Sunday, October 27, 2019

SỐ NGƯỜI VIỆT NAM MUỐN RA NƯỚC NGOÀI SINH SỐNG VẪN RẤT CAO

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) trong năm 2015 có trên 244 triệu người trên thế giới di cư tới nước khác, tương đương 3,3% dân số toàn cầu.

Cô dâu Việt cùng con học tiếng Hoa ở Đài Loan - hình chỉ có tính minh họa

Có nhiều nguyên nhân khiến người ta rời bỏ quê hương để sang nước khác sinh sống.

Theo nghiên cứu của Gallup, có một số nguyên nhân chính: chiến tranh, khủng hoảng, tìm điều kiện kinh tế tốt hơn, hoặc chạy trốn nạn đói hay dịch bệnh.

Gallup chỉ ra rằng, có ít nhất 50% người Syria muốn bỏ nước ra đi vì nội chiến chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Cũng theo tổ chức này thì đã có khoảng 2 triệu người Venezuela bỏ đất nước ra đi trong năm 2018.

Điều đáng ngạc nhiên là Venezuela vốn giàu có về tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ.

Nhưng chính sách sai lầm của chính phủ hiện hành khiến khủng kinh tế kéo dài, và người dân ở đây sống trong khổ cực nên muốn bỏ chạy khỏi đất nước.

Việt Nam cũng đã từng có những đợt di cư rất lớn

Ngay sau khi Việt Nam Cộng hoà sụp đổ năm 1975 đã có một làn sóng di dân lớn từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và các nước Tây phương, với hàng trăm nghìn vượt biên và vượt biển vì sợ chính quyền mới trả thù.

Làn sóng bỏ nước ra đi đông đảo nhất xảy ra khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ

Từ 1977 có thêm phong trào vượt biển tỵ nạn nữa.

Làn sóng di dân này kéo dài cho đến giữa thập niên 1980 vì vấn đề khủng hoảng kinh tế kéo dài và môi trường chính trị ngột ngạt tại Việt Nam lúc đó.


Hiện tại, nhiều năm sau khi cuộc chiến đã kết thúc, chưa có những thống kê chính thức nào về số lượng người Việt Nam đang mong muốn và đã di cư ra nước ngoài sinh sống hàng năm.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của tác giả, số lượng này là không nhỏ.

Không kể thế hệ thuyền nhân và người tỵ nạn, hiện người Việt vẫn ra đi và chọn nhiều cách để di cư sang các nước phát triển hơn.

1. Du học ở lại

Đầu tiên phải kể đến là, thông qua con đường du học xong kiếm việc ở lại.

Hiện có đông đảo sinh viên Việt Nam đang du học các nước trên thế giới, chủ yếu ở các nước phát triển.

Theo công ty nhân sự Theo kết quả nghiên cứu của công ty nhân sự SHD, có tới 64% số sinh viên Việt Nam mong muốn ở lại nước sở lại làm việc và sinh sống.

Do đó, ta có thể nói hàng năm có một lượng không nhỏ người Việt Nam định cư ở nước ngoài thông qua con đường du học rồi ở lại.

Một lượng không nhỏ du học sinh Việt Nam quyết định định cư ở nước ngoài sau khi hoàn thành khóa học

2. Đầu tư ra nước ngoài

Một trào lưu giới mới của giới giàu và rất giàu gồm không ít quan chức cao cấp -đã di cư bằng đầu tư hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài để có thẻ định cư và quốc tịch nước khác.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR), người Việt đổ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

3. Xuất khẩu lao động

Một con đường khác để di cư của người Việt Nam đó là xuất khẩu lao động.

Theo báo Nhân Dân, năm 2017 ghi nhận số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao kỷ lục, với 134 nghìn người.

Rất nhiều trường hợp người đi lao động xuất khẩu cố tình tìm cách ở lại nước sở lại, bằng con đường hợp pháp hoặc không.

Tại Hàn Quốc, tính đến tháng 4/2018, 35% lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp theo Cục quản lý lao động nước ngoài, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam.

4. Di cư chui

Một đường di cư khác đó là di cư chui thông qua con đường du lịch. Nghĩa là người muốn di cư thông qua hình thức đi du lịch xong tìm cách trốn ở lại.

Điển hình của hình thức này chính là vụ 152 khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan du lịch xong mất tích.

Điều này khiến cho nhà chức trách Đài Loan phải lập đội đặc nhiệm tìm kiếm những người này và dừng cấp visa du lịch cho du khách đến từ Việt Nam trong chương trình Quan Hồng.

Hay như các vụ nhập cư bất hợp pháp vào Anh của người Việt qua đường xe tải, tàu biển vẫn được báo chí nước này thường xuyên nhắc tới.

Cảnh sát Anh đã bắt rất nhiều trường hợp người Việt Nam thông qua đường du lịch, hay tìm cách đến một nước trong châu Âu, rồi sang Pháp, sau đó trốn trên những xe tải do của những nhóm buôn người để vào Anh.

5. Kết hôn với người nước ngoài

Kết hôn với người ngoại quốc cũng là một cách để ra nước ngoài sinh sống, thoát cảnh đói nghèo. Theo Thanh Niên, chỉ từ 2008 đến 2014, Việt Nam có 115.675 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó đa phần là phụ nữ, chiếm hơn 72%.

Phụ nữ Việt Nam kết hôn chủ yếu là công dân Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ…

Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 người kết hôn với người nước ngoài.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang được đánh giá là tốt nhất khu vực châu Á nhưng vì sao có một lượng không nhỏ người Việt Nam vẫn tìm mọi cách để di cư?

Theo tác giả có nhiều nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.

Thứ nhất, dù là nước có mức tăng trưởng cao 7,08% năm 2018 theo Tổng cục thống kê, nhưng thu nhập trên đầu người của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, kém xa các nước phát triển.

Như bảng thống kế phía dưới cho thấy, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam kém hàng chục lần với những nước được cho là nhiều người Việt Nam di cư muốn tới.

Đi làm ở nước có thu nhập theo giờ làm công cao hơn là cách tiết kiệm và tích lũy ngắn nhất cho người nhập cư.


Thứ hai, Việt Nam được coi là nước có giới siêu giàu tăng nhanh nhất trên thế giới theo nghiên cứu của Wealth-X, công ty chuyên thu thập thông tin về giới siêu giàu.

Người Việt tại Hoa Kỳ - hình minh họa

Điều này cho thấy lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế nhanh ở VN không chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam thậm chí còn ngày một tăng.

Hay nói cách khác, rất nhiều người bị bỏ rơi bên ngoài quá trình phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa.

Do đó, rất nhiều người tìm cách di cư ra nước ngoài để có cơ hội làm ăn kinh tế tốt hơn.

Thứ ba, một nguyên nhân nữa kiến cho người Việt di cư nhiều là mong con cái mình có tương lai tươi sáng hơn.

Nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền vẫn phổ biến gây nản lòng người dân.

Chương trình giáo dục và y tế tại Việt Nam bị đánh giá lạc hậu và kém hiệu quả.

Chi phí người ta phải bỏ ra không xứng đáng với dịch vụ nhận được.

Đại học RMIT của Úc tại Việt Nam

Ô nhiễm môi trường đang tới mức báo động từ thành thị đến các vùng nông thôn và thêm vào đó, môi trường văn hoá xã hội cũng xuống cấp.

Nhiều người tin rằng con cái mình sống trong một đất nước như vậy khó có tương lai do đó họ tìm cách di cư, dù biết rằng di cư là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Giải pháp cho tình trạng người dân di cư bằng mọi giá

Theo tôi, người Việt Nam phần đông muốn gắn bó với cuộc sống trên chính quê hương mình.

Nhưng để giảm đi số người dân tìm mọi cách di cư để đến nơi có sống tốt đẹp hơn thì cần nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền.

Việt Nam phải có chiến lược đúng đắn cho phát triển kinh tế, phúc lợi và an sinh xã hội, đẩy lùi các vấn nạn của xã hội.

Để một ngày không xa, người Việt Nam có những điều kiện sống không thua kém những người dân ở các nước trong khu vực thì việc người dân bỏ nước ra đi sẽ giảm đi hoặc không còn như hiện nay.

David Nguyen
Gửi bài từ London
Nguồn: BBC Tiếng Việt (03/01/2019)