“Con tôm rang mặn thì bùi,
Con tép rang mặn mất mùi không ngon.”
Thuở bé tôi vẫn nghe mẹ tôi nói câu này mỗi khi nhà có mẻ tôm hoặc tép đem rang.
Nói thế thôi, chứ hồi đó, tôm hay tép rang mặn mấy cũng không thành vấn đề. Bởi có tép hay tôm rang mà ăn cơm, nhất là trong không khí se lạnh cuối thu như mấy hôm nay, thêm chút dưa chua nữa thì "tuyệt vời ông mặt trời".
Tôi bây giờ vẫn giữ thói quen ăn một bát cơm duy nhất với một con tôm. Mà không phải tôm to đùng như ở nhà hàng hiện nay mà con tôm đó chỉ to chừng ngón tay trỏ của tôi thôi. Con tôm to quá (bằng ngón tay cái chẳng hạn) sẽ phải chuyển sang bát thứ hai.
Trở lại câu nói trên, đây là một lời khuyên dân gian, nói về kinh nghiệm chế biến hai loại thức ăn quen thuộc hàng ngày: món tôm và món bầu.
Tôm là một loài giáp xác, bụng dài, có nhiều chân bơi, sống trong nước (cả nước ngọt và nước mặn). Còn bầu là một loại cây leo bằng tua cuốn, lá mềm rộng có nhiều lông mịn, quả tròn dài, được dùng để làm rau ăn. Vào mùa hè, nhiều gia đình rất thích 2 món: tôm rang mặn và bầu nấu canh cua. Món ăn dân dã, khá rẻ tiền này lại là “thực đơn” chủ lực của nhà nông bao đời nay đó.
Chuyện bỏ râu khi chế biến tôm, bỏ ruột quả bầu (chỉ lấy cùi cứng ở ngoài) gần như ai cũng biết (vì râu tôm và ruột bầu giá trị dinh dưỡng thấp), hà cớ gì mà lại đưa vào câu thành ngữ “ăn tôm bỏ râu, ăn bầu bỏ ruột” nhỉ? Chà! Có một truyện vui liên quan tới điều này đấy.
Số là, có một cô gái mới về làm dâu nhà nọ. Cô dâu trẻ người non dạ chưa có nhiều kinh nghiệm, lại rất đoảng vị trong việc tề gia nội trợ. Vợ chồng trẻ được gia đình thu xếp cho ở riêng. Bữa ấy, cô đi mua về một mẻ tôm càng. Vốn tính đại lãn, “nàng” không chịu nhặt râu, bẻ càng, chỉ rửa qua rồi đổ ngay vào nồi “rang chỏng”. Mẹ chồng thấy vậy không hài lòng. Bà bèn quyết định dạy cho nàng dâu mới một bài học.
Khi tôm rang xong, bà đon đả vác bát sang, nói rằng hôm nay mình bận không ra chợ được. Biết con dâu có nồi tôm ngon, bà muốn “vay” một ít về ăn tạm, mấy hôm nữa sẻ trả. Vay bằng cách nào ư? Tiện đôi đũa trong tay, bà nói chỉ vay một “gắp”. Nói đoạn, bà liền khua đũa vào nồi và gắp đúng “một gắp”. Khốn nỗi, tôm chưa nhặt râu, khi rang xoắn hết lại với nhau nên chỉ một lần khua đũa là bà mẹ chồng kia đã khoắng sạch mẻ tôm mang về.
Mấy hôm sau, bà mang niêu tôm của mình sang trả. Tôm bà nhặt râu nhẵn nhụi, kho lên co lại, đỏ au, rất hấp dẫn. Và cô dâu liền lấy đũa lấy đúng một gắp. Nhưng hỡi ôi, cô cố khua mãi thì cuối cùng cũng chỉ gắp được chú tôm to nhất. Bà mẹ chồng hả hê mang cả niêu tôm (gần như nguyên vẹn) về, mặc cho nàng dâu thẫn thờ, vừa tiếc vừa xấu hổ.
“Ăn tôm bỏ râu, ăn bầu bỏ ruột” là câu thành ngữ muốn nhắc ta phải biết ứng xử hợp lí trong việc chế biến từng loại thức ăn. Nó đơn giản thôi mà vẫn phải học đó các bạn ạ:
Một gắp hết cả niêu tôm
Trách nàng dâu trẻ vẫn còn đoảng ghê...
Phạm Văn Tình
Theo: Người Đô Thị Online