Thursday, October 24, 2019

NHỮNG MÓN ĂN ĐẶC TRƯNG CỦA NHẬT BẢN KHÔNG BẮT NGUỒN TỪ NHẬT

Tại Nhật Bản, ngoài những thức ăn truyền thống, có rất nhiều món ăn được du nhập từ nước ngoài. Nhưng khi đến Nhật, bằng sự sáng tạo vô bờ bến của mình, người Nhật đã biến những món ăn thành một phong cách rất Nhật Bản.

Chaliapin Steak

Nhắc đến Cà ri người ta nghĩ đến Ấn Độ, nếu là ăn Bít tết phải ăn tại châu Âu. Thế nhưng ở Nhật, những món này lại được thưởng thức theo một cách cực kì độc đáo mà ngay cả những người tạo ra phiên bản gốc cũng phải ngạc nhiên.

1. Biến tấu của món cà ri Ấn Độ

Cà ri có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng được đưa vào Nhật Bản từ nước Anh. Ngay lúc đó, hương vị Cà ri ở Nhật đã bị biến chất so với phiên bản ban đầu.

Nhắc đến Cà ri người ta nhớ đến món cơm Cà ri huyền thoại. Nhưng bạn không nhất thiết phải ăn Cà ri với cơm. Người Nhật đã sáng tạo ra phiên bản Cà ri bánh mì. Mùa hè trời nóng, nếu không nhai nổi cơm, bạn có thể cho Cà ri vào bánh rồi chiên lên, như thế sẽ đỡ ngán hơn rất nhiều.


Những chiếc bánh như thế này có thể dùng làm bữa sáng, bữa nhẹ, tiện dụng hơn cơm Cà ri đúng không nào?

Ngoài ra người Nhật còn kết hợp Cà ri với món ăn truyền thống của họ mì Udon để tạo thành món Udon Cà ri vô cùng độc đáo.


Mì Udon làm sao hợp với Cà ri được? Thế nhưng chỉ cần một chút thay đổi nhỏ, bạn sẽ ngạc nhiên với vị ngon bất ngờ của món ăn. Bạn nhớ thêm vào một ít nước tương Nhật để trung hòa vị của Cà ri và Udon rồi hãy thưởng thức nhé.

2. Bít tết Chaliapin – món Bít tết của riêng người Nhật


Bạn có thể đang thắc mắc, Bít tết đâu phải của người Nhật đúng không? Nhưng Bít tết Chaliapin lại là món ăn do chính người Nhật phát minh ra. Không dày như những miếng Bít tết thông thường, Bít tết Chaliapin có độ mềm đến mức như đang tan chảy trong miệng.

Có một câu chuyện thú vị đằng sau món Bít tết này. Vào năm 1936, ca sĩ Opera người Nga Chaliapin đã đến Nhật. Khi đó, ông muốn ăn Bít tết nhưng lại bị đau răng, do đó Chaliapin yêu cầu nhà hàng Nhật làm cho ông món bít tết mềm nhất có thể. Nhà hàng ấy mang tên Nhà hàng Hoàng Gia Tokyo – một trong những nhà hàng tốt nhất nước Nhật khi đó đã nghĩ ra cách ướp miếng thịt vào chiết xuất hành tươi. Cách này khiến cho miếng Bít tết mềm đến mức người đau răng cũng có thể ăn được.

Kiểu chế biến này ngoài Nhật Bản ra chưa có nơi nào áp dụng, do đó Bít tết Chaliapin được xem như sản phẩm của riêng người Nhật.

3. Món mì Ramen

Mì Ramen ở Nhật nổi tiếng tới mức người ta lầm tưởng đây là một trong những món ăn truyền thống của đất nước này. Nhưng thật ra, mì Ramen có xuất xứ từ Trung Quốc. Một sự thật thú vị rằng điều đầu tiên người Trung Quốc làm khi đến Nhật là đi ăn Ramen, cũng giống như việc người Nhật đến Việt Nam muốn đi ăn Phở vậy.


Theo như tôi được biết, vẫn chưa có món phở Việt Nam phiên bản Nhật.

Nếu bạn thắc mắc Ramen Nhật khác Ramen Trung Quốc ở điểm nào, đây là câu trả lời

Sự khác biệt nằm ở vị nước dùng độc đáo trong món Ramen Nhật. Nước dùng này là sự hòa quyện của xương heo, cá, súp Miso, nước tương, và muối.

Ramen Nhật không chỉ nổi tiếng về mùi vị mà còn được biết đến rộng rãi với cách chế biến công phu tinh tế của người đầu bếp.

4. Tương Ebichiri


Khi còn làm đầu bếp tại một nhà hàng Trung Quốc, tôi đã phục vụ món ăn này cho rất nhiều người Nhật, và họ nghĩ rằng đây là bản gốc bên Trung Quốc. Tuy nhiên, phiên bản này đã có thay đổi chút ít cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật. Nếu đúng như nguyên bản, tương Ebichiri này có vị rất cay, người Nhật sẽ không ăn được. Do đó họ đã nghĩ ra cách thêm sốt cà chua vào món tương này để giảm độ nồng và cay.

Có vẻ như người Nhật biết cách biến hóa mọi thể loại món ăn nhỉ?

Còn rất nhiều những món ăn được làm lại như thế này, mọi người cùng tìm xem sao nhé.

Kengo Abe