Saturday, October 5, 2019

NHỮNG MÓN ĂN “THEO CHÂN” NGƯỜI HOA GHI DẤU ẨM THỰC SÀI GÒN

Theo chân người Hoa, những món ăn du nhập vào Sài Gòn và dần dần chính nét đặc trưng của từng món từng vị mà chúng đã tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho nền văn hoá ẩm thực nơi đây.


Đối với nhiều người, cái tên “hủ tiếu hồ” nghe có vẻ xa lạ và dường như tạo cho ta một cảm giác về một món nước với phần súp có vẻ sệt lại. Nhưng khi tận mắt chiêm ngưỡng một tô hủ tiếu hồ nguyên bản thì lại bị chính sức hấp dẫn của chúng lôi kéo trong từng vị giác.


Đây là món ăn quen thuộc của người Tiều Châu và theo chân họ đến đất Sài thành từ vài chục năm về trước. Hiện nay, tuy nguyên bản có thể “Việt hoá” đi ít nhiều nhưng hủ tiếu hồ vẫn luôn mang hương vị biểu tượng cho ẩm thực Trung Hoa.


Một tô hủ tiếu hồ đúng chuẩn lúc nào cũng đầy ắp vô vàn thức ăn. Điểm nhấn chính là phần lòng heo như ruột, bao tử,… đều được nêm nếm thấm vị theo kiểu phá lấu. Ngoài ra có nơi còn cho thêm nào là huyết, tai heo,… Nhưng có lẽ “vũ khí bí mật” để tạo nên hương vị đặc trưng cho tô hủ tiếu hồ nằm vị chua ngọt và thơm thoảng mùi thuốc bắc của cải chua. Theo kiểu truyền thống của người Tiều thì cải chua được xào và ướp nhưng vẫn phải giữ được độ giòn và ngấm vị. Thêm vào đó là vị mằn mặn của củ cải muối băm nhuyễn xào với thỏi, thơm lừng và dậy mùi.


Hủ tiếu hồ không dễ ăn nhưng khi bạn trót lỡ phải lòng cái vị chua nhẹ hoà cùng những miếng lòng, bao tử mềm mềm đậm vị thì có lẽ bạn sẽ bị nghiện. Bước cuối cùng hoàn thiện cho tô hủ tiếu hồ là nước dùng ngọt thanh được hầm kĩ từ xương, đây chính là điểm chốt lại là dịu vị cho những thức ăn được chế biến đậm đà bên trong.


Hình như ai yêu thich ẩm thực Trung Hoa đều không thể bỏ qua những viên sủi cảo vàng óng và tròn ụ với phần nhân bên trong. Không nhớ sủi cảo đặt chân lên Sài Gòn khi nào, chỉ biết là sủi cảo dần dần trở thành một đặc trưng của ẩm thực nơi đây, thậm chí còn có cả một khu phố dành riêng cho hương vị “tuy cũ mà lạ” này.


Nói về vị cũ, thực chất sủi cảo là một biến thể mới mẻ từ món “vằn thắn” mà người Nam hay đọc chạy là “hoành thánh”. Lớp da bột mì mềm mại và dai dai bọc bên ngoài, bao trọn phần nhân được nêm nếm vừa vị vo tròn bên trong. Nếu hoành thánh là nhân thịt băm thì sủi cảo lại mang vị ngọt từ tôm.



Cầu kì, đa dạng như chính văn hoá ẩm thực của người Hoa, gọi một tô sủi cảo, bạn sẽ choáng ngợp với những món ăn trông lạ lẫm nhưng hấp dẫn không kém. Những cái tên như cá viên, da heo, mực ngâm tro,… tưởng chừng chẳng liên quan nhưng lại tạo nên sự phối hợp ăn ý.


Hầu hết nguyên liệu trong món đều từ công thức truyền thống của người Hoa, như mực thì phải được ngâm trong nước tro rồi phơi khô nhưng khi ăn vào bạn vẫn cảm nhận được cái giòn cái thơm của từng lát mực dày dặn. Da heo thì chiên rồi hầm trong nước nên vừa có cái béo vừa hoà với cái dai mềm hấp dẫn. Đấy là chưa kể đến các thành phần độc đáo không kém như viên mộc tròn trịa thơm ngon. Nước dùng của sủi cảo không đậm vị như món nước của người Việt ta, họ chủ yếu nhấn vào vị thanh nhẹ tự nhiên của nước ninh xương và hạn chế nêm nếm gia vị. Những viên sủi cảo vàng mượt óng ánh lúc nào cũng căng tròn phần nhân bên trong, ăn cùng với vài lát cải ngọt cho thêm vị tươi thì còn gì bằng.


Cháo Tiều cũng bao gồm những thành phần tương tự như món cháo lòng của người Việt, gồm cháo trắng, tim, cật, phèo, thịt băm,… nhưng điểm khác biệt chính là ở cách chế biến. Thức ăn không nấu chín cùng cháo mà sẽ khi thực khách gọi, thức ăn mới được cho vào một tô nhỏ rồi nấu sôi cùng với cháo trắng. Sau khi khuấy đều cho đến chín hẳn thì thành phần dọn ra sẽ là tô cháo Tiều thơm ngon, bắt vị. Chính cách nấu độc đáo này đã tạo nên một hương vị đặc trưng riêng mà hiếm món cháo nào có được.


Ngoài ra, còn những thành phần phụ khác như mực, nấm rơm, hành lá,… được cho vào để tiếp hương thêm vị cho món ăn. Đặc biệt là, cháo của người Tiều sẽ ăn kèm cùng một quả trứng gà ta. Bạn có thấy thành phần của món cháo này quá đỗi phong phú không?



Cháo Tiều được xem là một trong những món ăn đặc sắc nhất mà vẫn được người Hoa lưu giữ hương vị. Bát cháo món hổi vừa múc ra, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà từ những món lòng heo, hoà quyện cùng hương thơm và độ sánh vừa của cháo. Ăn cháo Tiều thì không thể thiếu giò cháo quẩy, vị cay the của vài sợi gừng, hành lá điểm thêm chút xanh và rắc tiêu cho thơm là vừa tròn vị.


Nhắc đến món ăn Trung Hoa thì không thể bỏ qua những hàng chè đầy ắp vị ngọt thanh với đầy đủ các món từ lạ đến quen. Người Hoa quan niệm với cách ăn uống cũng như những bài thuốc tốt cho sức khoẻ, vì thế những món chè của họ đều mang hương vị thanh mát và thoang thoảng mùi của các loại thảo mộc.


Bất kì món chè Hoa đều mang hương vị thanh mát và thoang thoảng mùi của các loại thảo mộc. Những cái tên đặc trưng mà bất cứ quán chè nào cũng có như là cao quy linh, nhãn nhục, củ năng, sâm bổ lượng, hạnh nhân,… tất cả đều là những loại thực phẩm bổ dưỡng, giúp điều hoà cơ thể trong những ngày hè oi ả.


Ngon và bổ là một chuyện nhưng điều khiến người ta thích ngắm nhìn những quán chè Hoa lâu hơn một chút đó chính là những màu sắc hấp dẫn của trong từng loại thành phần. Mỗi chén chè, mỗi ly chè, đều mang một màu sắc riêng, mỗi màu sắc lại mang một hương vị thật riêng biệt.


Đặc biệt, người Hoa còn gây ấn tượng trong thực đơn tráng miệng của mình với những món lạ vị như hột gà trà, chè mè đen,… Công thức chế biến truyền thống cùng với những hương vị mới mẻ chắc chắn những món chè này sẽ là lựa chọn cho một buổi xế giải nhiệt.


Đặc biệt, người Hoa còn gây ấn tượng trong thực đơn tráng miệng của mình với những món lạ vị như hột gà trà, chè mè đen,… Công thức chế biến truyền thống cùng với những hương vị mới mẻ chắc chắn những món chè này sẽ là lựa chọn cho một buổi xế giải nhiệt.

Sài Gòn thực sự may m ắn khi được giao thoa nhiều hương vị ẩm thực mới lạ từ các vùng miền, đặc biệt là sự đa dạng và cầu kì của ẩm thực Trung Hoa. Theo chân người Hoa, những món ăn du nhập vào Sài Gòn và dần dần chính nét đặc trưng của từng món từng vị mà chúng đã tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho nền văn hoá ẩm thực nơi đây.

Theo SaoStar