Monday, May 9, 2022

ĐA PHẦN CHÚNG TA ẢO TƯỞNG VỀ BẢN THÂN VÀ HAY ĐỐ KỴ VỚI NGƯỜI KHÁC

Vì cái tôi điên cuồng của mỗi người, chúng ta thường cảm thấy khó chịu khi phải chấp nhận mình kém hơn một người nào đó về một mặt nào đó mà mình quan tâm.


Trên thực tế, theo nhà tâm lý xã hội Heidi Grant Halvorson, trừ khi bạn bị trầm cảm, chứ bình thường ai cũng có lòng tự trọng khá cao.

Trong cuốn sách “No One Understands You And What To Do About It (Không ai hiểu bạn và cách xử lý), Halvorson định nghĩa lòng tự trọng là tổng hợp mọi sự đánh giá tích cực và tiêu cực về chính mình, trong đó một số đánh giá có sức nặng hơn. (Nếu bạn không quan tâm đến việc trở thành tay vợt tennis chuyên nghiệp, bạn sẽ chẳng quan tâm lắm đến những đánh giá về khả năng chơi tennis của mình).

Theo Halvorson, nhìn chung lòng tự trọng “nảy sinh từ một dòng gần như liên tục các so sánh có ý thức và vô thức – ‘Khả năng của tôi thế nào so với những người khác?’” Và nhờ có mong muốn bảo vệ và củng cố lòng tự trọng của bộ não, câu trả lời gần như lúc nào cũng là “hơn mức trung bình”.

Nhưng đôi khi mối đe dọa đối với cái tôi của bạn lại xuất hiện bất ngờ, có thể là một đồng nghiệp tỏ ra tài giỏi hơn, hay một người bạn làm cùng công việc như mình vừa được thăng chức.


Khi những mối đe dọa đó hiển hiện, cái tôi của bạn sẽ làm việc hết năng suất một cách vô thức để duy trì nguyên trạng và loại bỏ mối đe dọa ấy. Dưới đây là những phản ứng mà bạn có thể cảm thấy hết sức quen thuộc:

“Đúng thế, nhưng tôi giỏi hơn họ ở mặt khác”

Người ta có xu hướng lúc nào cũng nghĩ rằng mình giỏi hơn người khác, nhưng điều này sẽ trở nên khó hơn khi một người được coi là “đối thủ” rõ ràng rất giỏi về một việc gì đó. Để bù lại, bạn có thể so sánh mình với đối thủ về một khía cạnh khác mà bạn cảm thấy mình có lợi thế. Đôi khi có thể bạn còn phóng đại khả năng của mình.

Halvorson viết rằng “Khi một người sử dụng chiến lược này, bạn sẽ nghe thấy rất nhiều câu bắt đầu bằng ‘Đúng, nhưng…’”.

Trong môi trường công việc, bạn có thể nghe thấy nhiều người nói: “Đúng thế, cô ấy được thăng chức, nhưng tham công tiếc việc lắm; ai mà muốn có một cuộc sống như thế chứ?”

“Thành công của họ cũng là thành công của tôi”

Khi bạn chứng kiến thành công của một người nào đó, bạn có thể tập trung vào khía cạnh người này là một thành viên trong nhóm của bạn. Đặc điểm nhóm thường dựa trên mục tiêu chung và các điểm tương đồng khác, vì thế trong công việc, đối thủ của bạn có thể là một người trong cùng nhóm làm việc.

Theo Halvorson, bạn có thể coi thành công của họ là dấu hiệu cho thấy một tập thể thành công như thế nào, và “tự đắm mình trong vinh quang của người khác”.

“Thành công của họ chả ảnh hưởng gì đến tôi cả”

Có một cách khác để bạn kiểm soát lòng ghen tỵ của mình, đó là giảm bớt sự liên quan trong thành công của đối thủ với mình.

Halvorson viết rằng, “Để làm vậy, bạn phải quyết định rằng về mặt cá nhân, thành công trong một việc gì đó không liên quan gì đến mình”.


Nếu biết một đồng nghiệp sắp được thăng chức, có thể bạn sẽ tự nhủ rằng mình cũng chẳng muốn được lên chức tí nào.

“Xin lỗi, ai cơ?”

Nếu mọi cách đều chưa đủ, và bạn không thể tự lừa dối mình là không muốn có được thành công tương tự, khi đó bạn sẽ cố gắng làm giảm nhẹ một yếu tố khác của các mối đe dọa với cái tôi của mình: sự thân thiết.

Giảm bớt sự thân thiết với đối thủ của mình nghĩa là bạn tạo ra một khoảng cách giữa 2 người và cuối cùng sẽ tìm cách tránh mặt người đó hoàn toàn. Đây là một biện pháp mà ta thường thấy – đã bao nhiêu lần bạn thấy anh chị em hoặc bạn bè tự xa cách nhau vì ganh đua với nhau?

Theo: Trí Thức Trẻ

No comments: