Tuesday, May 10, 2022

NƠI MINH CHỨNG MỘT TÌNH BẠN XUYÊN BIÊN GIỚI

Mặc dù sở hữu cái tên hơi đáng sợ nhưng làng Yêu Quái (妖怪村) lại là minh chứng cảm động cho một tình bạn xuyên biên giới.


Nằm ở khu rừng Khê Đầu, huyện Nam Đầu, ngoại thành thành phố Đài Trung, và khá khó khăn để tìm đường đến nếu bạn đi một mình nhưng làng Yêu Quái là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách. Trung bình mỗi tháng, làng đón 200.000 lượt khách tham quan.

Điều gì tạo nên sức hút của ngôi làng này đến vậy? Một công viên giải trí kiểu Nhật kỳ quặc trên xứ Đài hay nền văn hóa lịch sử kỳ lạ của ngôi làng? Một “cái bẫy” để giữ chân du khách hay là nơi rùng rợn để những ai muốn thử độ can đảm của bản thân ở lại qua đêm giữa rừng núi bạt ngàn?


Làng Yêu Quái (妖怪村) có tất cả những điều vừa liệt kê. Điều thú vị là ngôi làng này chỉ mới được xây dựng trong hơn 10 năm trở lại đây. Câu chuyện bắt đầu từ tình bằng hữu của người đàn ông Nhật Bản - Kubota và người đàn ông Đài Loan gốc Nhật - Matsubuyashi, làm việc cùng nhau ở Nam Đầu. Khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Nhật trao lại quyền tự trị cho Đài Loan, Kubota trở lại Nhật đoàn tụ cùng gia đình nhưng tình bạn của họ vẫn bền chặt.

Tại Nhật, Kubota và vợ mở một tiệm bánh mang tên Matsubuyashi Kubota (ghép từ tên đôi bạn) để cải thiện cuộc sống nghèo túng sau chiến tranh. Nhiều năm sau, không may tiệm bánh bị thiêu rụi, vợ của Kubota cũng qua đời trong tai nạn đó.

Tiệm bánh Kubota trong làng

Matsubuyashi nghe lời kể của bạn qua thư bèn vét hết số tiền tiết kiệm có được để gởi cho Kubota, với hy vọng hỗ trợ bạn mình vượt qua khó khăn. Cảm kích trước tấm lòng của bạn, Kubota điêu khắc một bức tượng gỗ và biên thư cho Matsubuyashi, ngỏ ý muốn tặng ông. Đó là vào khoảng năm 1974. Đôi bạn hẹn gặp nhau ở Nhật nhưng đáng tiếc, lời hẹn đó đã không thể thực hiện được.

Trước khi qua đời, Matsubuyashi đã kể câu chuyện này cho con cháu của ông. Để tưởng nhớ tình bạn sâu sắc của hai người, con cháu ông Matsubuyashi, những người lập nên Ming Shan Resort, đã xây dựng ngôi làng mang tên ông vào năm 2009. Đến năm 2011, ngôi làng được đổi tên thành Yêu Quái như hiện nay.

Hàng đèn lồng đỏ treo khắp các hàng quán, nhà cửa trong làng

Bức điêu khắc của ông Kubota được đặt trang trọng trong khu nghỉ dưỡng Ming Shan ngay phía sau ngôi làng. Trong khi đó, ở bên trong làng có một tiệm bánh được đặt theo tên Kubota lúc nào cũng đông nghịt khách xếp hàng từ lúc mở cửa đến khi đóng cửa.

Giải thích cho việc đổi tên ngôi làng thành Yêu Quái, có câu chuyện cho rằng, một con gấu đã chiến đấu dũng cảm với quái vật để bảo vệ dân làng. Đó là lý do trong làng có rất nhiều hình ảnh liên quan đến chú gấu Nhật Kuma. Con quái vật được đề cập đến ở đây được mô phỏng theo Tengu trong Thần Đạo (đạo Shinto, theo quan niệm vật linh của người Nhật cổ).

Tengu được miêu tả có nhiều hình dáng khác nhau nhưng thường hóa thân thành một anh chàng mặt mày giận dữ, đỏ ké với cái mũi dài. Biểu tượng này được đặt khắp nơi trong làng, cùng với các loại quái vật ba mắt, ma cổ dài, gấu bông Kuma… tất cả đều có màu rực rỡ và tạo hình sinh động, đáng yêu.


Làng Yêu Quái còn thu hút du khách nhờ vào phong cách kiến trúc đậm chất Phù Tang.

Bao quanh làng là những cánh đồng trà xanh mướt và khu rừng tre tĩnh lặng, một thác nước tuyệt đẹp rất thích hợp cho những ai muốn yên tĩnh. Phần lớn du khách đã đến đây đều khuyến khích bạn hãy dành thời gian đi dạo trong rừng tre để cảm nhận sự gắn kết lạ lùng với thiên nhiên mà có lẽ, Thần Đạo đã thổi vào không khí nơi này.

Văn Khoa / Theo: PNO