Saturday, October 19, 2024

BIỆT ĐỔNG ĐẠI NHỊ THỦ - CAO THÍCH


Biệt Đổng Đại nhị thủ - Cao Thích

(Kỳ 1)
Thiên lý hoàng vân bạch nhật huân,
Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân.
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ hà nhân bất thức quân ?

(Kỳ 2)
Lục cách phiêu diêu tư tự liên,
Nhất ly kinh Lạc thập dư niên.
Trượng phu bần tiện ưng vị túc,
Kim nhật tương phùng vô tửu tiền.

Đổng Đại tức Đổng Đình Lan 董庭蘭, cầm sư trứ danh khoảng năm Thiên Bảo. Năm Khai Nguyên thứ 23 (735), Cao Thích lên Trường An dự thi, hai người năm quen và kết bạn. Hai bài Biệt Đổng Đại làm sau nhiều năm xa cách trùng phùng ngắn ngủi rồi lại từ biệt mỗi người một nẻo đông tây.


別董大二首 - 高適

(其一)
千里黃雲白日曛
北風吹雁雪紛紛
莫愁前路無知己
天下誰人不識君

(其二)
六翮飄颻私自憐
一離京洛十餘年
丈夫貧賤應未足
今日相逢無酒錢


Từ biệt Đổng Đại kỳ 1
(Dịch thơ: Hải Đà)

Mây vàng mười dặm nắng soi
Gió lùa cánh nhạn tuyết bời bời rơi
Chớ buồn đường trước chẳng ai
Ở trong thiên hạ muôn người biết anh!

Từ biệt Đổng Đại kỳ 2
(Dịch thơ: Lương Trọng Nhàn)

Thương cho đôi cánh phiêu bồng,
Lạc Dương liền chục năm ròng cách xa.
Trượng phu nghèo khó như ta,
Tương phùng vài chén chẳng ra đủ tiền.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Cao Thích 高適 (702-765) tự Đạt Phu 達夫, người Thương Châu (nay là tỉnh Hà Bắc). Năm Khai Nguyên thứ 22 (đời Đường Huyền Tông), ông theo giúp Tín An Vương lên biên tái đánh giặc Khiết Đan, sau đó lại đi du ngoạn ở vùng Hà Nam. Cho đến năm 40 tuổi, Cao Thích còn lận đận, sống đời áo vả lang thang đây đó. Sau đó được người cất nhắc, thi đỗ hữu đạo quan và được lên làm quan ở Trường An. Ông được giữ chức huyện uý. Tâm tính ông không hợp với chức này, thường làm thơ than thở. Sau đó thăng Tiết độ sứ ở Hà Tây. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, ông tắt đường đến với Huyền Tông ở Hà Trì, dâng thư nói về nguyên nhân thất bại ở cửa ải Đồng Quan được làm Gián nghị đại phu. Sau có công đánh dẹp Vĩnh Vương Lý Lân, được Đường Túc Tông thăng tước hầu ở Bột Hải.
 
Ông đi nhiều, thông cảm với nỗi khổ của dân chúng nên thơ có tính hiện thực khá cao. Ông miêu tả đời sống điêu linh của dân chúng và phơi trần những cảnh bất công, bất hợp lý của xã hội đượng thời. Cao Thích cũng thích lối thơ cảm hoài, vịnh sử, nhưng đặc sắc của thơ Cao Thích chính là những bài thơ đầy khí phách về biên tái. "Yên ca hành" là bài thơ được các binh sĩ truyền tụng và nhiều người yêu thích.

Nguồn: Thi Viện