn cảnh sát.
Năm 2016, tổng số tiền mặt thất lạc ở Nhật được người dân trình báo với cảnh sát lên tới 3,67 tỷ Yên, tương đương 32 triệu USD và 3/4 số này được hoàn trả cho chính chủ. Bên cạnh đó, những số liệu mới nhất cũng cho thấy tỷ lệ tội phạm tại Nhật đã giảm năm thứ 13 liên tiếp, trở thành quốc gia có số vụ phạm tội thấp nhất thế giới.
Trong 13 năm qua, số vụ sát nhân tại Nhật chỉ vào khoảng 0,3/100.000 người, thấp hơn rất nhiều so với 4/100.000 người tại Mỹ. Thậm chí số liệu cả năm 2015 cho thấy Nhật Bản chỉ có duy nhất 1 vụ nổ súng sát thương, một con số đáng kinh ngạc.
Các Yakuza sẽ phải cắt ngón tay khi phạm lỗi
Nguyên nhân chính của thành công này là do Nhật Bản kiểm soát khá chặt việc sử dụng súng đạn. Hình phạt thấp nhất cho hành vi sở hữu súng trái phép là 20 năm tù. Phần lớn các Yakuza không biết dùng súng bởi họ chẳng có chỗ nào để luyện tập.
Hơn nữa, các Yakuza hoạt động theo tập đoàn và thu lợi nhuận từ việc bảo kê hoặc kinh doanh hợp pháp, hạn chế những hành vi ăn cướp hay gây mất trật tự xã hội. Thậm chí rất nhiều tổ chức còn tham gia các hoạt động trợ giúp cộng đồng.
Bên cạnh đó, do hệ thống công an liên tục tuyển thêm người bổ sung thay vì cắt giảm nhân lực nên tình hình an ninh Nhật Bản cũng ngày một tốt hơn. Hiện Nhật Bản có khoảng 259.000 sĩ quan cảnh sát, cao hơn 17 lần so với cách đây 10 năm. Đi kèm với đó là động thái ngày càng cứng rắn của chính quyền Tokyo sau hàng loạt các vụ án nghiêm trọng. Hơn nữa, tình trạng già hóa dân số khiến giới xã hội đen nước này cũng bị ảnh hưởng khi tinh thần tôn trọng người cao tuổi được đề cao ở đây.
Hệ quả của tình trạng này là cảnh sát Nhật Bản chấp nhận giải quyết cả những vụ "lông gà vỏ tỏi" như đi xe đạp vượt đèn đỏ, taxi chở quá 4 người… Thậm chí, có những vụ cảnh sát ập vào nhà dân chỉ vì họ thông báo mất trộm một chiếc… quần đùi.
Cảnh sát bố ráp một trụ sở của một Yakuza
Theo tờ Economist, một toán cảnh sát ở thành phố Kagoshima thậm chí đã theo dõi 1 tuần với 1 chiếc ô tô không khóa chở bia mạch nha ngoài siêu thị chỉ để tóm một người đàn ông không kìm được lòng tham định tiện tay mang đi 1 thùng bia.
THEO THỜI ĐẠI