Nếu đường Hà Tôn Quyền (Q.11) nổi tiếng là “con đường sủi cảo” của người Hoa với những tiệm sủi cảo san sát nhau thì Lê Quang Sung (Q.6) lại được người ta nhớ đến nhờ quán bánh hẹ bình dị nhưng độc đáo của một gia đình người Hoa gốc Tiều.
Quán bánh hẹ ba đời vẫn được nhiều người nhớ tới
So với các món há cảo, sủi cảo, hoành thánh, bánh bao… bánh hẹ ít phổ biến hơn. Trong khi há cảo hoặc bánh bao có mặt gần như ở tất cả các tuyến đường thì bánh hẹ lại chỉ được tìm thấy tại một hai đoạn đường khiêm tốn hơn trên đất Sài Gòn. Quán bánh hẹ trên đường Lê Quang Sung có thể được xem như một ẩn số thú vị mà khi thực khách khám phá ra sẽ phải ồ à ngạc nhiên xen lẫn thích thú.
Lê Quang Sung không phải là con đường có nhiều quán ăn tấp nập như Hà Tôn Quyền hay Nguyễn Trãi, nhưng “quán nào ra quán đó”. Có những quán ăn nhìn vẻ ngoài cực kỳ bình dân nhưng ai ăn một lần chắc chắn sẽ còn quay lại nhiều lần.
Bánh hẹ tròn hai phiên bản: hấp và chiên giòn ăn cùng nước mắm chua ngọt
Trong một lần tìm đến con đường này vì được bạn giới thiệu một quán bún mắm cực ngon, tôi lại “phải lòng” một quán bánh hẹ người Hoa có thâm niên buôn bán qua ba đời, từ đời ông nội đến bây giờ là đời cháu, trải dài gần tám thập niên. Nghe có vẻ buồn cười nhưng rõ ràng, ngay trong cả việc ăn uống, lắm lúc con người ta cũng phải dựa vào chữ “duyên”, hên lắm mới bắt gặp một chỗ bán đồ ăn hợp vị mình.
Tôi nói đến “duyên” cũng vì một lẽ, hôm đó quán bánh hẹ có thêm vài chiếc bánh lá liễu màu hồng tươi đẹp đẽ, món bánh gần như thất truyền trong thời đại ẩm thực vô cùng phong phú này. Duyên vì tôi khám phá ra quán bánh ngay hôm có khách người Hoa đặt cô chủ quán mấy chục bánh lá liễu về cúng, cô làm dư chừng chục cái, bày luôn lên tủ kiếng. Mấy chiếc bánh lá liễu hồng hào nằm khép nép ở một góc tủ thế mà lại thu hút sự chú ý của nhiều khách mua.
Thế nhưng cô chủ lắc đầu trước đề nghị bổ sung bánh lá liễu hằng ngày. Cũng phải, một ngày cô bán từ 300 - 400 chiếc bánh hẹ, thời gian làm ra bấy nhiêu bánh mất trọn một buổi sáng, từ 5g đến tận hơn 10g mới xong. Vậy là khách muốn ăn bánh lá liễu phải đặt trước, số lượng nhiều, ít quá cũng không được đáp ứng.
Trong khi bánh hẹ ở vài quán khác thường được làm dạng bánh tròn, thì bánh hẹ ở đây đặc biệt hơn với bản bánh hẹ vuông, là loại bánh chỉ có bột gạo trộn cùng hẹ dày đặc. Có lẽ nhờ nhiều hẹ mà bánh ngon hơn, không có cảm giác ngán, lại thơm mùi hẹ rất dễ chịu, không nồng, chỉ nhẹ nhàng như một mùi hoa thơm phớt nhẹ qua.
Bánh hẹ vuông độc đáo trên đường Lê Quang Sung, Q.6, TP.HCM
Ngoài bánh hẹ vuông, cô chủ còn khéo léo làm thêm bánh hẹ tròn, dẹp, bên trong chứa nhân thịt xay trộn cùng lá hẹ cắt nhỏ, nêm nếm gia vị vừa ăn. Lớp vỏ bánh là bột gạo hòa cùng ít bột năng, cắn một miếng cảm nhận rõ độ dai, mềm dẻo ngon lành.
Miếng bánh sau khi hấp được chiên qua một lửa, lớp bột bên ngoài phồng rộp lên, nổ những bong bóng nhỏ xíu nghe lộp bộp vui tai. Lớp vỏ đó giòn, béo, chấm xíu nước tương cay hay xì dầu trộn giấm Tiều hoặc nước mắm chua ngọt đều bắt vị.
Bánh hẹ nhân thịt ở các quán hơn thua nhau nhờ lớp vỏ bột bên ngoài. Lớp bột phải vừa vặn, quá dày thì mau ngán, quá mỏng thì khi hấp bánh sẽ bị bục ra, nhân rơi ra ngoài là xem như bánh hỏng vì mất thẩm mỹ. Vì vậy, cán bột, ngắt miếng bột để nhồi nhân là khâu quyết định thành bại của một chiếc bánh hẹ. Miếng bánh nhỏ nhắn như đặt để trong lòng bàn tay, vậy mà không phải ai cũng có thể tạo hình thuần thục.
Bánh hẹ có đến ba kiểu ăn. Người thích ăn mềm thì chọn bánh hấp. Bánh hấp vừa chín tới, lớp bột bên ngoài “trong khe” (trong veo), để lộ màu hẹ xanh nhạt dưới lớp vỏ. Mùi thơm của hẹ và thịt nhanh chóng dẫn dụ cơn thèm ăn. Lá hẹ tươi mùi hăng nồng nhưng khi hấp chín lại dậy hương thơm một cách kỳ lạ. Thế nên không lạ khi nhiều người dù không ăn hẹ sống được nhưng lại “nghiện” bánh hẹ và mùi hẹ hấp.
Kiểu ăn thứ hai là mang bánh hấp đi chiên qua một lửa. Bánh hẹ chiên lật đều hai mặt, giòn ngon, béo vừa phải. Bánh chiên phải ăn nóng mới đỡ ngán, để lâu vỏ không giòn, ăn không còn cảm giác thú vị, không “đã” như lúc nóng.
Kiểu ăn thứ ba cầu kỳ hơn, bánh hẹ chiên vàng giòn hai mặt được bọc trong phần trứng gà chiên trải rộng như tấm áo. Trứng chiên ôm lấy miếng bánh hẹ, tăng vị béo. Kiểu ăn này gợi nhớ đến món bột chiên cũng ngon trứ danh của người Hoa, chỉ khác là không có đồ chua ăn kèm.
Ngoài bánh hẹ nhân thịt, cô chủ còn có bánh nhân củ sắn, nhân khoai môn béo bùi cũng ngon không kém. Nhưng bánh hẹ vẫn độc đáo nhất nhờ nguyên liệu đặc biệt là lá hẹ. Bánh hẹ ít calories, lại nhiều dinh dưỡng từ hẹ. Vì vậy, dù là bánh có bột nhưng ăn nhiều vẫn nhẹ bụng, dễ chịu.
Tìm lại vị cố hương
Quán bánh hẹ Lê Quang Sung có những vị khách ruột vô cùng đặc biệt. Đó là những người gốc Hoa ở Sài Gòn đã rời quê rất lâu, ra nước ngoài định cư. Thế nhưng khi họ về thăm Sài Gòn, việc đầu tiên là đến quán bánh hẹ để tìm lại “vị cố hương”. Cố hương của những người Hoa đó chính là Sài Gòn chứ không phải nơi nào khác.
Thậm chí, có những cô sang nước ngoài, nhớ và thèm bánh hẹ quá, mày mò làm bánh, vừa làm vừa rưng rức bồi hồi. Nhưng cho dù có làm giỏi cách mấy đi nữa, ăn miếng bánh vẫn không thấy ngon như hồi còn ở đây. Có lẽ “ngon” là một từ ngữ rất khó để diễn tả sao cho trọn vẹn với những người xa xứ.
Cái ngon đó, họ chỉ cảm nhận được khi ngồi chờ chủ quán chiên bánh. Cái ngon đó, là được ngồi trong không gian quán lụp xụp, hít hà mùi hẹ thơm lừng, chờ những cái bánh đang được lật trở thoăn thoắt dưới bàn tay điệu nghệ của cô chủ. Cái ngon đó, là lúc chấm miếng bánh giòn tan nóng hổi vừa vớt khỏi chảo, cắn một miếng hít hà hai ba miếng, ăn chậm rãi, khoan thai, bỏ mặc mọi thứ xô bồ xung quanh, là biết ngon đến tận chân răng rồi!
Bánh lá liễu màu hồng tươi vốn đã thất truyền từ lâu
Có một điều tôi đặc biệt chú ý ở quán bánh hẹ, khách đa số người Hoa, đàn ông khá nhiều nhưng họ ăn uống một cách từ tốn, không nhồm nhoàm đầy khoái cảm như trong phim… kiếm hiệp. Có lẽ miếng ăn ngon hay không một phần cũng nhờ cung cách ăn. Cái không khí ồn ào thường thấy trong các quán ăn dường như không tồn tại trong quán bánh hẹ này. Mọi thứ đều vừa phải, chậm rãi, nhẹ nhàng, khi ngoài kia, khách mua mang về lại kiên nhẫn đứng chờ mà cứ nơm nớp lo… hết bánh.
Cái ngon của bánh hẹ, cái vị gợi nhớ đầy thèm thuồng của nó là thứ khiến người ta không quản nắng mưa tìm đến quán chỉ để mua bằng được vài cái bánh. Và mức giá rất đỗi bình dân của chiếc bánh thơm ngon này cũng thu hút khách hơn, chỉ 6.000 đồng một chiếc bánh thơm lừng.
Giữa Sài Gòn, nhiều khi chỉ một chiếc bánh nhỏ cũng đủ gây thương nhớ, như món bánh hẹ vuông tròn này...
Trần Huyền Trang / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment