Một cửa hiệu bán hoa tại phố Georges Courteline, thành phố Tours, miền trung nước Pháp.
« Khi các bạn đến tham quan ʺổ kiếnʺ của chúng tôi, bạn sẽ thấy mỗi người có một nhiệm vụ riêng. Họ vận chuyển các loại cây và hoa đã được bán cho các khách hàng. Ở đây người ta đi lại tấp nập liên tục trong vòng 5 giờ, rồi các hoạt động này dừng lại. Bởi vì lúc đó, tất cả các loại hoa và cây kiểng đã được bán hết rồi ».
Chợ đầu mối bán hoa tại Amsterdam có diện tích rộng đến hơn một triệu mét vuông. Mỗi năm, khu chợ này cung cấp cho thị trường toàn châu Âu hơn 12 tỷ hoa cắt cành và cây cảnh. Đó là những bông hoa, cây kiểng chủ yếu đến từ Kenya, Colombia, Israel và cả từ những nước châu Âu. Royal Floraholland chẳng khác gì một Wall Street cho hoa và cây cảnh. Các cuộc rao bán đấu giá bắt đầu từ 6 giờ sáng, thời điểm mà hơn phân nửa hoa cắt cành đến từ khắp nơi đã được bán ra trong vòng có vài phút.
Chợ đầu mối hoa cắt cành tại Amsterdam.
Ổ thuốc độc
Ai cũng thích trong nhà có một bình hoa đẹp. Nhưng những bông hoa đẹp này còn là một trong những nguồn gốc gây hại môi trường. Hoa cắt cành hiện nay chủ yếu được trồng trong nhà kính và ngốn rất nhiều nước và điện năng. Hơn nữa, hoa được trồng ở những nơi xa xôi, phải vận chuyển đường dài bằng máy bay để đến tay người tiêu dùng. Mặt tiêu cực này chúng ta đã biết từ lâu.
Thế nhưng, bên cạnh những tác động về môi trường có ít ai còn biết đến tác hại của hoa cắt cành đối với sức khỏe con người. Bởi vì, hoa cắt cành còn là một “ổ chất độc”, một loại sản phẩm chứa đựng nhiều độc chất như thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt nấm, phân bón hóa học …
Để dễ hiểu, phóng sự của kênh truyền hình France 24 đưa ra các số liệu so sánh. Tại Hà Lan, ngành công nghiệp trồng rau củ trong nhà kính, mỗi năm sử dụng hết 12,5 kg thuốc trừ sâu/ha. Thế nhưng, với nghề trồng hoa hồng chẳng hạn, người ta sử dụng đến 84 kg/ha/năm, cao hơn trồng rau quả đến gấp 7 lần. Tệ hơn nữa, các loại củ hoa như Lys chẳng hạn tốn đến 125 kg/ha/năm.
Lá hoa không bị thủng, cánh hoa không bị đốm… đó là những yêu cầu của khách hàng muốn có một sản phẩm bán ra phải thật sự hoàn hảo. Quỹ GreenPeace – Hòa Bình Xanh đã thực hiện một cuộc điều tra đối với những bó hoa cắt cành được bán ra nhân dịp lễ tình nhân.
Tổng cộng người ta tìm thấy dấu vết của ít nhất 43 loại thuốc trừ sâu trên các loại hoa: Cúc đồng tiền - 7 loại (thuốc trừ sâu), hoa hồng - 10 loại và trong một bó nhiều loại hoa, người ta đếm được số thuốc trừ sâu có khi lên đến 25 loại khác nhau. Theo giải thích của anh Herman Van Bekkem, phụ trách về nông nghiệp của Greenpeace, không như các loại thực phẩm, đối với hoa cắt cành tại châu Âu, không có một quy định nào ấn định hàm lượng thuốc trừ sâu tối đa được sử dụng.
« Ẩn sau những bó hoa rực rỡ đó là cả một thế giới các sản phẩm hóa chất độc hại. Người ta không hề hay biết điều đó. Tôi tiến hành các phân tích và kết quả thật sự gây lo ngại. Những bông hoa này chứa đủ các loại thuốc diệt sâu bọ độc hại khác nhau. Chúng tôi còn nhận thấy có một sự kết hợp các loại sản phẩm thuốc trừ sâu chất neonicotinoid có hại cho loài ong với nhiều loại thuốc trừ sâu bị cấm. Toàn bộ các thuốc trừ sâu này đã được sử dụng một cách hợp pháp. Điều làm tôi lo lắng nhất đó là cả một hỗn hợp chất diệt sâu bọ »
Trồng hoa « sinh thái » : Một xu hướng mới
Phải chăng Hà Lan đang chậm bước so với các đồng nghiệp trong khối Liên Hiệp Châu Âu ? Các số liệu thống kê đưa ra cho thấy, ngành trồng trọt « sinh thái – bio » tại nước này chiếm chỉ có 3,5%, thấp hơn mức bình quân của cả châu Âu đến hai lần, tức ở mức 7%. Và trồng hoa sinh thái chỉ là một phần rất nhỏ trong ngành trồng trọt Hà Lan.
Anh Julian Langelaan có thể được ví như là một « vật thể lạ không xác định » trong thế giới nông nghiệp Hà Lan. Năm nay 24 tuổi, anh chuyển sang trồng hoa « bio » từ năm 2007 trong trang trại phía bắc Amsterdam. Anh nhìn nhận, dấn thân vào trồng hoa « sạch » không phải là một quyết định dễ dàng.
« Chúng tôi biết là để có thể tạo ra những cành hoa có chất lượng, điều này đòi hỏi rất nhiều công sức. Chúng tôi phải nhổ cỏ nhiều hơn, đôi khi mùa màng thất bát… Nhưng nếu khi bạn sẵn sàng chấp nhận sự thất thường, tôi nghĩ vẫn có thể làm được ».
Tuy nhiên, điểm bất lợi của ngành trồng hoa « sạch » là mức giá bán ra cao hơn so với những bó hoa thông thường từ 10-50%. Nhưng anh Julian vẫn muốn thuyết phục mọi người rằng ngành trồng trọt sinh thái không chỉ dừng ở « bữa ăn ».
« Người tiêu thụ quyết định mua hàng sạch bởi họ tin rằng như vậy sẽ an toàn, sinh thái hơn, mùi vị thơm ngon hơn và nhất là sẽ tốt hơn cho môi trường. Nhưng hoa thì không thể ăn được, nên khi bạn làm điều này chỉ vì môi trường không thôi thì quả thật khó mà thực hiện chọn lựa này ».
Hoa cũng như rau quả : Mùa nào thức ấy ?
Liệu rằng người tiêu thụ giờ có chấp nhận thay đổi thói quen mua sắm vì sức khỏe và môi trường ? Với thực phẩm, người ta bắt đầu quay lại với những thói quen xưa : « Mùa nào thức ấy », nghĩa là không ăn dâu vào mùa đông, không dùng cà chua trong dịp lễ Noel…
Vậy thì tại sao người ta lại không áp dụng cùng một nguyên tắc đối với hoa ? Chẳng hạn như không có hoa tulip vào tháng 11, hay không bán hoa hồng vào mùa lễ Tình Nhân… Trồng hoa theo mùa, đây chính là ý tưởng của một số ít nhà trồng hoa sạch tại Hà Lan hiện nay.
Cô Mariette Kamphuis, nhà trồng hoa và cũng là sử gia, cùng với cô Denise Collignon, thành lập trang trại trồng hoa sạch Veld và Vaas, cho biết các nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp : « Hoa được trồng tại chỗ, rất sạch, chúng tôi không cung cấp hoa ở xa, không xuất khẩu ra nước ngoài. Chúng tôi chỉ bán hoa cho các vùng xung quanh và trồng hoa theo mùa ».
Về phần mình, cô Denise nghĩ rằng người tiêu dùng nên dần thay đổi thói quen. « Vào mùa đông, các bạn có thể kêu ca thiếu thốn một chút. Nhưng đến mùa xuân, bạn sẽ vui trở lại ».
Khi giới thiệu những bó hoa tươi cùng phóng viên đài France 24, cô Denise hãnh diện về những sản phẩm của mình. « Loại hoa này có thể ăn được. Hoa được trồng trong vùng và lại rất đẹp nữa. Chúng tôi rất tự hào về những bông hoa này. Đây là một bó hoa mẫu đẹp do chính chúng tôi tạo nên. »
Là một người đầy tính sáng tạo, Mariette và Denise cho biết không sợ « bị nhàn rỗi » vào mùa đông. Cả hai cô cùng đưa ra ý tưởng rất đơn giản. Mùa xuân trở đi bán hoa tươi, đông về lại có hoa khô. Những ai nghĩ rằng cắm hoa khô mang sắc thái « già nua » là một sai lầm. Trái lại, hoa khô kết hợp với vài chiếc lông vũ mang lại một phong cách rất hiện đại cho việc trang trí nhà cửa.
Những bó hoa tươi theo nhịp của thiên nhiên đang là một xu thế mới, bắt đầu thu hút sự quan tâm của người tiêu thụ, những ai thật sự lo lắng cho sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên. Một bó hoa tươi theo mùa trong nhà và không thuốc trừ sâu. Tại sao không, các bạn ?
Minh Anh/RFI