Saturday, October 19, 2024

THẾ GIỚI ẨM THỰC CÔN TRÙNG CỦA NGƯỜI NHẬT

Những món ăn từ côn trùng không phải là hiếm trên thế giới, thực tế đây là một nguồn protein quan trọng ở nhiều quốc gia từ xa xưa. Nhật Bản cũng không ngoại lệ, một nghiên cứu của nhà côn trùng học Tsunekata Miyake đã chỉ ra rằng có tới 55 loại côn trùng được tiêu thụ hằng ngày ở Nhật Bản trong thời kỳ Taisho (1912 – 1926).


Truyền thống ăn côn trùng của người Nhật

Việc dùng côn trùng làm lương thực nuôi dưỡng sự sống của con người đã có từ xa xưa ở Nhật. Ghi chép lâu đời nhất về nó là vào thời Edo (1603-1868). Thuở ấy, những vùng nông thôn có món dế chiên hay dế tẩm đường làm đồ ăn vặt. Còn ở những vùng khan hiếm thịt cá thì châu chấu, ong bắp cày hay tằm là món ăn đặc trưng của địa phương.

Một cuộc điều tra do nhà côn trùng học Tsunekata Miyake thực hiện vào năm 1919 về côn trùng ăn được và có thể làm thuốc đã liệt kê 55 loài được dùng làm thực phẩm. Châu chấu, dế và ong bắp cày đã được tiêu thụ hầu hết trên khắp đất nước vào thời điểm đó.


Vào Thế chiến 2, việc ăn côn trùng lan rộng khắp Nhật Bản. Chiến tranh khiến thực phẩm trở nên khan hiếm nên người dân đã bắt côn trùng để chế biến thành những món ăn chống đói. Đến thời hậu chiến, sản lượng lương thực tăng lên và nguồn thực phẩm cũng đa dạng hơn, đồng thời số lượng côn trùng suy giảm do sử dụng thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, những món ăn từ côn trùng dần ít xuất hiện trong những bữa cơm gia đình.

Tuy nhiên ở thời hiện đại, người Nhật rộ lên sở thích ăn côn trùng và xem đây là một xu hướng ẩm thực tương lai. Nhiều đầu bếp, các nhà hoạt động và chuyên gia thực phẩm đã tích cực quảng bá côn trùng như một món ăn ngon trong tương lai.

Trong số đó có đầu bếp chuyên về côn trùng là Shoichi Uchiyama, ông đã lập ra câu lạc bộ nghiên cứu ẩm thực từ côn trùng và viết một cuốn sách nấu ăn với công thức chế biến các món đặc biệt từ côn trùng.

Những món ngon từ côn trùng phổ biến nhất

Tại đất nước mặt trời mọc, có những món ngon truyền thống được chế biến từ côn trùng mà người dân đều quen thuộc. Trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản, Nagano nổi tiếng với việc tiêu thụ côn trùng nhiều nhất.

Inago no Tsukudani

Món ăn này phổ biến ở các vùng nông thôn tại Yamagata, Nagano và Gunma (thuộc đảo Honshu). Inago (châu chấu) được cho vào hộp hoặc túi không có thức ăn trong một đêm để loại bỏ phân ra khỏi cơ thể trước khi chế biến. Sau đó, chúng được luộc trong nước sôi trong 3-4 phút, để nguội rồi phơi khô dưới nắng khoảng 1-2 ngày. Châu chấu sau khi khô được ninh hoặc chiên với nước tương và đường, kiểu chế biến này được gọi là tsukudani.

Ảnh: TasteAtlas

Hachinoko

Món ấu trùng ong (nhộng ong) bắt nguồn từ vùng núi Nagano, ngày xưa chỉ dành cho tầng lớp vua chúa, quý tộc. Nhộng ong sau khi được thu hoạch và làm sạch sẽ được chiên giòn trong dầu nóng rồi ướp với nước đường và nước tương. Hachinoko được dùng làm mồi nhậu cùng rượu sake hay có thể ăn cùng cơm nóng, cuộn sushi.

Ảnh: mr.kanso

Kaiko no sanagi

Là nhộng tằm, thường được người dân tỉnh Nagano dùng chế biến theo kiểu tsukudani hay kanroni (hầm với nước tương, mirin, đường, syrup). Món nhộng tằm được dùng để thay thế thịt bò, thịt lợn vì hàm lượng chất béo và protein dồi dào, là nguồn cung cấp đạm và vitamin B12.

Ảnh: zazamushi.net

Những lợi ích từ việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm

Côn trùng không chỉ hợp khẩu vị nhiều người mà còn mang đến những lợi ích khác. Dưới đây là một số lý do để chọn côn trùng làm đồ ăn:

- Hiệu quả về chi phí: Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), côn trùng cung cấp lượng protein tương đương với thịt gia súc hay gia cầm nhưng chi phí nuôi dưỡng lại ít hơn hơn từ 2 đến 4 lần.

- Tăng trưởng nhanh: Côn trùng sinh sản, phát triển nhanh, hầu hết các loài bọ chỉ mất chưa đầy sáu tháng là có thể sử dụng; trong khi đó gia súc phải mất ít nhất hai hoặc ba năm để trưởng thành trước khi có thể lấy thịt.

- Lợi ích sức khỏe: Theo FAO, côn trùng được cho là nguồn thực phẩm lành mạnh với hàm lượng chất béo, protein, vitamin, chất xơ và khoáng chất cao. Qua đó côn trùng có thể giúp chống lại nạn suy dinh dưỡng tại nhiều khu vực trên thế giới.

- Kéo dài tuổi thọ: Mặc dù chưa được khoa học chứng minh cụ thể nhưng nhìn nhận vào thực tế thì Nagano là tỉnh có tuổi thọ cao nhất Nhật Bản và đây cũng là địa phương tiêu thụ nhiều côn trùng nhất. Từ đây mà nhiều người có niềm tin vào việc ăn côn trùng để sống thọ.

- Giá rẻ và thân thiện với môi trường: Đồ ăn từ côn trùng có giá cả phải chăng, thấp hơn nhiều so với các loại thịt cá khác. Khai khác loài này cũng giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu, giúp cây cối phát triển xanh và sạch hơn; ngoài ra còn giúp tiết kiệm diện tích đất đai để canh tác cũng như ít tạo ra khí nhà kính có hại cho môi trường.

Chính vì thế, nuôi và tiêu thụ côn trùng đang là một xu hướng được khuyến khích tại Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu nuôi và chế biến các loại thực phẩm từ côn trùng.
Kinh doanh ẩm thực côn trùng ở xứ Phù Tang

Hiện nay ở Nhật có rất nhiều cửa hàng chuyên buôn bán thực phẩm làm từ nhện, dế, ve sầu, bọ... Nhiều công ty đã xây dựng mô hình trang trại nuôi côn trùng để cung cấp cho các cơ sở sản xuất, nhà hàng. Nhiều tiệm ăn đã lên thực đơn với các món có nguyên liệu chính là côn trùng. Các loại bột từ dế cũng được sử dụng trong bữa trưa và bữa ăn nhẹ ở nhiều trường học.

Ramen dế tại ANTCICADA. Ảnh: Global Times

Mô hình máy bán hàng tự động giới thiệu các món ăn từ côn trùng cũng thu hút sự chú ý của mọi người. Như ở thành phố phía nam Kumamoto có máy bán hàng tự động với các món như bọ tê giác, dế chế biến sẵn có phủ socola.

Hay ở công viên Inokashira tại Tokyo có một máy bán hàng tự động với hai loại bọ đóng hộp. Ở Nhật có thương hiệu Takeo, được biết đến với những chiếc máy bán hàng tự động chuyên bán những gói côn trùng ở khu vực trung tâm Tokyo.

Bánh làm từ bột dế của Muji. Ảnh: GIGAZINE

Những món ăn từ côn trùng được chế biến sẵn và sản xuất đóng gói hay đóng hộp cũng được bày bán phổ biến trên các trang thương mại điện tử của Nhật. 

Ái Thương / Theo: kilala