Saturday, October 5, 2019

BÀI THƠ HOA CÚC (KỲ 3) - HUYỀN QUANG THIỀN SƯ

Năm cuối trong rừng không có lịch,
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.


Cúc hoa kỳ 3 - Huyền Quang thiền sư

Vong thân, vong thế, dĩ đô vong,
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương.
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật,
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương.


菊花其三  - 玄光禪師 

忘身忘世已都忘,
坐久蕭然一榻涼.
歲晚山中無歷日,
菊花開處即重陽.


Hoa cúc kỳ 3 (Dịch thơ: Phan Võ)

Quên mình, quên hết cuộc tang thương,
Ngồi lặng đìu hiu, mát cả giường.
Năm cuối trong rừng không có lịch,
Thấy hoa cúc nở biết trùng dương.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Huyền Quang thiền sư 玄光禪師 (hay Huyền Quang tôn giả, 1254-1334) tên thật là Lý Ðạo Tái 李道載 (có sách chép Trần Ðạo Tái, Lý Tái Ðạo). Ông người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, sinh năm Giáp Dần (1254), mất ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334).

Theo Tổ gia thực lục trong Tam tổ thực lục thì từ nhỏ ông đã có khiếu văn chương, năm hai mươi tuổi đỗ khoa thi hương và năm sau lại đỗ đầu khoa thi hội. Được bổ dụng vào Viện nội hàn, từng tiếp sứ Bắc, rất nổi tiếng về thơ văn. Nhưng không bao lâu ông một mực xin từ chức đi tu. Được người đứng đầu dòng Thiền Trúc lâm lúc bấy giờ là Trần Nhân Tông rất quý mến, giao cho Pháp Loa hướng dẫn. Về sau ông trở thành vị tổ thứ ba của dòng thiền này.


Huyền Quang là một nhà sư đồng thời là một thi sĩ có tiếng đời Trần. Thơ ông rất đậm chất trữ tình. Các nhà phê bình đời trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen thơ ông “ý tinh tế, cao siêu”, “lời bay bướm, phóng khoáng”. Có lẽ con người thi nhân trong ông rõ nét hơn con người tôn giáo. Xung quanh thân thế ông có nhiều giai thoại khá hấp dẫn, đã trở thành những câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi, và cũng đã từng được nhà văn đương thời ghi lại dưới hình thức một truyện truyền kỳ, lý thú, đi vào kho sách vở nhà Phật từ nhiều thế kỷ nay.

Nguồn: Thi Viện

No comments: