Monday, October 21, 2019

TÌNH BẠCH TUỘC, ĐẸP ĐẾN THẾ LÀ CÙNG!

Nhâm nhi bia bọt với món bạch tuộc nướng ở những quán ven đường, dân nhậu đâu ai ngờ rằng, những con bạch tuộc trước khi lên dĩa đã có một tình yêu tuyệt vời và bi tráng, mà những mối tình đẹp nhất của loài người cũng không thể sánh bằng.


Một lần là trăm năm

Bạch tuộc có tám cánh tay (tua). Một trong tám cánh tay này được biến thái trở thành tua giao cấu (hectocotylus). Đến mùa mây mưa, con đực xáp lại gần, ve vãn, âu yếm người tình bằng những cánh tay, và đưa tua giao cấu vào con cái. Rồi bất ngờ, bạch tuộc đực tự cắt phăng luôn “cái nợ đời” tặng cho người tình. “Nợ đời” không còn, sống cũng như chết, mà con đực chết thật, chỉ sau đó một vài tuần. Bạch tuộc cái ôm chặt tặng vật của người tình cho đến ngày sanh nở, nâng niu chăm sóc “giọt máu” của tình yêu cho đến khi trứng nở thành con, và ngay sau đó (có khi sớm hơn), đi theo người tình về cõi… vô tận.

Trong tua giao cấu của bạch tuộc có hai túi tinh (spermatophoric sacs). Con cái phải ôm chặt “tặng vật” của người tình để vắt cho bằng hết tinh trùng, rưới vào vòi buồng trứng của nó. Khi giao phối, nếu cảm thấy đã đủ “đô” thụ tinh rồi, mà con đực vẫn cứ… tới tới, thì con cái sẽ “đạp” văng luôn con đực, mà “cái nợ đời” vẫn phải để lại. Lại có trường hợp, vừa xáp lại gần, con đực đã tự động tháo (remove) “cái nợ đời” ra giao nộp mà không được xơ múi gì cả. Những thực tế phũ phàng như thế quả thực, ngàn đời còn… hãi.

Hai con bạch tuộc đang môi chạm môi.

Có khoảng 300 loài bạch tuộc, mỗi loài có cách thức truyền giống, sinh sản khác nhau, nhưng đại loại cũng gần giống như trên. Bạch tuộc con, vừa nở ra từ trứng, đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chúng không học được gì từ cha mẹ cách thức để sinh tồn, nhưng chúng vẫn biết cách phun mực để trốn kẻ thù, biết thay màu, biến hình đổi dạng để đánh lừa những thú săn mồi dưới biển, thậm chí bị kẻ thù chộp cánh tay, bạch tuộc tháo luôn cánh tay bỏ chạy,…

Bạch tuộc được xem là thông minh nhất trong các loài nhuyễn thể (thân mềm).Bạch tuộc Paul của Đức còn tiên đoán kết quả bóng đá World Cup 2010, mà độ chính xác đã làm giới cá độ “lên ruột” một thời.Nhưng tất cả chỉ là bản năng sinh tồn, duy trì nòi giống mà thôi.


Coi chừng bạch tuộc đốm xanh

Nãy giờ nói nhăng cuội, bây giờ quay lại vấn đề “an toàn thực phẩm” cho đúng chuyên mục, nếu không chủ bút thổi còi. Bạch tuộc cũng như các loại hải sản khác, giàu protein (15%), ít béo (1%), nhưng tỷ lệ acid béo không no cao, nhất là omega-3 (0,16%). Lại có nhiều khoáng cần cho cơ thể như sắt, manganese, selenium, lượng potassium cũng cao hơn hẳn so với sodium. 100g bạch tuộc cung cấp chỉ 80 calo, thích hợp cho ăn kiêng giảm béo.

Bạch tuộc xuất cảng từ Việt Nam hầu hết ở dạng sơ chế rồi đông lạnh. Nhật Bản và Hàn Quốc rất thích ăn sống bạch tuộc (không chế biến), do đó tuyển lựa nguyên liệu rất kỹ. Bạch tuộc đánh bắt phải bảo quản tốt, chuyển về nhà máy càng nhanh càng tốt, sờ tay vào bạch tuộc vẫn phải còn nhép dính.


Về an toàn thực phẩm, bạch tuộc cũng tương tự như các loại hải sản khác, nhiễm ký sinh trùng ít được ghi nhận, nhưng vẫn có thể nhiễm các vi khuẩn gây bệnh khác, nếu vệ sinh, bảo quản không tốt. Ở nước ngoài, thường tiêu thụ bạch tuộc đông lạnh, đã được vệ sinh, khử khuẩn tại nhà máy, nên tương đối an toàn. Việt Nam dù là nước xuất cảng bạch tuộc đông lạnh, nhưng loại này lại không thấy bán ở siêu thị.

Bạch tuộc bán ngoài thị trường là hàng ướp lạnh, trước đó ít nhiều đã có dùng hoá chất để tẩy trắng, làm tăng trọng. Nói chung không thể kiểm soát được về mặt chất lượng, và dù có nơi nói là hàng tươi, cũng không thể tin, trừ khi họ có hồ sơ chất lượng của lô hàng, từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra. Điều này thường chỉ có ở những nơi chế biến bạch tuộc xuất khẩu.

Bạch tuộc đốm xanh (blue-ringed octopus)

Nhiều nhà hàng trong nước quảng cáo bán bạch tuộc tươi. Quên đi! Bạch tuộc thiệt tươi đã có mối lái đi vào nhà máy để làm hàng ăn sống, xuất cả rồi. Loại kém tươi hơn một chút, được sơ chế, đông lạnh rồi xuất sang Hàn, Nhật, Mỹ, EU, Hong Kong… Mỗi năm Việt Nam xuất cảng khoảng 40.000 tấn bạch tuộc, còn đâu là hàng tươi đi vào nhà hàng trong nước.Hàng “ngậm nước”, ướp đá thì có.

Do đó, không nên ăn gỏi bạch tuộc, chỉ nên ăn bạch tuộc nướng hoặc nấu chín. Độ rủi ro sẽ thấp hơn, phước chủ may… “người ăn”. Tuy nhiên không phải bạch tuộc loại nào cũng ăn được. Bạch tuộc đốm xanh (blue-ringed octopus) đã từng gây chết người ở Bình Thuận.Bạch tuộc loại này chứa độc tố tetrodotoxin cực độc (giống như ở cá nóc), nấu chín không phân huỷ được độc tố. Độc tố trong một con bạch tuộc 25g đủ làm chết mười người

.Bạch tuộc đốm xanh (blue-ringed octopus)

Bạch tuộc quán Sài Gòn

Bạch tuộc ven biển Việt Nam chỉ có loại nhỏ, cỡ bàn tay. Vài loại phổ biến theo tên gọi địa phương là loại bạch tuộc một da hai mắt, bốn mắt (có hai đốm giống như hai con mắt), maya, bạch tuộc ốc… tiếng Anh gọi chung là bạch tuộc nhí (baby octopus). Vài loại bạch tuộc rất dễ đổi sang màu hồng khi tiếp xúc với ánh sáng, không khí, pH… và làm khổ các nhà chế biến không ít (bạch tuộc đổi màu, giá sẽ thấp), nhất là các loại bạch tuộc ở miền Trung và vịnh Bắc bộ. Bạch tuộc ở Kiên Giang, nói chung, đánh bắt ở vịnh Thái Lan được cho là ngon nhất.

Vũ Thế Thành

No comments: