U lan lộ như đề nhãn,
Vô vật kết đồng tâm.
Yên hoa bất kham tiễn,
Thảo như nhân, tùng như cái.
Phong vi thường, thuỷ vi bội,
Du bích xa, tịch tương đãi.
Lãnh thuý chúc, lao quang thái,
Tây lăng hạ, phong xuy vũ.
Tô Tiểu Tiểu: người Nam Tề đời Lục triều, một danh kỹ tài hoa đất Tiền Đường và có số phận rất bi thảm, mộ của nàng nay còn ở Tây Lăng. Xem thêm tác giả Tô Tiểu Tiểu trong Thi viện.
蘇小小墓 - 李賀
幽蘭露如啼眼
無物結同心
煙花不堪剪
草如茵松如蓋
風為裳水為佩
油壁車夕相待
冷翠燭勞光彩
西陵下風吹雨
Mộ Tô Tiểu Tiểu
(Dịch thơ: Ngô Hồ Anh Khôi)
Cánh lan sương đọng lệ tuôn,
Lấy chi mà kết sợi buồn đồng tâm.
Khói hoa lìa bỏ sao cam,
Cỏ xanh làm thảm, thông làm ô che.
Gió làm áo, nước điểm khoe,
Hẹn hò đêm tối, ngồi xe ngọc ngà.
Ma trơi lờ lững xa xa,
Tây Lăng chốn cũ, nhạt nhoà gió mưa...
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Thi quỷ Lý Hạ 李賀 (790-816) thuộc dòng dõi tôn thất nhà Đường, cực kỳ thông minh đĩnh ngộ, khi mới lên bảy đã biết làm thơ. Danh sĩ đương thời là Hàn Dũ nghe tiếng Hạ bèn cùng Hoàng Phủ Thực đến nhà. Hai người muốn thử tài nên bắt Hạ làm thơ. Hạ thản nhiên cầm bút viết ngay bài Cao hiên quá trình lên, hai ông xem xong đều kinh hoảng. Bài thơ Cao hiên quá có những câu vô cùng kỳ dị, nếu đúng là do một cậu bé làm ra như giai thoại được kể trong Thái bình ngự lãm thì hai nhà thơ đương thời có kinh tâm động phách cũng là điều dễ hiểu: “Điện tiền tác phú thanh ma không, Bút bổ tạo hoá thiên vô công” (Trước nhà, làm thơ trình, thanh âm của bài thơ chạm vào bầu trời, Ngọn bút bổ sung những chỗ khiếm khuyết bất toàn của tạo hoá một cách dễ dàng, không tốn chút công sức).
Theo tiểu truyện về Lý Hạ do Lý Thương Ẩn - một nhà thơ lớn thời Vãn Đường - viết, thì khi Lý hạ bệnh nặng, bỗng có một vị tiên mặc áo lụa đào, cưỡi con cù long màu đỏ, bay đến bên cửa, cầm một cuốn sách, chữ giống như chữ triện thời thái cổ, trao cho Lý Hạ và nói: “Thượng đế đã cho xây xong lầu Bạch Ngọc, xin mời ông lên gấp để viết cho bài ký” (Đế thành Bạch Ngọc lâu, lập quân chiêu vi ký). Lát sau Lý Hạ mất. Người nhà thấy hơi và khói thấp thoáng qua cửa sổ, và nghe tiếng xe đi trong tiếng sáo réo rắt. Trong lịch sử Đường thi, có lẽ chỉ có Thi Tiên Lý Bạch và Thi Quỷ Lý Hạ mới có huyền thoại chung quanh cái chết mà thôi. Một người nhảy xuống sông ôm trăng rồi cưỡi con kình ngư lên cõi thiên khung (tương truyền khi Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng thì có con kình ngư tới đón và chở lên trời), một người được Thượng đế cho tiên nhân đem xe nhạc đến mời lên viết bài ký cho lầu Bạch Ngọc chốn thiên đình. Ai dám khẳng định điều đó là hoang đường không thực, khi mà cõi đời tự bản chất đã là sắc sắc không không?
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment