Thế nhưng, từ mẫu giáo cho đến tuổi teen, chẳng có bộ não của đứa trẻ nào đủ chất đủ ký để đương đầu với thế lực ma quái của các đồ chơi công nghệ cả. Con nít thì khỏi nói rồi, vì não của chúng còn quá mong manh, chưa cứng cáp. Thậm chí, cả nhóm teen cũng chưa chắc đủ sức để chống lại sức tàn phá vô tâm và không hề nhân nhượng của công nghệ.
Vào tuổi teen, đó là lúc phần não chiết xuất Dopamine – dược chất cho sự thích thú và hưng phấn – chín muồi. Thế nên, đây là thời kỳ bùng nổ của không ít thói hư tật xấu, khi lũ trẻ bị điều khiển như con rối bởi cái nhà máy sản xuất Dopamine đang hoạt động tối đa công suất trong não.
Ngược lại, phần não kiểm soát những ham muốn – Prefrontal Cortex – lại chưa cứng cáp, vì nó vốn dĩ là một trong những phần não trưởng thành sau cùng của não người. Thế là, một bên não đang “hưng phấn” nhấn chân đạp ga vù vù, mới thử cái gì là lạ cũng thấy thích, còn bên não “phanh thắng” lại chưa đủ vững vàng để có thể kìm hãm, dẫn đến chuyện tụi nhỏ mà lỡ dính vào cái gì dễ ghiền là nghiện ngay.
Sự phát tán tràn lan như dịch bệnh của những “món ăn” công nghệ cao như video game, mạng xã hội, YouTube, và hàng loạt ứng dụng ào ào ra đời, khiến tụi nhỏ khó kiềm chế. Dần dà, nhiều đứa trẻ nghiện điện thoại, máy tính bảng chẳng khác nào người lớn nghiện thuốc lá, bia rượu, cờ bạc,… Thế là với chúng, việc bền bỉ nỗ lực cả tháng trời để tiến bộ trong học tập, hay một ngày phấn đấu làm xong bài luận, một tuần đọc xong nguyên cuốn sách,… cũng không mang lại cảm giác hưng phấn, khao khát bằng việc chiến thắng một trò chơi trong vài phút hay lướt chục video trong một tiếng đồng hồ.
Khó đổ lỗi toàn phần cho con trẻ trong việc này vì chính cha mẹ là người ngày ngày đặt vào tay trẻ “con dao công nghệ” mà quên dạy chúng cách dùng con dao ấy sao cho không bị đứt tay; khi nào thì nên dùng, khi nào nên cất con dao ấy đi,…
NGUYỄN CHÍ HIẾU
(trích cuốn sách chưa chốt tên, bàn về vai trò của cha mẹ trong giáo dục con thời hiện tại).