Wednesday, October 30, 2024

MẬT NGỌT CHẾT RUỒI, RƯỢU NGỌT CHẾT... NGƯỜI

Cocktail là đồ uống chứa rượu trộn với đủ loại (nước) trái cây. Một loại khác khá phổ biến là punch, được xem là thức uống khai vị trong các party ở phương Tây. Punch gồm trái cây thái miếng (không xay), thường là táo, cam, lê… với rượu (thường là rượu vang). Có thể thêm chút đường để quý bà dễ uống. Hương trái cây, vị ngòn ngọt, cảm giác lâng lâng, thì đúng là… “say đi em”. Vị ngọt bị cáo buộc là thủ phạm là mau say rượu.

Vũ Thế Thành


Điều này oan cho… ngọt. Đường ảnh hưởng không đáng kể đến việc say mau say chậm. Rượu ngọt dễ uống, nên cũng dễ tiện tay nâng ly. Uống nhiều nên say hồi nào không biết.

Tuy nhiên, đường làm chậm tốc độ chuyển hóa của rượu, lượng acetaldehyde chậm chuyển thành acetic. Hệ quả là acetaldehyde tồn dư nhiều trong cơ thể, nên các loại rượu ngọt như rượu mùi, champagne, rượu vang loại ngọt… uống dễ nhức đầu là vậy.

Tin đồn trên bàn nhậu

Càng uống đô rượu càng tăng, tửu lượng càng cao mới anh hùng. Chuyện anh hùng bàn nhậu đúng sai xin để quý bà “nội nhân” phán xét, nhưng càng uống, đô rượu càng tăng là có thật.

Tăng đô chỉ là do hệ thống thần kinh đã quen với lượng độc chất cao hơn. Nhưng một khi cồn đã hấp thu vào máu thì tốc độ chuyển hóa cồn hầu như vẫn thế, chứ không phải uống được bia rượu nhiều hơn thì chuyển hóa cồn nhanh lên hơn. Tốc độ chuyển hóa không thay đổi mà lại nạp rượu nhiều quá thì hệ quả là tồn dư acetaldehyde sau cơn say xỉn.

“Lên đô” là dấu hiệu cảnh báo cho biết, cơ thể đã bắt đầu bị ảnh hưởng do rượu. Acetaldehyde vẫn được tạo ra, gan vẫn bị tàn phá mà mình không hay.


Lại có tin đồn, uống cà phê trước khi vào đấu trường… rượu thì sẽ cạn ly ngọt xớt hơn, khó say hơn. Đúng là chất caffeine trong cà phê làm người ta tỉnh táo hơn, nhưng uống càng nhiều, nồng độ rượu trong máu càng tăng; rồi đã say mà cứ tưởng mình tỉnh. Đến lúc nào đó, không còn kiểm soát được hành vi.

Điều chắc chắn là, rượu tăng một, cà phê tăng hai thì có thể giúp tỉnh táo chút đỉnh, dù vẫn say như thế. Còn đi tiếp rượu tăng ba thì có khi về nhà bị say âm ỉ cả tháng cả năm chưa hết.

Thơ say…

Tập “Thơ say” là tác phẩm đầu tay của Vũ Hoàng Chương xuất bản năm 1940 tại Hà Nội. Bài thơ của ông được nói đến nhiều nhất là “Mời say”. Giới văn chương đồn rằng Vũ Hoàng Chương thất tình một tiểu thư Hà Nội nào đó, rồi vùi đầu vào men rượu, vũ trường và kỹ nữ.

… Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! Và quên, quên hết!…

Vũ Hoàng Chương được xem là thi bá của thế kỷ 20. Ông học đại học Luật, rồi bỏ. Học toán cũng bỏ ngang. Ông là thầy giáo mẫu mực, nho nhã, đi xích lô đến trường dạy Việt văn nổi tiếng một thời ở Miền Nam. Thơ ông đầy mộng ảo. Ông say thơ, say thuốc (phiện) là điều có thật, nhưng tôi chưa nghe ai nói đã từng ngồi đối ẩm (rượu) với ông. Có lẽ rượu chỉ là phương tiện để ông say thơ.


Vâng, rượu chỉ là phương tiện để đi vào thế giới chiêm nghiệm của riêng mình, là phương tiện chuyện trò với bằng hữu cho đậm đà hơn, chứ không phải để thể hiện cái tôi, như anh binh nhì khi say tưởng mình là đại tướng.

Tôi không thể đưa ra lời khuyên nên uống (rượu) bao nhiêu là vừa. Xin dẫn lời của danh y Hải Thượng Lãn Ông, Bán dạ tam bôi tửu, Lương y bất đáo gia. Nghĩa là, tối ba ly rượu thì nghỉ chơi bác sĩ được rồi. Ly rượu hồi xưa nhỏ như chén tống uống trà. Uống xong ba ly tí tẹo này mà không đàm đạo cho phả hết hơi rượu thì liệu ra đường có thoát được máy test hơi cồn của cảnh sát không… Tôi không chắc!

Vũ Thế Thành
Theo: saigonthapcam