“...Mời anh ăn miếng trầu này, chính giữa kiết cánh hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thật là say...” (Ca dao)
Bộ trầu cánh phượng truyền thống Huế.
Nhắc chuyện trầu cau, cố dược sĩ Nguyễn Văn Bé, ở tỉnh Long An, phân trần: “Tui tốn công tốn của đi Tây, Tàu học đã đời mới giật mình nhận ra, kho ca dao tục ngữ của ông bà mình giá trị hơn cả trăm bằng giáo sư, tiến sĩ ở họ. Có điều, ngôn ngữ dân ta rất hàm súc và bình dân. Đôi khi chúng ta không chiêm nghiệm kỹ sẽ hiểu lầm hoặc không hết ý...”
“Tội đồ” hay “công thần”?
Theo Lĩnh Nam Chích Quái, dân ta biết ăn trầu từ thời Hùng Vương. Thời đó, đàn ông lẫn đàn bà đều ăn trầu. Cho nên, mới có thành ngữ “miếng trầu đầu câu chuyện”. Ngay cả trong quan - hôn - tang- tế, cũng không thể thiếu một cơi trầu cau tốt tươi và bình vôi mới.
Lớp “bà già trầu” Nam bộ, ngày càng hiếm.
Thế nhưng, tiến sĩ Võ Quang Yến cho hay: “Trầu có khả năng hủy bỏ tác dụng đột biến của những chất gây ung thư nitrosonornicotin và methyl nitrosoamino pyridyl butanon từ thuốc lá nhờ những eugenol, hydroxy chavicol, chlorophyll, vitamin C cũng như chống dimethyl benz anthracen nhờ beta-caroten... Tuy nhiên các tác giả công nhận là không có thuốc lá (hút), miếng trầu chưa chắc đã gây ung thư. ” (Lược trích từ bài: Hoa Cau Vườn Trầu, trang 228 - 231, sách Cây Nhà Lá Vườn, NXB Thuận Hóa)
Đồng thời ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, hoàng thân vương triều Nguyễn, giỏi y thực (ăn thay thuốc), ở quận Gò Vấp, TP.HCM khẳng định: “Ăn trầu là cách đơn giản nhưng thông minh, giúp cơ thể quân bình kinh mạch đạt đến cảm giác sảng khoái. Nếu ăn trầu đúng cách, thường xuyên thì răng đến 80 tuổi vẫn chưa rụng, xác xuất sâu răng gần như bằng không, không viêm họng, không đau dạ dày, tai lại thính, ngăn ngừa được ung thư miệng và đường ruột... Những công trình nghiên cứu cuối thế kỷ trước đã chứng minh điều này.”
Coi chừng hiểu nhầm!
Hẩm hiu phận trầu!
Trở lại bài ca dao trên, đó là kiểu đặc tả cách têm trầu cánh phượng của ông bà ta. Ở đây có cái bẫy nhỏ: “hai đầu quế cay”.
Theo ông Ưng Viên, vị cay nồng lẫn the dịu trong miếng trầu này chính là, tinh dầu lá hồng dương hoặc trường sinh hay có cả 2 càng tốt. Nếu ai không biết, dùng theo cách nạo ít bột vỏ cây quế để ăn trầu sẽ dễ gặp tai nạn. Chẳng hạn, người có tiền sử về các bệnh: thương hàn, kiết lỵ có thể bị thủng ruột...
Thoạt trông, lá hồng dương với lá trường sinh khá giống nhau. Song nhìn kỹ vẫn có điểm khác: hồng dương màu xanh hồng phớt tím và gân lá dày hơn, còn trường sinh xanh tuyền. Hồng dương giúp chống nhiễm trùng - viêm họng, ngừa chứng nha chu - khử dư chứng phụ của ni- cô- tin trong thuốc xỉa lẫn hạt cau, cân bằng trung khu thần kinh - gân cốt dẻo dai để cơ thể không bị tê nhức, mỏi mệt nhất là người cao tuổi.
Còn lá trường sinh chống u bướu, một số trường hợp bệnh phụ nữ như “trừng hà”. (Bụng nổi lên một khối u lớn cỡ hòn bi - quả cam. Ta có thể nắm giữ được nhưng khi chụp X-quang hay siêu âm thì không ghi hình được).
Riêng kiết cánh (cát cánh) là một vị thuốc bắc, có tác dụng thanh phế (tốt phổi), chống viêm họng - ngừa trị ho, chắc răng nhất là giúp lượng men thứ cấp của răng luôn tiết ra ổn định.
Bình dân hơn, người ta ăn trầu kèm với ít rễ: cây chay hoặc cây quách. Tất nhiên, chúng không tốt như kiết cánh.
Thế nên, việc ăn trầu đúng cách tuy đơn giản nhưng có thể giúp dân ta: bảo vệ hơi thở thơm tho (thời xưa làm gì có kem đánh răng), ít bị bệnh tai mũi họng, khỏe hệ tiêu hóa.
Cau cưới ngày thường bán “chậm rì”, nên cô Tài Tư chuyên bán trầu cau ở chợ Bà Điểm, TP.HCM, lựa thêm vài tờ vé số cầu may.
Hoài cổ một chút, tổ tiên ta xưa từ vài ngàn người (thời thị tộc bộ lạc) đến nay không dưới 95 triệu dân, chắc hẳn có công lao không nhỏ của cau với trầu! ( Số liệu từ: danso.org/viet-nam)
Giàu món ăn bài thuốc...
Theo Nguyễn Phúc Tộc Dược Minh Y Kính của triều Nguyễn, chính vua Minh Mệnh (Minh Mạng) cùng một số thân thần tài đảm đã hoàn thiện y mỹ thực Việt. Trong đó, không thể thiếu nhiều món ngon bài thuốc từ cau - trầu.
Cau vị ngọt, chua giúp “tư âm”. Còn trầu vị mặn, cay, đắng giúp “thăng dương”.
Dễ thực hiện là, bạn dùng vỏ trái cau tươi, đập giập một phần, chà răng thay bàn chải sẽ giúp nướu răng không bị phù nề.
Nhựa của vỏ trái cau còn ngăn chứng tụ huyết dạ dày. Hoặc bạn có thể ướp ít vỏ cau tươi (sau khi giã dập, xé nhỏ) với các món cá, thịt để kho, nướng. Người viết đã thử dùng cách này với món cá mối kho khô. Kết quả thật bất ngờ, mùi cá thật thơm và thịt cá thêm ngọt bùi hơn.
Hoa cau là vị thuốc quí! Các bài thuốc trị bệnh: nhiễm trùng đường sinh dục nhất là sinh dục nữ, nhiễm trùng bàng quang, tụ huyết đường tiêu hóa ... đều không thể thiếu loại hoa này. Nước nấu từ phần cuốn của mo cau non (bọc buồng hoa) sẽ giúp ấm bàng quang, ngừa được những bệnh phụ khoa thường gặp (nội).
Gia vị trầu + cau còn giúp nhiều món thịt, cá thăng hoa hương vị.
Bộ phận này, bạn có thể đem xắt nhỏ, hong khô để dành dùng dần. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà ngày xưa các cụ cất công dậy sớm, hứng sương đọng trên mo cau đun lên đem pha trà.
Hoa cau non càng quí gấp bội. Nước nấu từ hoa cau non dùng trị bệnh bí tiểu do nhiễm trùng sinh dục nữ (lộ tuyến), đàn ông tiểu gắt do nhiễm trùng bàng quang.
Phấn hoa cau, lấy khi hoa cau sắp nở bung khỏi mo nang: người ta dùng một sàn có trải vải thưa (loại chuyên dụng) treo dưới buồng hoa. Về khuya, khi hoa nở, phấn hoa sẽ rơi đầy trên sàn. Thứ phấn hoa “độc nhất vô nhị này”, được người sành ăn dùng để ướp trà mai hay nấu chè, giúp thơm ngon hương vị và ngừa chứng tụ huyết đường tiêu hóa do ăn uống bất cập.
Hạt cau non (ruột vừa đầy - còn gọi dầy dầy) bạn đem xên mứt với nước mía ép hoặc chiên giòn bằng dầu phộng hay mỡ heo cỏ, ăn kèm với dĩa cá trê nướng hay chén mắm cái cá cơm than cho hương vị rất tuyệt vời. Đặc biệt, nó giúp khử mặn ở mắm rất tốt. Giúp người ăn không bị khát nước, khé (gắt) cổ.
Lỡ bị “đau bụng gió” quằn quại (triệu chứng đặc trưng của đau bụng gió là không có tiêu chảy kèm), ông Ưng Viên bày: lấy lá trầu hơ nóng áp vào vùng bụng cho đến khi hết đau hẳn. Hoặc lúc bạn làm nông hay trong công xưởng, bị bụi bặm bay vào mắt gây đau, xót cũng có thể làm cách này sẽ “căn bản giải quyết khá hiệu quả”. Thỉnh thoảng, sau khi vệ sinh lúc đại tiện, nên vò nát vài ba lá trầu thoa vào sẽ ngừa những bệnh đường hậu môn.
Chưa kể cọng và tược trầu non, bạn đem kho với cá (đồng, biển, nước lợ) vừa giúp thăng hoa hương vị vừa ngừa chứng trào ngược dạ dày.
TS. Võ Quang Yến cũng ghi nhận: “Đem phân tích, lá trầu chứa đựng năm propenylphenol có tính chất khử nấm, trừ giun : chavicol, chavibetol, allyl pyrocatechol, chavibetol acetat, allylcatechol acetat... Tinh dầu trầu có tác dụng hạ huyết áp, duỗi bắp cơ, trị giun sán, chữa dị ứng như lá trầu.” (Cũng từ bài: Hoa Cau Vườn Trầu, trang 227 - 228, sách Cây Nhà Lá Vườn, NXB Thuận Hóa).
Lạc lõng?!
Còn với cau: “Người ta đã làm thuốc nhuộm vải, lụa với phần chiết từ cau. Tannin được trộn với natrium sulfat, natrium carbonat làm thuốc nhuộm tóc đen xám. Nhờ chất proanthocyanidin, đặc biệt chất epicatechin-catechin, cau đưọc hòa với acetyl glutamin acetat, butylen glycol glycerol trong ethanol và nước thành thuốc kích thích tóc mọc.” (Hoa Cau Vườn Trầu, trang 232, trích Cây Nhà Lá Vườn, TS.Võ Quang Yến, NXB Thuận Hóa)
Thêm “tối tạo” của một số thương lái hiện nay, họ còn dùng hạt cau khô đem xay ra làm bột cà phê dỏm!
Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà các nhà vườn Huế xưa, nhất là vùng Vĩ Dạ, thường trồng trầu + cau. Ngoài những tiện ích vừa nêu, hình ảnh trầu cau quấn quýt còn nhắc nhở sự gắn bó thủy chung của đạo vợ chồng, tình huyết thống!
Nhiều nước Đông Nam Á cũng có tục ăn trầu, nhưng họ không có sự tích trầu cau nhân bản như ta. Tại sao không khai thác một cách thông minh mỹ tục - truyền thống quý báu này, để phát triển văn hóa du lịch cho đất nước?
Đến nỗi, “Mười Tám Thôn Vườn Trầu ( huyện Hóc Môn, TP.HCM) bây giờ, chỉ còn một - vài vạt trầu.”, theo lời của cô Tư Lập, tiểu thương bán trầu cau trên 10 năm nay, ở chợ Bà Điểm. Cho nên, mỗi đợt cao điểm: “hội hè - cưới xin” hoặc tết nhất, cô Tư cùng một số tiểu thương cùng ngành ở chợ này, phải đặt mua trầu miệt Cần Thơ về “ghép đôi” với cau Bà Điểm và một số vùng lân cận của quận 12, TP.HCM; mới đủ cung cấp cho thị trường Sài Gòn.
Những “tay” trầu Cần Thơ xanh mướt dần thế chỗ trầu Bà Điểm, ở thị trường TP.HCM.
Dẫu biết rằng, thời hội nhập, những cuộc chiến: kinh tế, văn hóa diễn ra âm thầm mà khốc liệt không kém thời chiến. Bỗng dưng, nghe đồng vọng tâm sự của nhân vật trữ tình trong bài hát Buồng Cau Quê Ngoại, của soạn giả Thu An: “Tay xách buồng cau... Ngơ ngẩn bờ ao... Biết đâu mà về!”
Bài, ảnh: Tấn Tới
Nguồn: Người Đô Thị Online