John Rampton là một doanh nhân và là cây bút tài chính được biết đến nhiều trong cộng đồng với các bài viết sắc sảo trên Forbes, Entrepreneur… Anh còn được xếp hạng #2 trong Top 50 người có ảnh hưởng trực tuyến trên thế giới bởi Tạp chí Doanh nhân.
Chia sẻ về những kinh nghiệm của mình, John Rampton cho biết bản thân từng có một thời gian dài đi giao báo cho người giàu. Đó cũng là khoảng thời gian cho anh những trải nghiệm và học được nhiều bài học quý giá để anh từ một cậu bé nhà nghèo có thể trở thành triệu phú như ngày hôm nay.
Dưới đây là những bài học mà John Rampton cho rằng nó đã thay đổi cả cuộc sống và sự nghiệp của mình.
John Rampton là một doanh nhân, diễn giả và cây bút tài chính đáng tin cậy trên Entrepreneur. Ảnh: Improove
Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn
Bài học đầu tiên anh học được là: Tiền có tiếng nói và có thể là một yếu tố thúc đẩy quan trọng, khi được đặt trong một số tình huống nhất định.
Lý do chính mà anh phải làm việc từ khi còn rất nhỏ là do gia đình rất khó khăn. Năm 12 tuổi, anh đã phải tự kiếm tiền để mua thức ăn cho gia đình. Đó cũng là cách duy nhất để anh có một chút tiền tiêu vặt cho bản thân. Đó là trải nghiệm thực tế đầu tiên khiến anh có suy nghĩ rằng, chỉ khi làm việc chăm chỉ thì mình mới có được những thứ mong muốn.
Trên khắp các tuyến giao báo khác nhau của mình, anh đã gặp những người thuộc mọi hoàn cảnh. Có những người hào phóng đến nỗi đưa tiền boa còn nhiều hơn số tiền mà anh phải đi giao báo cả tuần trời.
Đó là khi anh cũng nhận ra sự khác biệt về thói quen hành vi của người giàu với những người bình thường. John Rampton đã quyết định quan sát họ nhiều hơn và tập trung chăm sóc nhóm người này tốt hơn.
Đương nhiên, anh vẫn sẽ hoàn thành tốt công việc với tất cả mọi người. Nhưng với những người giàu có, thay vì “hoàn thành tốt”, anh luôn cố gắng nâng mọi trải nghiệm của họ lên thành “tuyệt vời”, “xuất sắc”. Điều này đồng nghĩa với việc anh sẽ có cơ hội nhận được khoản tiền boa lớn hơn.
Chính từ quan điểm hồi nhỏ như vậy, John Rampton đã hình thành thói quen “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Sau này, khi đi công tác ở khách sạn, anh cũng luôn để lại một tờ 10 đô la trên giường cho việc dọn dẹp phòng, hoặc tips cho phục vụ nhà hàng ngay từ trước khi dùng bữa. Nhờ đó, anh luôn nhận được những tiện ích tuyệt vời, chất lượng dịch vụ hoàn hảo.
Cách làm này đặc biệt giúp ích cho John Rampton khi cần tiếp đãi những vị khách, đối tác quan trọng. Dịch vụ hoàn hảo giúp họ đạt được sự thỏa mãn dễ dàng hơn, có tâm lý vui vẻ hơn nên hiệu quả công việc của anh cũng được nâng cao hơn.
Giàu có không chỉ tính bằng tiền bạc
Sau khi bắt đầu khởi nghiệp, kinh nghiệm này đã giúp ích rất nhiều trong quá trình tuyển chọn nhân sự của anh. Mặc dù John Rampton đã nhận ra cách tiền bạc thúc đẩy người khác như thế nào từ rất sớm, nhưng đồng thời, anh cũng học được một điều quan trọng khác.
Đó là bạn càng đối xử tốt với mọi người, họ sẽ càng nhiệt tình và sẵn lòng cống hiến cho bạn. Anh đã áp dụng điều này nhiều lần trong kinh doanh và đạt được những kết quả ngoài mong đợi.
Việc bạn trả công cho nhân viên xứng đáng với những giá trị mà họ đã đóng góp cho công ty là một cách để chứng minh điều này. Hoặc đôi khi, chỉ một lời “cảm ơn bạn vì đã hoàn thành công việc tuyệt vời”, “bạn làm mọi thứ tốt ngoài mong đợi của tôi”… cũng đem tới những giá trị nội tại mạnh mẽ cho tinh thần nhân viên.
Khi những cống hiến của nhân viên lớn đến một mức nhất định, anh cũng hỏi ý kiến của họ về sự phát triển của công ty, đề nghị họ nắm giữ các vị trí quan trọng hơn trong bộ máy. Đây là cách để mở rộng mạng lưới của John với các nhân viên và ghi nhận tài năng của họ trong mắt những người khác.
Khi việc kinh doanh suôn sẻ và trở nên giàu có hơn, anh nhận ra rằng, những người giàu không nghĩ về tiền theo cách thông thường. Nó giống như một công cụ hoặc tài nguyên giúp họ có được những gì họ muốn. Những người có tiền cũng có xu hướng coi trọng việc chăm sóc mọi người hơn vì họ hiểu rõ ích lợi thực sự khi làm như vậy.
Đây không phải một quyết định có tính toán, có ý thức, mà là một thói quen tư duy tự nhiên được họ thể hiện ra ngoài.
Người lãnh đạo cần biết cân bằng giữa vật chất và giá trị nội tại. Ảnh: Internet
Doanh nhân Virgin Richard Branson đã nói: “Một công ty chỉ đơn giản là tập hợp của một nhóm người. Nhà lãnh đạo của mọi người sẽ phải biết lắng nghe, biết tạo động lực, giỏi khen ngợi và tìm kiếm những điều tốt nhất trong nhóm người đó. Mọi người giống như những bông hoa. Nếu bạn chăm sóc và tưới tiêu, chúng sẽ nở rộ. Nếu bạn khen ngợi đúng cách, họ sẽ phát triển hơn. Đó là một thuộc tính quan trọng để trở thành nhà lãnh đạo.”
Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn mong muốn họ đối xử với mình. Đây chính là nguyên tắc vàng có thể thay đổi cả cuộc sống và sự nghiệp mà John coi trọng suốt bao nhiêu năm nay. Mối quan hệ với người khác càng tốt bao nhiêu thì giá trị bạn nhận được càng tốt bấy nhiêu.
(Bài viết theo quan điểm của tác giả)
*Theo Entrepreneur
Thuý Phương / Theo: Nhịp sống kinh tế
No comments:
Post a Comment