Wednesday, October 30, 2019

HONG KONG, CÔNG TY ĐÔNG ẤN VÀ CHIẾN TRANH NHA PHIẾN Ở TRUNG QUỐC

Người Anh đã dùng thủ đoạn gì để thâu tóm Hong Kong từ Trung Quốc 156 năm. Làm sao họ có được hòn đảo này? Và Hong Kong có liên quan gì đến chiến tranh nha phiến?

Triều đình Mãn Thanh cho người phá hủy số thuốc phiện lấy được từ tàu buôn của Anh. (Ảnh: Pinterest)

Thuốc phiện dùng trong y học được sản xuất ở Trung Quốc lần đầu vào cuối thế kỷ 15. Các thầy thuốc Trung Hoa dùng nó để trị bệnh lỵ, dịch tả… Và không phải đến thế kỷ 18 người Trung Quốc mới hút thuốc phiện.

Năm 1729, triều đình Mãn Thanh cảnh báo người dân rằng, thuốc phiện rất hại người. Họ ban chỉ lệnh cấm bán thuốc phiện trộn chung với thuốc lá, cấm cửa các khách điếm hút thuốc phiện. Trong “The Imperial Drug Trade” xuất bản tại London năm 1905, Joshua Rowntree viết, tội bán thuốc phiện “bị xếp ngang với tội cướp của và xúi giục giết người, có thể bị đày ra biên ải hoặc tử hình”.

Tuy nhiên, lệnh cấm không ngăn được Anh, vốn đã dần dần tiếp quản việc buôn bán thuốc phiện từ các đối thủ tư bản châu Âu là Bồ Đào Nha và Hà Lan. Lúc này, phần lớn thuốc phiện do Ấn Độ – thuộc địa của Anh – trồng và sản xuất.

Nhà thám hiểm tự do người Anh là thuyền trưởng Hamilton đã ở Ấn Độ 40 năm đầu thế kỷ 18. Ông miêu tả thành phố Patna là “nơi người châu Âu thường xuyên lui tới, nơi người Anh và Hà Lan có các nhà máy. Ở đó sản xuất rất nhiều thuốc phiện để phục vụ tất cả các vùng miền ở Ấn Độ”.

Nước Anh độc quyền thương mại về thuốc phiện

Một kho thuốc phiện của Công ty Đông Ấn, chúng sẽ được đưa qua Trung Quốc. (Ảnh qua Kate Tattersall)

Karl Marx viết trong “Sự hình thành của tư bản công nghiệp” (Genesis of the Industrial Capitalist), tập 1 với tựa đề “Tư bản”: “Công ty Đông Ấn của Anh quốc, bên cạnh việc giành được quyền lực chính trị ở Ấn Độ, còn nổi tiếng với việc nắm độc quyền thương mại trà, cũng như thương mại của Trung Quốc nói chung, và vận chuyển hàng hóa đến và đi từ châu Âu… Độc quyền muối, thuốc phiện, trầu và các mặt hàng khác, là công ty sở hữu của cải vô tận”.

Thế thì, tuy triều đình Mãn Thanh đã thực hiện các hoạt động và biện pháp mạnh tay hơn để chấm dứt nạn buôn bán thuốc phiện, nhưng người Anh đã làm tất cả những gì có thể để đẩy mạnh vấn nạn này.

Công ty Đông Ấn của Anh tiến hành 3 cuộc chiến với Trung Quốc nhằm giành quyền bán thuốc phiện. Những chiến tranh, cướp bóc của chủ nghĩa đế quốc đã mở ra các thị trường mới và định đoạt số phận của Hong Kong.

Đó là những cuộc chiến tranh thuốc phiện đầu tiên trên thế giới. Mục đích duy nhất là đảm bảo việc nhập khẩu thuốc phiện, sinh ra lượng lợi nhuận khổng lồ.

Doanh số bán thuốc phiện tăng dần từ 2.330 rương năm 1788 lên 4.968 rương năm 1810. Sau khi người Anh nắm độc quyền, họ đã đẩy con số lên 17.257 rương năm 1835, trị giá hàng triệu bảng Anh.

Năm 1830, Thống đốc người Anh của Ấn Độ viết: “Chúng tôi đang áp dụng các biện pháp để mở rộng trồng trọt, nhằm tăng lượng cung thuốc phiện”.

Cuộc chiến tranh nha phiến năm 1839-1842 bắt đầu khi triều đình Mãn Thanh đối đầu với các tàu buôn nước ngoài và yêu cầu họ giao nộp hàng hóa bất hợp pháp. Sĩ quan cảnh sát của hạm đội Anh là thuyền trưởng Elliot, đã yêu cầu Thống đốc của Ấn Độ gửi thêm nhiều tàu chiến cho ông.

Tàu chiến được đưa đến Hong Kong để bảo vệ các tàu buôn thuốc phiện lớn. Tàu gỗ do hoàng đế Mãn Thanh phái đi không có cơ hội đánh thắng tàu chiến Anh.

Tàu gỗ do hoàng đế Mãn Thanh phái đi không có cơ hội đánh thắng tàu chiến Anh. (Ảnh qua Spectator)

Rowntree viết rằng: Người Anh “đang rất vội vã kiếm tiền ở phương Đông, và những tàu chiến giúp dọn đường nhanh chóng. Một chút lòng trắc ẩn với người đã bị các đồng bạc rup cuốn trôi, để rót vào kho bạc Anh ở Calcutta”.

Những cuộc chiến này gây ra chết chóc, thương vong chưa từng có ở Trung Quốc. Người Anh đã dùng nhiều thủ đoạn để phá hủy, chiếm đoạt, cướp bóc dọc bờ biển Trung Quốc.

Không còn lại gì để cướp và phá

Công báo Ấn Độ, một ấn phẩm của Anh, viết về vụ cướp ở thành phố Chu San, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc năm 1840 như sau:

“Một vụ cướp phá toàn diện không thể tàn nhẫn hơn đã xảy ra. Từng ngôi nhà tan nát, từng ngăn kéo và két sắt bị lục soát, những con đường rải rác các mảnh vật dụng, tranh vẽ, bàn, ghế, các loại ngũ cốc – toàn bộ thành phố chỉ toàn là người chết hoặc bị thương không thể chạy trốn do vết thương từ những phát súng tàn nhẫn của chúng ta… Vụ cướp chỉ chấm dứt khi không còn gì để cướp phá”.

Các cuộc đàm phán dẫn đến “Hiệp ước Bogue” nhưng bị thất bại vì Trung Quốc từ chối bồi thường số thuốc phiện mà Anh mất trong chiến tranh. Sau đó, Anh chiếm Hạ Môn, Thanh Hải, Châu Hải, Ninh Ba.

Sau cái chết của hàng nghìn người Trung Quốc, ngày 29/8 /1842, cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên kết thúc với hiệp ước Nam Kinh. Hiệp ước buộc triều đình Mãn Thanh bồi thường 15 triệu đô la cho các thương gia Anh. Hơn nữa, nó mở ra 5 cảng thương mại cho người Anh.

Cuối cùng, Trung Quốc nhượng lại Hong Kong cho Anh.

Đây là nguồn gốc đẫm máu: Vì sao Hong Kong có 156 năm làm thuộc địa của Anh. Nó diễn ra cùng thời với cuộc xâm lược đế quốc ở châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông và một số nước châu Á. Đó là những điều kinh hoàng của thế kỷ 19 và 20, mang đến sự đau đớn cùng cực cho nhiều dân tộc.

Xuân Nhạn, theo Sanskriti