Chiều, đang kỳ cạch gõ cho xong bảng báo cáo thì một khung chat đột ngột xuất hiện. Minh, cậu bạn "thân ai nấy lo", kể gần cơ quan mới mở quán miền Tây, đồng nghiệp qua ăn về khen rối rít, nhất là khen món bánh tằm bì. "Hết giờ làm, đi ăn không?". "Hết tiền", tôi đáp cộc lốc. "Tau đãi".
Bánh tằm bì của Minh ăn kèm bì, thịt nướng và nem nướng.
Vì đã từng ăn món này trong một lần ghé chợ Cao Lãnh (Đồng Tháp), nên khi tôi gọi cho mình một đĩa bánh thập cẩm (có bánh tằm bì, bánh ít trần, bánh bèo) và một đĩa tầm bì cho Minh. Khi bánh được mang ra, tôi lần lượt đổ chén nước cốt dừa, đến chén nước mắm, trộn đều. Cậu bạn tôi ngược lại.
Gọi món vì nghe đồn nên cậu chăm chú nhìn đĩa bánh, săm soi cọng tằm bì, săm soi phần bì, rau sống và nem chả dọn kèm. Sau khi "ngâm cứu" xong đĩa bánh, cậu đánh mắt sang hai chén nước trộn ăn kèm với vẻ ngạc nhiên, rồi khi thấy tôi lần lượt đổ cả hai chén vào đĩa bánh, câu hét lên: "Sao mi có thể vừa đổ mắm vừa đổ nước cốt dừa vô món ăn như vậy?".
Đĩa bánh thập cẩm của tôi "kém sang" hơn với bì, chả và nem khiến tôi tiếc hùi hụi.
Biết tính bạn, tôi vẫy cô bé chạy bàn lại, nhờ hướng dẫn cách ăn bánh tằm bì "chuẩn" và Minh... vẫn từ chối việc đổ nước cốt dừa vào đĩa. Cậu ăn bánh tằm với nước mắm chua ngọt mà vẫn gật gù khen ngon.
Tôi cười ngất, bảo Minh đã bỏ lỡ 1/2 vị ngon của món ăn, nhưng Minh vẫn bất chấp. Cậu bảo: "Quê mình không ai ăn đồ mặn với nước cốt dừa". Minh là người Quảng Ngãi. Sau, tôi vừa cam đoan vừa thuyết phục mãi, Minh mới đồng ý xẻ một ít bánh tằm bì vào chén, cho nước cốt dừa vào, ăn thử.
Đũa đầu tiên, Minh nhăn mặt theo quán tính. Đũa thứ hai có vẻ hơi quen vị, đến đũa thứ ba, thứ tư... nét mặt Minh dần thay đổi, vui hơn, thoải mãn hơn, kiểu như vừa khám phá được một món ăn ngon. Sau khi ăn hết chén bánh tằm bì nhỏ, được đà tiến tới, Minh trút nước cốt dừa vào đĩa ban đầu, tiếp tục thưởng thức.
Thấy tôi đổ nước cốt dừa, rồi nước mắm vào đĩa thức ăn, Minh ngạc nhiên lắm.
Bánh tằm bì là đặc sản của Bạc Liêu, sau đó lan sang các tỉnh miền Tây khác và du nhập vào Sài Gòn. Sợi bánh tằm bì được làm từ hỗn hợp bột gạo và bột năng, nhào mịn, se thành những sợi dài như con tằm nên có tên gọi như thế.
Tùy theo tỉnh hay người bán mà bánh tằm bì ăn kèm với bì (thịt hay da heo xắt nhỏ, trộn thính gạo), rau sống như xà lách, giá, rau thơm, thịt nướng, nem nướng các loại. Khi ăn, thực khách sẽ cho mắm và nước cốt dừa lên đĩa bánh, trộn đều, sao cho các thành phần trong món ăn được áo đều hai loại gia vị trên.
Bánh tằm bì có vị thơm dẻo của hỗn hợp bột riêng biệt, của phần bì thơm ngon và rau sống thanh mát. Món ăn này khá dễ ăn và dễ gây nghiện. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là bạn phải vượt qua cảm giác "ngọt mặn" ban đầu. Với người miền Trung hay miền Bắc đây là trở ngại không nhỏ. Bù lại, khi vượt qua trở ngại tâm lý đó, bạn sẽ cảm nhận được vị ngon đặc trưng của món ăn cũng như nét ẩm thực "nước cốt dừa" của người miền Tây.
Uyên Lâm / Theo: PNO