Ngót nghẻo có tên khoa học là Gloriosa superba thuộc họ hoa Bả chó (Colchicaceae) có nhiều tên gọi khác nhau như hoa Loa kèn lửa (flame lily), hoa Móng hổ (tiger claw). Ở Việt Nam, ngoài tên gọi Ngót nghẻo loài hoa này còn được biết đến với các tên như Ngoắt nghẻo, Ngọt nghẹo, Huệ lồng đèn..v.v.
Cây phân bố rộng ở các vùng nhiệt đới và miền nam châu Phi, các vùng nhiệt đới châu Á. Tại Việt Nam, Ngót nghẻo sống nhiều ở miền Trung, Tây Nguyên, thường mọc hoang dã ở rừng ngập mặn ven biển và các bìa rừng núi cao.
Ngót nghẻo có thân cây cao tới 4 mét, hoa to sặc sỡ với 6 cánh đỏ tươi hoặc đôi khi cũng có màu cam, vàng nhạt, dài nhọn như móng hổ. Quả cây có thể dài tới 12 cm chứa các hạt màu đỏ.
Tất cả các thành phần của cây Ngót nghẻo đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn. Đặc biệt phần rễ củ của cây giống với các thành viên khác trong Họ Bả chó chứa rất nhiều chất độc colchicine, alkaloid gloriocine.
Chỉ sau 2 giờ trúng độc, nạn nhân có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa, tê bì và ngứa ran xung quanh miệng, rát cổ họng, đau bụng, tiêu chảy ra máu, dẫn đến tình trạng mất nước.
Khi chất độc tiến triển trong cơ thể sẽ khiến tiêu cơ vân, tắc ruột, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn đông máu, đái ra máu, co giật, hôn mê và tổn thương đa thần kinh.
Theo một nghiên cứu công bố trên trang web của Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ (NCBI), năm 1964 đã ghi nhận một trường hợp bệnh nhân ăn phải củ Ngót nghẻo còn bị rụng hết tóc dẫn tới hói đầu hoàn toàn, thậm chí lông trên cơ thể còn bị rụng hết.
Ở Nigeria chất độc từ cây Ngót nghẻo được sử dụng để tẩm vào mũi tên. Trong khi ở Ấn Độ củ loài cây này còn được người dân ở một số nơi đặt lên cửa sổ để đuổi loài rắn độc ra xa khu vực nhà ở. Ngót nghẻo còn là quốc hoa của Zimbawe. Hiện cây hoa này đang được ứng dụng nhiều trong y học. Tình trạng khai thác quá mức cây Ngót nghẻo ở một số nơi như ở Sri Lanka và Orissa (Ấn Độ) khiến loài hoa độc này đang trở nên khan khiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
Minh Trí (tổng hợp)
Theo: khoahocphattrien
Link tham khảo: