Hẳn ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu đồng dao "Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi. Con chó khóc đứng khóc ngồi. Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng"... hay như câu đối vè "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng…”.
Tưởng đâu chỉ là những câu nói dân gian có vần điệu dễ thuộc dễ nhớ nhưng đó lại là kho tàng kiến thức ẩm thực được ông bà đúc kết từ xa xưa.
Từ thịt gà phải có lá chanh…
Sự kết hợp giữa thịt gà và lá chanh có lẽ đã thành chân lý khó mà chối cãi được. Tính hợp lý của nó trước tiên phải kể đến sự ngon miệng khi ăn cùng nhau, tiếp đến là sự hòa hợp về màu sắc khi màu xanh của lá chanh kết hợp với màu vàng của thịt gà sẽ tạo được sự bắt mắt theo quy luật phối màu trong nghệ thuật.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao không ăn thịt gà với lá bưởi hay lá cam, những cây cùng họ với cây chanh? Mấu chốt chính là lượng tinh dầu đáng kể có trong lá chanh. Với thành phần chủ yếu là các chất hóa học có dạng vòng từ phenol nên tinh dầu chanh có mùi thơm rất dễ chịu, có nhiều tác dụng tích cực đến sức khỏe và tinh thần của người sử dụng.
Như vậy, ông bà ta đã biết được rằng ngoài ăn ngon, lá chanh còn giúp tăng cường sức khỏe từ rất lâu trước đây rồi đấy.
… tới thịt lợn mỡ "sánh đôi" cùng dưa hành
Trước đây, khi kinh tế còn khó khăn, phải đợi đến Tết thì trong nhà mới có thịt lợn trên bàn ăn. Và thật thiếu sót nếu thiếu đi dưa hành hay củ kiệu muối chua ăn kèm. Sự kết hợp này không chỉ tuân thủ luật âm dương ngũ hành trong ẩm thực Việt Nam mà dưới góc nhìn khoa học, rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng đã được chỉ ra.
Cụ thể, những thực phẩm lên men như dưa hành muối chua có nhiều lợi khuẩn sẽ tác dụng trực tiếp tới quá trình tiêu hóa trong đường ruột. Qua đó giúp người ăn không gặp các vấn đề về đường ruột sau nhiều ngày ăn nạp nhiều thức ăn dầu mỡ.
Một số chất khác tốt cho sức khỏe có trong củ hành có thể kể đến như chất sulfur làm gia tăng lượng cholesterol tốt giúp "dọn dẹp" các mảnh vữa bám ở thành mạch máu, hạn chế bệnh tim mạch. Hay flavonoid quercetin được giới khoa học chứng minh là chống ung thư.
Và còn có câu “Rau cải nấu với cá rô/ Gừng thêm một lát, cho cô giữ chồng”
Không chỉ ngon miệng và hao cơm, canh cải cá rô còn là một vị thuốc. Cải thường dùng để nấu cá rô là loại cải bẹ, có vị hơi ngăm đắng có tác dụng thông khí, làm khoan khoái vùng ngực, hông, điều hòa thận khí, trừ đờm, ra mồ hôi.
Thông thường khi nấu canh cải cá rô, người ta thường cho thêm lát gừng để chống tanh, làm tăng hương vị món ăn. Gừng này giúp tiêu thực, làm ấm tỳ vị ra mồ hôi, giải cảm, giải nhiệt, chống nôn... Tóm lại rằng món canh cải cá rô không chỉ là bát canh suông mà còn là một bát thuốc có tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi, giải độc.
Theo VTC News