Hàng tỷ USD “bốc hơi”, khiến hàng nghìn nhà đầu tư phải bỏ cuộc. Sự kiện đôi khi được nhắc lại với tên gọi “ngày thứ Ba đen tối” – là một trong những sự kiện diễn ra trước khi Mỹ và thế giới công nghiệp hóa đi sâu vào cuộc Đại suy thoái, cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất và kéo dài nhất trong lịch sử của thế giới công nghiệp hóa phương Tây tính đến thời điểm đó.
Nguyên nhân khủng hoảng
Trong những năm 1920, thị trường chứng khoán Mỹ trải qua quá trình mở rộng nhanh chóng, đạt đến đỉnh điểm vào tháng 8/1929 sau một thời gian trào lưu đầu cơ diễn ra rầm rộ. Vào thời điểm này, sản xuất đã giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khiến các cổ phiếu vượt quá giá trị thực của chúng.
Trong số những nguyên nhân khác dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 còn là lương thấp, nợ nần chồng chất, ngành nông nghiệp gặp khó khăn và dư nợ ngân hàng lớn không thể thanh toán được.
Ngày thứ Ba đen tối
Sàn giao dịch chứng khoán New York, ngày 25/10/1929. (Ảnh: Getty)
Giá cổ phiếu bắt đầu giảm vào tháng 9 và đầu tháng 10/1929. Đến ngày 18/10 giá cổ phiếu bắt đầu giảm mạnh. Sự hoảng loạn trên sàn giao dịch sớm bắt đầu và vào ngày 24/10, “thứ Năm đen tối”, kỷ lục 12.894.650 cổ phiếu đã được giao dịch. Các công ty đầu tư và các chủ ngân hàng hàng đầu đã cố gắng ổn định thị trường bằng cách mua vào những khối cổ phiếu lớn, tạo ra một đợt phục hồi vừa phải vào thứ Sáu (25/10).
Tuy nhiên, đến thứ Hai (28/10), cơn bão lại bùng phát và thị trường giống như “rơi tự do”. "Thứ Hai đen tối" xảy ra và sau đó là "thứ Ba đen tối" - ngày 29/10/1929 - trong đó giá cổ phiếu sụp đổ hoàn toàn và 16.410.030 cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán New York chỉ trong một ngày. Hàng nghìn nhà đầu tư đánh mất hàng tỷ USD, các mã cổ phiếu chạy chậm hàng giờ vì máy móc không thể xử lý nổi khối lượng giao dịch khổng lồ.
Khởi đầu Đại suy thoái
Báo chí Mỹ đưa tin về sự hoảng loạn của thị trường chứng khoán. (Ảnh: Getty)
Sau ngày 29/10/1929, giá cổ phiếu vì đã gần như “chạm đáy” nên đương nhiên chỉ có thể tăng trở lại. Các tuần tiếp theo chứng kiến sự phục hồi đáng kể, nhưng sau đó giá tiếp tục giảm khi Mỹ rơi vào thời kỳ Đại suy thoái, và đến năm 1932, cổ phiếu chỉ còn khoảng 20% giá trị so với mùa hè năm 1929.
Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 không phải là nguyên nhân duy nhất của cuộc Đại suy thoái, nhưng nó đã có tác dụng đẩy nhanh sự suy sụp kinh tế toàn cầu. Giá cổ phiếu tiếp tục giảm trong năm 1932, chỉ số công nghiệp Dow Jones - một tiêu chuẩn được sử dụng rộng rãi cho các cổ phiếu blue-chip ở Mỹ - đóng cửa ở mức 41,22, giá trị thấp nhất trong thế kỷ 20, thấp hơn 89% so với mức đỉnh của nó.
Đến năm 1933, gần một nửa số ngân hàng Mỹ phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng gần đến mức 15 triệu người, tương đương 30% lực lượng lao động Mỹ. Chỉ số trung Dow Jones phải đến khoảng tháng 11/1954, tức 25 năm sau đó, mới trở lại mức cao trước năm 1929.
Trong hoàn cảnh này, những người Mỹ gốc Phi đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề, vì họ là người “được thuê cuối cùng, bị sa thải đầu tiên”. Phụ nữ trong thời kỳ Đại suy thoái khá hơn một chút, vì các công việc truyền thống của phụ nữ trong thời đại này như dạy học và y tá ít bị ảnh hưởng hơn những công việc phụ thuộc vào thị trường khác.
Hàng triệu USD chứng khoán và hồ sơ được vận chuyển trên phố Wall. (Ảnh: Getty)
Cuộc sống của một gia đình trung bình trong thời kỳ Đại suy thoái rất khó khăn. Bão và hạn hán nghiêm trọng ở phía Nam nước Mỹ hủy hoại mùa màng, khiến khu vực này có biệt danh là Bát bụi. Những cư dân của khu vực này thì cố gắng chuyển đến các thành phố lớn tìm việc làm.
Cũng trong thời kỳ đại suy thoái này, lệnh cấm rượu ở Mỹ được hủy bỏ. Các chính trị gia tin rằng hợp pháp hóa việc tiêu thụ rượu có thể giúp tạo việc làm và kích thích nền kinh tế.
Các biện pháp cứu trợ và cải cách do chính quyền của Tổng thống Franklin D. Roosevelt ban hành đã giúp giảm bớt những tác động tồi tệ nhất của cuộc Đại suy thoái đến nước Mỹ, tuy nhiên, nền kinh tế này chỉ hoàn toàn xoay chuyển cho đến sau năm 1939, khi Thế chiến II hồi sinh ngành công nghiệp.
Phương Anh / VTC News
Link tham khảo: