Marguerite Duras thời còn trẻ.
“Và, cô đã khóc… cô nghĩ về anh, người đàn ông của Chợ Lớn, người tình của cô, và bất chợt, cô biết rằng, cô yêu anh biết nhường nào, bằng một tình yêu chưa từng có. Và nó đã tàn rụi, như nước lẫn vào cát…”.
Những dòng cảm xúc đau đớn tuyệt vọng của cô gái trẻ người Pháp khi vĩnh biệt Sài Gòn bất chợt trào lên trong những giây phút cuối cùng của bộ phim Người tình (L’amant), trong tiếng piano và tiếng sóng biển dồn dập. Lần đầu tiên, cô đã khóc, cho một mối tình mà cô vừa nhận ra, sẽ không còn có thể tìm lại một lần nữa trong đời.
Nữ văn sĩ Marguerite Duras
Cô đã đoạn tuyệt những dấu vết của người tình đầu tiên trong đời mình như thế…
Gần 30 năm trôi qua, hơn cả một tác phẩm điện ảnh, Người tình - câu chuyện tình yêu đầy ám ảnh và mê hoặc của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras cuối thế kỷ XX, qua cách kể chuyện vô cùng tinh tế và táo bạo của đạo diễn Jean-Jacques Annaud đã trở thành biểu tượng về một tình yêu vượt ra khỏi khuôn khổ của những lễ giáo và khuôn phép, một giấc mơ đắm đuối bởi bản năng và dục vọng của những con người cô độc năm ấy.
Sự táo bạo của Annaud
Người tình là câu chuyện về cuộc tình ngắn ngủi của cô gái trẻ người Pháp mới 16 tuổi (Jane March) với một người đàn ông Trung Hoa 32 tuổi giàu có (mà sau này theo lời kể của tác giả, ông có tên là Huỳnh Thủy Lê, nhân vật được Lương Gia Huy thủ vai). Hai người gặp nhau trên một chuyến phà qua sông Mê Kông, chàng nhìn thấy nàng qua cửa kính xe ô tô, cô gái Pháp nhỏ bé trong bộ đồ mỏng manh, đôi môi gợi tình, ánh mắt bất cần nổi loạn. Họ đã yêu, đã bên nhau trong một mối quan hệ thể xác mãnh liệt, một mối quan hệ bị cấm đoán và chỉ trích.
Với Người tình, tác giả Duras đã không sáng tác, mà bà ghi lại những ký ức của mình, những ký ức có thật về mối tình đầu đầy đau đớn mà bà đã trải qua trong những năm tháng tuổi trẻ bế tắc và mất phương hướng bằng những lát cắt vô cùng tinh tế của cảm xúc.
Nữ văn sĩ đã kể lại: “Tôi viết cuốn truyện này trong niềm hạnh phúc điên dại. Tôi đắm chìm vào cuốn tiểu thuyết một năm, giam mình trong năm đó cùng với tình yêu giữa người đàn ông Trung Hoa và cô bé”.
Cuốn sách xuất bản năm 1984, nhanh chóng trở thành bestseller, và nhận được giải thưởng Goncourt ngay sau đó. Người tình đã mau chóng vượt ra ngoài biên giới nước Pháp, được dịch ra hơn 43 thứ tiếng với 2,4 triệu bản in trên toàn thế giới.
Cuối những năm 90, đạo diễn Jean-Jacques Annaud quyết định đưa câu chuyện tình tuyệt vời ấy lên màn ảnh. Bối cảnh được chọn là Sài Gòn, Việt Nam, nữ diễn viên Jane March (người được chọn ra từ 7.000 ứng viên đến casting cho vai diễn) cùng với Lương Gia Huy là hai diễn viên chính được lựa chọn. Phim thực hiện trong 4 năm, từ cuối năm 1986 đến 1990, với số kinh phí 30 triệu đô la, được coi là lớn nhất trong những bộ phim nước ngoài từng được thực hiện tại Việt Nam.
Nếu như nguyên tác của Duras, với điểm nhìn của một người phụ nữ, câu chuyện hiện lên khẽ khàng và run rẩy, thì với Annaud, câu chuyện một lần nữa được tái sinh với tất cả cuồng nhiệt và đắm say. Ông dành phần lớn thời lượng phim cho những cảnh ái ân thể xác với dụng ý làm nổi bật sự khát khao bản năng tình dục ở hai nhân vật chính.
Tất cả bối cảnh và trang phục, đặc biệt là âm thanh và ánh sáng được Annaud xử lý vô cùng kỹ càng, thậm chí ông mất đến hai năm chỉ để tìm kiếm bối cảnh và thiết kế, đủ để làm nổi bật lên không gian thuộc địa Á Đông nồng nực và đậm đặc, để khán giả cảm nhận rõ được cái nồng nàn và mãnh liệt của cuộc tình ấy.
Về phía Duras, việc lựa chọn Việt Nam là bối cảnh chính cho Người tình ngay từ đầu khiến cho Duras bất bình, bởi bà muốn Người tình được quay ở một miền quê nước Pháp với quy mô nhỏ như một câu chuyện tình riêng tư của lòng bà mấy mươi năm. Nhưng Annaud lại muốn có một bộ phim hoành tráng, tầm cỡ thế giới kiểu Hollywood nhưng vẫn phải đậm màu Á Đông, và ông đã làm theo cách của mình, ông lựa chọn Sài Gòn, Việt Nam.
Có một Sài Gòn đẹp mê hoặc trong phim Người tình
Có lẽ, sự liều lĩnh của Annaud đã mang lại cho Người tình những hiệu ứng điện ảnh ngoài sức mong đợi. Với quá nhiều cảnh quay táo bạo và vô cùng “chân thật”, ngay từ khi ra mắt, phim vấp phải một làn sóng tranh cãi rất mạnh mẽ. Trong khi đoàn làm phim cố tình úp mở về quá trình thực hiện những cảnh quay nhạy cảm, nhiều khán giả đã cho rằng hai diễn viên đã “quan hệ” thật khi thực hiện.
Nhất là trong nội dung phim, nữ diễn viên chính chỉ mới 16 tuổi (dù tuổi thật của nữ diễn viên Jane March lúc đó là 18 tuổi), phim vẫn bị cho là trái với “thuần phong mỹ tục” và đi quá xa khỏi nguyên tác. Thậm chí chính Marguerite Duras đã lên tiếng “hờn dỗi”: “Không có gì gắn bó tôi với bộ phim, đó là sự tưởng tượng của Jean-Jacques Annaud”.
Trước những ồn ào, Annaud buộc phải lên tiếng thú nhận những cảnh quay được thực hiện bí mật tại trường quay ở thủ đô Paris với những kỹ xảo khéo léo và sự biên đạo cẩn thận cùng những diễn viên đóng thế.
Và tất nhiên, càng ồn ào, bộ phim càng gây được tiếng vang, ngay từ khi ra mắt, Người tình đã trở thành một hiện tượng “bom tấn” của điện ảnh thời bấy giờ, thu hút 3 triệu lượt người xem ngay sau khi phát hành tại Pháp, và thu về 45 triệu đô la doanh thu.
Những hồi ức không thể lãng quên
Như mọi cuộc tình bị cấm đoán khác trên đời, mối tình của hai nhân vật chính chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Dù gần gũi về thể xác nhưng Duras đã cố gắng khước từ cái gọi là tình yêu, bà đã chôn chặt vào tầng sâu nhất của tâm hồn, đã hành hạ người tình và hành hạ chính mình theo những cách lạnh lùng và tự hoại nhất, để che đậy những yếu đuối và bế tắc trong tâm hồn đầy ẩn ức. Họ đã yêu nhau khổ sở như những người tình tuyệt vọng.
Không bao lâu sau, người tình của cô phải kết hôn với người phụ nữ mà gia đình ông chọn lựa, dù cố gắng, ông đã không thể lựa chọn người mình yêu vì cô là người da trắng, và vì chính cô cũng không muốn cưới anh.
Ít lâu sau, khi tròn 18 tuổi, Duras buộc phải quay trở về Pháp. Những ký ức về mối tình đó tưởng như đã chôn chặt trong lòng biển cả, hòa lẫn vào tiếng khóc của cô, trên chuyến tàu cuối cùng cô rời xa Sài Gòn. Nhưng thực tế không phải vậy.
Hàng chục năm sau đó, trong chuyến du lịch cùng gia đình sang Pháp, Huỳnh Thủy Lê đã gọi điện cho Duras, lúc này bà đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, và nói rằng: “Tôi vẫn yêu em như ngày xưa…”. Chi tiết này cũng được tái hiện lại trong cảnh cuối cùng của bộ phim, người đàn ông Trung Hoa ấy, nay đã có gia đình, ông gọi điện cho bà khi ông đang ở Pháp. Trong khung cảnh lãnh đạm cùng nhiều ký ức ùa về, ông nói rằng ông sẽ không ngừng yêu bà trong suốt quãng đời còn lại.
Cuộc gọi định mệnh đã khiến Duras như bị rơi trở lại vào những ký ức đẹp đẽ và đau thương của mình, tất cả những kỷ niệm nồng nàn cháy bỏng từ thời thanh xuân lại ùa về nguyên sơ khao khát trong bà, bà bắt tay vào viết Người tình trong niềm hạnh phúc điên dại vô bờ bến.
Sau này, trong tiểu thuyết L'amant de la Chine du Nord viết năm 1991 của mình, bà thú nhận: "Anh ấy làm cho những mối tình khác trong cuộc đời tôi đều bị lu mờ, kể cả những cuộc tình chính thức thành chồng thành vợ”.
Nữ văn sĩ Marguerite Duras và ông Huỳnh Thủy Lê.
Họ đã không thể gặp lại nhau một lần nào sau những năm tháng thanh xuân khổ sở ấy, họ đã sống như thế, dù trong ngôi nhà nhỏ giữa Chợ Lớn nóng nực, lộn xộn, dù là ở Việt Nam, Trung Hoa hay Pháp, họ vẫn sống với những ký ức tình yêu dành cho nhau, những yêu thương mà họ chưa một lần dám đối diện.
Sau những thành công ban đầu, nhiều năm sau này, Người tình vẫn có sức sống bền bỉ trong lòng công chúng, phim đã đưa tên tuổi của hai diễn viên chính Jane March và Lương Gia Huy trở thành hai ngôi sao sáng trên bầu trời điện ảnh. Và, sau tất cả, mặc cho những ồn ào, tranh cãi, Annaud đã thực sự thành công trong việc tái hiện câu chuyện tình đầy mê hoặc ấy vượt xa nguyên tác, trở thành một bộ phim kinh điển, một trong những tác phẩm duy mỹ và nhiều cảm xúc nhất của lịch sử điện ảnh.
Lan Anh / Theo: PNO
No comments:
Post a Comment