Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Đông huynh đệ
thơ: Vương Duy
Độc tại dị hương vi dị khách,
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân.
Dao tri huynh đệ đăng cao xứ,
Biến sáp thù du thiểu nhất nhân.
九月九日憶山東兄弟 - 王維
獨在異鄉為異客
每逢佳節倍思親
遙知兄弟登高處
遍插茱萸少一人
Ngày trùng cửu nhớ huynh đệ ở Sơn Đông
(dịch thơ: Nguyễn Lãm Thắng)
Đất lạ, ta làm người khách lạ
Nhớ người thân quá, buổi trời tươi
Tuy xa, biết mọi người lên đấy
Cài nhánh thù du, thiếu một người…
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Vương Duy 王維 (699-759) tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm nên Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Ông tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ vương Lý Phạm mến tài, đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại nhạc thừa rồi bị giáng làm Tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung thư lệnh, ông được mời về làm Hữu thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian.
Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài Ngưng Bích trì. Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm Hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.
Nguồn: Thư Viên
No comments:
Post a Comment