CÂU CHUYỆN TÌNH ĐẦU ĐẪM NƯỚC MẮT CỦA NHẠC SĨ HOÀNG THI THƠ
Trước khi trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng ở miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng trải qua một thời tuổi trẻ nhiều biến động. Ông tham gia trong đội tuyên truyền của Việt Minh từ khi còn rất trẻ và trải qua một mối tình sâu sắc nhưng cũng không kém phần bi thương với cô gái 16 tuổi tên là Trương Tân Nhân – người sau này trở thành ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ ở miền Bắc.
Năm 1945, khi đang theo học ở trường Khải Định (nay là trường Quốc Học Huế), nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ bỏ học để tham gia đoàn văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn. Năm 1946, ông tham gia Việt Minh, công tác ở đoàn tuyên truyền, sau đó làm phóng viên và biên tập viên báo Cứu Quốc ở liên khu 4. Đến năm 1948 ông quay lại nhà trường để hoàn tất chương trình học phổ thông tại trường Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh. Tại đây ông gặp và yêu một nữ sinh tên là Tân Nhân – cũng là một ca sĩ đang tham gia đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên.
Tân Nhân cùng được sinh ra ở Quảng Trị và cùng đến Huế học trung học giống Hoàng Thi Thơ, sau đó cùng bỏ học để ra vùng kháng chiēn, và lại cùng học trường Huỳnh Thúc Kháng ở Khu 4 giống như Hoàng Thi Thơ. Có thể thấy hành trình những năm đầu đời của 2 người khá giống nhau. Lúc còn ở Huế, nếu như Hoàng Thi Thơ học trường Khải Định nổi tiếng dành cho nam sinh thì Tân Nhân học trường nữ sinh Đồng Khánh.
Năm 1949, trận càn Phong Lai của Pháp vào khu chiến đã làm dấy lên tin đồn rằng tất cả thành viên đoàn văn công đều đã thành tử sĩ, dấy lên lòng thương tiếc về những con người trẻ tuổi đã dấn thân nơi rừng sâu và hy sinh anh dũng.
Tin đồn nhanh chóng được cải chính nhưng vẫn lan truyền về đất Thanh Nghệ Tĩnh. Trường Huỳnh Thúc Kháng đã làm lễ tưởng niệm cô học trò Tân Nhân. Hoàng Thi Thơ – lúc đó đang công tác ở Nghệ An – nghe được tin như tan nát cả cõi lòng. Ông đã thể hiện nỗi nhớ thương Tân Nhân bằng bài hát Xuân Chết Trong Lòng Tôi:
Xuân ơi Xuân
Chim xa đàn
Xuân ơi Xuân
Ngờ đâu Xuân chết trong lòng tôi
Trong tiếng đàn…
Ôi chim xa cành
Bướm lìa hoa
Trùng phùng xa lắm…
Rồi một ngày, Tân Nhân trở về lại và nghe được bài hát này, bà đã rất xúc động.
Bài hát thể hiện lòng thương nhớ dành cho người (ngỡ) đã ra đi làm động lòng cô nữ sinh. Tân Nhân lại lên đường ra Nghệ An và gặp lại Hoàng Thi Thơ lúc đó cũng đang tìm bà, khởi đầu một mối tình lãng mạn và trắc trở.
Năm 1951, Hoàng Thi Thơ về Huế thăm gia đình người anh ruột, với mục đích là muốn xin gia đình người anh một số tiền để trở lại Khu 4 để sau đó đưa người yêu ra Hà Nội để theo học trường Văn Khoa ở đây.
Nhưng khi trở về thì cả gia đình giữ Hoàng Thi Thơ lại và khuyên là không nên trở ra Liên Khu 4, mặc dù ông rất nôn nóng muốn trở ra với người yêu. Cuối cùng ông cũng xiêu lòng trước những lời khuyên nhủ của những người thân nên quyết định vào Sài Gòn để được an toàn, còn người yêu của ông vẫn ở lại vùng kháng chiēn.
Dứt áo ra đi dù lòng vẫn còn vương vấn, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không hề biết rằng ông đã để một sinh linh bé nhỏ ở lại với người yêu.
Tại Sài Gòn, khi soạn cuốn Để Sáng Tác Một Bài Nhạc Phổ Thông, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thể hiện niềm thương nhớ đến người xưa bằng việc ghi lời đề tặng ở cuốn sách nổi tiếng này như sau: “Thân yêu gửi Tân Nhân”. Dòng chữ được đặt ngay bên dưới lời kính dâng đến Phụ – Mẫu – Anh đã thể hiện tấm lòng của người nhạc sĩ.
Trong khi đó, ở miền Bắc, Tân Nhân quyết định giữ lại đứa con trong bụng, mặc cho bạn bè giễu cợt khinh khi. Một người bạn học thương cảm đã đưa bà về nhà mình ở Hà Tĩnh cưu mang, nhưng vì tập tục vùng làng quê nên gia đình này dù có thương bạn của con thì cũng chỉ dám cho phép Tân Nhân dựng một cái lều ngoài vườn để sinh nở.
Người con này đặt đặt tên theo họ của mẹ là Trương Khánh Hoài, ông kể lại trong hồi ký:
“Từ lúc tôi sinh ra, nhiều đêm cạn sữa nằm nghe con khóc đòi bú ngặt nghẽo, bụng thì đói cồn cào, lại nghe gió rừng âm u bốn bề thổi quanh, cùng cực quá mẹ tôi đã định bế con ra dòng sông La để trầm mình. Và đã có một đêm khi tôi đã ngủ, mẹ tôi đã quyết bế con đi. Nhưng không hiểu sao, ra đến bờ sông, có lẽ gió thổi lạnh quá hay có một tiếng gọi định mệnh nào đó làm tôi tỉnh thức, khóc ré lên thảm thiết, như nức nở, như ai oán, khiến mẹ tôi sững lại. Thế là mẹ tôi đứng bên bờ sông cũng khóc. Như nổi giông nổi bão trong lòng. Và thế là mẹ lại quay mặt bế con về mái lều, cho con nhằn da ngực đã khô kiệt mà cắn…
Giữa lúc ấy, may thay, cố tôi và bà tôi xuất hiện, đúng như một bà Tiên, như một ông Bụt: “Con ơi, răng mà con khổ như ri”.
Cố tôi đã thốt lên khi nhìn thấy tình cảnh mẹ con tôi trong túp lều hoang dại, còn bà tôi thì hối hả đổ gạo ra từ cái đẫy xách bên mình, rồi lại hối hả chạy ra giếng múc nước về nhen lửa nấu cơm nấu cháo cho mẹ con tôi ăn. Có lẽ đó là bữa đầu tiên mẹ tôi được no bụng sau khi sinh nở…”
Vượt qua thời kỳ gian khó, sau khi con đã chập chững, Tân Nhân trở lại công tác và hoạt động ca hát. Năm 1954, bà là diễn viên đơn ca tại Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Năm 1963, bà theo học khoa Thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp năm 1968. Từ năm 1969 đến năm 1972, bà tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria. Về nước năm 1973, bà làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tại đất Bắc, bà được gặp lại một người bạn học cũ từ thuở ấu thơ là Lê Khánh Căn, họ nên vợ chồng và sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời. Người con được lấy theo họ cha dượng là Lê Khánh Hoài.
Lê Khánh Hoài sau này trở thành nhà báo và dùng nhiều bút danh khác nhau: Châu La Việt, Trương Nguyên Việt, với Trương là họ của mẹ, Việt là thị trấn Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh, quê của mẹ. Ông cũng lấy bút danh là Triệu Phong, là quê của cha. Năm 1994, khi lần đầu được gặp cha ruột, ông được đặt tên theo họ cha là Hoàng Hữu Hoài.
Ông Hoài nói về mẹ mình như sau: “Cũng có thể có lúc mẹ trách móc cha, nhưng suốt cuộc đời này, với cha tôi, không bao giờ mẹ căm giận như thường tình, mà chỉ nhớ thương trông đợi, để rồi gửi vào câu hát và tạo nên một tiếng hát Xa Khơi bất hủ: ”Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay, nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay…”.
Năm 1976, Lê Khánh Hoài lần đầu vào được Sài Gòn, nhưng lúc đó Hoàng Thi Thơ đã trôi dạt ly hương nơi đất khách. Mãi đến năm 1987 cha con mới liên lạc được với nhau qua những lá thư đầy xúc động, rồi đến năm 1994 thì mới lần đầu được gặp nhau. Cũng trong dịp đó nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được hội ngộ với Tân Nhân trong một buổi gặp gỡ đầy ân tình và tự trọng của những nghệ sĩ nổi tiếng. Họ chỉ gặp nhau 1 lần nữa thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001.
Khi hay tin nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mất ở Hoa Kỳ, ca sĩ Tân Nhân viết những dòng thơ tưởng nhớ, bài thơ mang tên “Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ”:
Ơi Thạch Hãn, ơi Bích Khê
Thôi từ nay không còn đợi ông về
Người nhạc sĩ với cây đàn ấy
Hồn tươi vui thắm đượm tình quê…
Từ xứ nghèo Quảng Trị ra đi
Đôi bờ vĩ tuyến buồn vui gì
Trải bao trăn trở tìm lẽ sống
Vì đâu đau khổ và chia ly…
Một tấm gương kiên trì lao động
Những thăng hoa bước tiến tài năng
Mỗi cung đàn dựng bằng tâm huyết
Tác phẩm còn đọng lại với thời gian.
Ông – người yêu nồng nàn cuộc sống
Từ con người hoa lá chim muông
Yêu sông núi xóm làng thơ mộng
Và dệt nên những bản nhạc quê hương
(Nghệ sĩ Tân Nhân)
Lê Khánh Hoài kể rằng năm 2007, khi ông vào Sài Gòn thăm mẹ đang sống ở đây, bà nói: “Con gắng đi Mỹ, sang đó tìm nơi ba Thơ yên nghỉ, thắp cho mẹ một nén nhang”.
Chỉ ít ngày sau thì Lê Khánh Hoài sang Mỹ, tìm đến công viên vĩnh hằng để thăm cha. Khi về lại và cho mẹ xem hình chụp lúc dâng hương, bà xem rất chăm chú từng hình một. Chỉ 4 ngày sau đó, Tân Nhân bất ngờ ngã xuống sau một cơn đột quỵ khi quét sân và ra đi sau đó ít lâu.
Thời gian sau đó, Lê Khánh Hoài lục tìm những kỷ vật của mẹ thì bất ngờ tìm thấy dưới gối của bà một lá thư đề nghị, với bản chính đã được gửi bưu điện đến nơi cần nhận, trước khi bà bị đột quỵ chỉ mấy ngày. Nguyên văn lá thư đó được Lê Khánh Hoài đăng như sau:
“Kính gửi Bộ Văn hóa!
Tên tôi là: Trương Thị Tân Nhân – Nghệ sĩ ưu tú, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi làm đơn này xin đề đạt một nguyện vọng như sau, kính mong các đồng chí xem xét.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ từng là một đồng chí, đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Sau đó, vì hoàn cảnh riêng, nhạc sĩ về quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sĩ tự do (như trường hợp của nhạc sĩ Phạm Duy). Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sĩ không có bất cứ một hành động nào chống phá cách mạng, chống phá kháng chiến, chống phá đất nước. Kể cả sau năm 1975, nhạc sĩ có trở về thăm đất nước, gặp lại nhiều bạn bè cũ như nhạc sĩ Trần Hoàn, nhạc sĩ Trọng Bằng… rất thân thiết. Trong sáng tác âm nhạc của mình, dù trong bất cứ môi trường nào, những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng đều mang âm hưởng dân ca, đậm đà màu sắc dân gian dân tộc, nội dung ngợi ca tình yêu đất nước quê hương. Chính vì những điều này, nhiều bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được đông đảo công chúng yêu mến, truyền tụng.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã mất tại Hoa Kỳ. Điều mong ước lớn nhất của nhạc sĩ là những tác phẩm của mình luôn được phục vụ quê hương đất nước, luôn được phục vụ công chúng là bà con lao động của xứ sở mình. Điều đáng tiếc vì những lý do lịch sử, các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chưa được phép sử dụng trong nền nghệ thuật của chúng ta, mặc dù nó vẫn được lan truyền trong dân gian.
Với tôi, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sĩ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay đẹp ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của anh Hoàng Thi Thơ.
Năm nay tôi đã 75 tuổi, suốt một cuộc đời là phục vụ Đảng, đất nước và nghệ thuật. Với tôi, giờ đây đã gần đất xa trời. Còn điều gì chưa yên thì đấy là những tác phẩm của tình yêu đầu của mình chưa được phép sử dụng rộng rãi. Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sĩ, một Đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được phổ biến rộng rãi trong công chúng như trường hợp với các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy”.
Người con của Hoàng Thi Thơ và Tân Nhân đã viết như sau khi đọc được lá thư này:
“Những dòng nước mắt chảy dài trên má tôi. Tôi hiểu đây là những lời nói cuối, là khúc hát cuối của Mẹ cho mối tình đầu đầy khổ đau của mình… Yêu mẹ nhiều hơn, và càng thương mẹ nhiều hơn”.
Người phụ nữ thứ 2 trong đời nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cũng là người vợ đã cùng chung sống với ông cho đến cuối đời là nữ ca sĩ Thúy Nga.
Trong một cuộc tuyển lựa ca sĩ năm 1955 tại Sài Gòn, có một nữ thí sinh tên là Thúy nga, quê ở Sơn Tây, mới từ Bắc di cư vào Nam, đã lên sân khấu dự thi với nhạc phẩm Đường Lên Sơn Cước và tự đệm phong cầm một mình, không cần ban nhạc phụ họa. Hình ảnh nàng thiếu nữ mới 18 tuổi xinh xắn với mái tóc thề, lại có duyên và hát hay, đàn giỏi đó đã được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ chú ý tới.
Chàng nhạc sĩ tìm cách làm quen với cô ca sĩ trẻ, trong khi đó thì ban đầu Thúy Nga chỉ coi ông như một người anh, và cũng là một người thầy để có thể học hỏi thêm về âm nhạc. Nhưng rồi cuối cùng bà đã xiêu lòng trước những tình cảm Hoàng Thi Thơ dành cho mình và nhận lời cầu hôn năm 1957.
Họ có với nhau 3 người con trai và 1 con gái, chung sống hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001, và Thúy Nga cũng đã ra đi sau đó 9 năm.
Sau khi lấy chồng, ca sĩ Thúy Nga ít đi hát, ít thu âm nên không được nhiều người nhắc tới. Người ta chỉ biết đôi chút về bà khi chính nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nói như sau lúc sinh thời:
“Thúy Nga thành hôn với tôi tháng 9 năm 1957. Sự đóng góp của nàng là rất nhiều, nhưng quan trọng nhất vẫn là quan niệm rõ ràng của nàng về đời nghệ sĩ của tôi. Nàng phân biệt được ở tôi có 2 con người: Người của gia đình và người của nghệ thuật. Khi tôi là người của gia đình, nàng biết tôi luôn luôn cư xử theo mẫu mực của con người nề nếp và trọng đạo lý. Khi tôi là con người nghệ thuật, nàng cho tôi cái tự do hoàn toàn trong việc tiếp xúc với phái nữ và trong việc sáng tác, nhất là sáng tác cho tình yêu”.
Ông Lê Khánh Hoài (con đầu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Tân Nhân) có kể rằng năm 2008, khi con trai của ông là Hưng Việt (tức cháu nội của Hoàng Thi Thơ) làm đám cưới thì Hoàng Thi Thơ đã không còn, lúc đó ca sĩ Thuý Nga ở Mỹ dù đã rất đau yếu nhưng vẫn biết thông tin và gửi quà mừng cưới về Việt Nam. Hưng Việt và vợ là Quỳnh Thi đã hết sức xúc động về tấm lòng của bà.
Trong bài viết của nhà báo Trường Kỳ, nghệ sĩ Hoàng Thi Thao có lần nói về cuộc sống về gia đình chú ruột của mình như sau: “Khó có ai chiều chồng như bà Thúy Nga. Biết chồng như vậy cho nên chiều ghê lắm! Rất là quý! Lại còn nhịn nhục ghê lắm. Biết ông Thơ có cái tánh nghệ sĩ, cho nên bà Thúy Nga, cũng là ca sĩ, cho nên hiểu và thông cảm được”.
Cố nghệ sĩ Hoàng Thi Thao còn nói rằng chú của mình là một người có tính rất “bay bướm” và ông cũng nhiều lần phải chứng kiến những trận ghen tuông giữa hai vợ chồng. Tuy nhiên một phần do tính của bà Thúy Nga rất hiền và một phần vì con cái nên kết cuộc mọi việc cũng được giải quyết êm xuôi.
Có thể thấy khi quyết định lấy chồng là một nhạc sĩ, những người vợ như Thuý Nga đã phải hy sinh sự nghiệp riêng để chăm lo cho gia đình. Hơn nữa họ cũng phải biết suy nghĩ đến sự nghiệp của chồng, chấp nhận sự bay bướm nghệ sĩ của chồng, xem đó là điều cần thiết để sáng tác thành những bài ca bất hủ.
No comments:
Post a Comment