Ông cũng giảng rằng: Của cải và địa vị là thứ mà mọi người mong muốn có được nhưng nếu như không phải là dùng cách có Đạo mà được thì người quân tử sẽ không nhận. Bần cùng và thấp hèn là thứ mà mọi người chê ghét, nhưng nếu không phải là dùng cách có Đạo mà thoát khỏi nó thì người quân tử cũng sẽ không thoát khỏi. Người quân tử một khi rời khỏi Đạo thì sao có thể thành tựu được thanh danh tốt đây? Cho nên, người quân tử dù ở trong thời gian ngắn là ăn một bát cơm cũng không rời khỏi Đạo, ngay cả lúc vội vã hay lúc trôi giạt khắp nơi cũng là như thế.
Từ xưa đến nay, trong mọi tầng lớp xã hội, trình độ học vấn khác nhau, gia cảnh khác nhau đều có những người giữ đúng nguyên tắc này. Bởi vì họ không cầu gì ngoài việc tâm mình được thanh thản, bình yên.
Không tham của cải của người khác
Lý Ước là quan thời nhà Đường, cả đời tín nghĩa không tham của. Có một lần, Lý Ước cùng một vị thương nhân người Hồ lần lượt lên thuyền, người trước người sau. Thương nhân người Hồ bị bệnh nặng nên muốn giao lại hai cô con gái của ông cho Lý Ước chăm sóc. Ngoài ra ông cũng giao cho Lý Ước một miếng bảo châu đồng thời dặn dò Lý Ước rất nhiều điều.
Đến khi thương nhân người Hồ qua đời, Lý Ước giao hết số tiền bạc mà ông ta để lại cho quan phủ và gả chồng cho hai cô con gái kia. Về sau, người thân của thương nhân người Hồ đến kiểm kê tài sản mà ông để lại và nói: “Thiếu mất một miếng dạ minh châu.“
Lý Ước nói: “Ông ấy trước khi chết có nhắn lại rằng, sau khi ông ấy chết muốn được ngậm miếng dạ minh châu, cho nên ta đã làm như vậy.”
Vì để xác thực cho người thân của thương nhân kia, quan phủ đã cho người đến đào phần mộ lên và phát hiện quả nhiên lời Lý Ước nói là đúng. Trải qua sự việc này, mọi người đều vô cùng kính trọng tấm lòng thanh cao của Lý Ước, dù không ai biết cũng nguyện giữ vững đạo làm người.
Không nhận của cải trái đạo lý
(Hình minh họa)
Công Tôn Nghi là tể tướng thời chiến quốc Lỗ Mục Công. Ông đặc biệt thích ăn cá. Vì vậy, nhiều người khi đến tìm ông để bàn việc thường rất hay mang cá đến theo. Nhưng họ đều bị Công Tôn Nghi một mực từ chối.
Một người học trò của ông không hiểu nên đã hỏi: “Thưa thầy! Thầy từ trước đến nay đặc biệt thích ăn cá, vậy tại sao thầy lại luôn cự tuyệt cá mà người khác mang tặng?”
Công Tôn Nghi đáp: “Ăn mấy con cá thì tất nhiên không có vấn đề gì. Nhưng nếu như ta nhận cá của người khác mang đến tặng thì tất sẽ phải nhân nhượng cho họ. Như thế là làm trái với luật pháp, sau cùng cũng sẽ bị cách chức tước vị. Đến lúc đó, ta còn muốn ăn cá thì thử hỏi những người này có còn mang cá đến tặng ta không? Bây giờ, ta không nhận cá của người khác thì tự mình vẫn có thể thường xuyên mua được cá về ăn. Chẳng phải thế sao?”
Người xưa vẫn cho rằng, làm chuyện thất đức, dù không ai biết thì vẫn còn có Trời biết, Đất biết, mình biết. Hay nói cách khác, mình có thể giấu được người, nhưng không thể giấu được Thượng Thiên. Bởi vậy mà họ nhận của cải cũng phải đúng đạo lý.
Hoàng Cúc
No comments:
Post a Comment