Tuesday, May 17, 2022

"THẢ CON SĂN SẮT, BẮT CON CÁ SỘP": "CÁ" NGÀY NAY CÓ DẠI MỒI?

Thương trường bây giờ không có “chú sộp” nào dại mồi đến thế đâu. Cơ hội chỉ đến với những ai biết làm ăn và dám làm ăn. Chả cần săn sắt, có khi chỉ nước lã kia cũng vã nên cơ đồ vô cùng hoành tráng.

Cá săn sắt (ảnh trái) và cá sộp. Ảnh: TL

Câu thành ngữ “Thả con săn sắt, bắt con cá sộp” còn có khá nhiều biến thể trong dân gian. Chẳng hạn: “Thả con săn sắt bắt con cá mè”, “Thả con săn sắt bắt con cá rô”, “Thả con săn sắt bắt con cá chép”... Tuy nhiên, dù là cách nói nào đi nữa thì cấu trúc chung của phát ngôn này cũng ngầm chuyển đi một thông điệp:

“Trong cuộc sống, cần phải mất một số chi phí nhỏ ban đầu để sau đó thu về món lợi lớn”, hoặc “Tạm thời chấp nhận bỏ qua món lợi nhỏ để rồi nhận được món lợi lớn hơn”.

Xét theo nghĩa đen, thành ngữ này cũng rất tường minh. Bởi nếu đặt lên bàn cân mà so sánh, ai mà chả biết chú cá săn sắt kia (còn gọi là cá đuôi cờ) rất bé nhỏ, chẳng có giá trị là bao so với các loại cá lớn hơn. Bỏ chú săn sắt vớ được cá rô, cá diếc, cá ngão,... đã là tốt lắm rồi. Ấy mà lại còn được cá sộp (cá nước ngọt giống như cá quả nhưng lớn hơn, mình đen, đầu bằng, rất dữ, hay ăn cá con) nữa thì đúng là quá hên. Cá sộp nướng than, giã chả, nấu ám… đều rất tuyệt. Mỗi khi ai đó gặp may vớ được lợi lớn, dân gian thường tấm tắc: Chà! “sộp” thật đấy!

Câu thành ngữ này có thể áp dụng để chỉ nhiều hoàn cảnh tương tự trong cuộc sống. Song có lẽ, nó rất gần với việc làm ăn, buôn bán... Đây đâu phải là chuyện của dân đi câu cá giải khuây? Giới doanh nhân ta hẳn không chỉ biết mà còn phải thuộc nằm lòng câu nói này nữa chứ!

Cá săn sắt (cá lia thia - ảnh trái) và cá rô. Nguồn: Internet

Ngẫm kỹ, đó là một phương châm quan trọng trong phương thức kinh doanh. Bởi trong việc sản xuất, tiếp thị, buôn bán... trên thương trường, nếu muốn làm ăn sao cho “một vốn bốn lời” (hoặc hơn thế nữa) thì nhà doanh nghiệp phải có tri thức, từng trải, biết nhìn xa trông rộng, biết quan sát thị trường để tìm ra các quy luật trong xu hướng phát triển và kế đó là nhu cầu nào mà thị trường cần có. Vừa mới thấy “đô” (USD) xuống giá đã vội vàng bán tống bán tháo, vừa mới thấy vàng lên giá đã đổ xô đi mua lấy mua để, vừa mới thấy thị trường “chuyển động” chút đỉnh mình đã “dao động” ầm ầm rồi. Cái kiểu chưa A đã B (Chưa nóng nước đó đỏ gọng) như thế là điều tối kỵ trong xu hướng làm ăn lớn.

Hơn nữa, câu thành ngữ “Thả con săn sắt…” kia còn khuyên ta một bài học xa hơn: Phải biết kinh doanh bằng cái tài của mình. Có biết bao đại gia có cỡ trên thế giới khởi nghiệp bằng hai bàn tay. Ban đầu chỉ là một cơ sở, một xí nghiệp, một hãng với vốn liếng nho nhỏ trong bao nhiêu khó khăn chồng chất. Vậy mà, chẳng mấy chốc họ làm nên cơ đồ. Họ ăn may hay lừa đảo để ních đầy túi tham chăng?

Dĩ nhiên, thương trường không thiếu kẻ ăn may hay kẻ quen lừa dối người khác. Nhưng cái may, quả lừa kia chỉ cho họ một vài cơ hội, chứ muốn đi xa trở thành một doanh gia thực sự, không một ai chỉ nhờ cái may và nên nghiệp lớn cả. Họ phải có tài, có tâm và có chí. Có chí thì nên mà!


Anh chàng đi câu xưa chỉ mắc con săn sắt vào lưỡi câu thả lững lờ dưới nước, thế mà bỗng nhiên một chú sộp háu ăn quẫy bóng đớp liền. Chà, tuyệt quá! Nhưng thương trường bây giờ không có “chú sộp” nào dại mồi đến thế đâu. Nhưng (và lại một cái nhưng nữa) có nhiều dân làm ăn còn biết thả săn sắt bắt hẳn con cá... voi đó. Điều này khó song không phải là không có. Cơ hội chỉ đến với những ai biết làm ăn và dám làm ăn. Chả cần săn sắt, có khi chỉ nước lã kia cũng vã nên cơ đồ vô cùng hoành tráng.

Phạm Văn Tình / Theo: Người Đô Thị

No comments: