"Doanh nghiệp gia đình"
The Firm (Công ty) – hay còn được gọi là "Monarchy PLC" (Công ty Hoàng gia) – đóng vai trò gương mặt đại diện của một đế chế trị giá 28 tỷ USD, phụ trách "bơm" hàng trăm triệu bảng Anh vào nền kinh tế Vương quốc Anh mỗi năm.
Cái tên The Firm thường được nhắc tới bởi chồng của Nữ hoàng Elizabeth II là Hoàng thân Philip. Ông gọi hoàng tộc là "doanh nghiệp gia đình". Trước đó, cha của Nữ hoàng là Vua George VI cũng từng tuyên bố trong những năm còn trẻ: "Chúng tôi không phải là một gia đình. Chúng tôi là một công ty".
The Firm là một "doanh nghiệp" mang tầm cỡ Hoàng tộc với một đội ngũ gồm thư ký riêng, cố vấn truyền thông, nữ quan, chủ hộ, tài xế, người giúp việc, người làm vườn… Chỉ riêng Cung điện Buckingham đã có hơn 400 nhân viên. Tất cả những người này vận hành cung điện và cuộc sống của những thành viên Hoàng gia gói gọn trong đó.
Penny Junor, một nhà sử học hoàng gia đã viết cuốn "The Firm: The Trouble Life of the House of Windsor", cho biết: "Rất khó để phân biệt đây là gia đình hay hệ thống công ty". Bà còn tiết lộ các thành viên Hoàng tộc sử dụng thư ký riêng cho các công việc cá nhân như mời cha mẹ hoặc con cái của họ đến ăn tối. Bà Junor nhận định: "Hoàng gia không phải là một gia đình hay giao tiếp với nhau. Họ chắc chắn không giỏi chăm sóc nhau".
Những đám cưới xa hoa, những chuyến công du đến các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung và vô số nghi lễ đã thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp này. Câu chuyện về gia đình Hoàng gia cũng là một "mỏ vàng" cho truyền thông Anh. Hơn ba năm trước, Brand Finance, một công ty định giá thương hiệu có trụ sở tại Vương quốc Anh, ước tính đóng góp của The Firm cho ngành truyền thông là gần 70 triệu USD.
Những ai điều hành The Firm và gặt hái được nhiều lợi ích nhất đã trở thành một câu hỏi gây tranh cãi trong nhiều năm. Trước đó, ngoài Nữ hoàng, 7 thành viên Hoàng gia nắm quyền The Firm bao gồm Vua Charles III và Vương hậu Camilla (nữ công tước xứ Cornwall); Thái tử William (người đứng đầu danh sách kế vị) và vợ Kate (nữ công tước xứ Cambridge); Công chúa Anne (con gái Nữ hoàng); Hoàng tử Edward (con trai út của Nữ hoàng) và vợ Sophie (nữ bá tước xứ Wessex). Theo nhà sử học và bình luận hoàng gia Carolyn Harris, việc gói gọn phạm vi quyền lực của The Firm là nhằm củng cố các nguồn lực, cũng như kiểm soát danh tiếng.
Sơ đồ tổ chức của The Firm khẳng định cho vị thế của "doanh nghiệp gia đình" 1.000 năm tuổi này và công chúng nhận thức được việc duy trì nó là yếu tố quan trọng đối với Hoàng gia. David Haigh, CEO của Brand Finance, giải thích: "Đó là một doanh nghiệp có ảnh hưởng rất lớn tới bộ mặt quốc gia". Tuy nhiên, không giống như một gia đình nổi tiếng như Kardashians, Windsors không kiếm được lợi nhuận cá nhân từ chính công việc kinh doanh, mặc dù họ đã đóng góp ước tính 2,7 tỷ USD hàng năm cho kinh tế Vương quốc Anh trong thời kỳ trước đại dịch.
Tập đoàn Elizabeth
Vào năm 1952, Nữ hoàng Elizabeth II đã thừa kế ngai vàng và cả The Firm từ cha mình một cách bất ngờ. Vua George VI thậm chí còn không kịp nhắn nhủ cho bà về cách quản lý doanh nghiệp. Hoàng thân Philip từng là một thành viên quyền lực của The Firm, nhưng ông đã chính thức rút lui khỏi nhiệm vụ của mình. Ngoài việc để mất Hoàng tử Harry, trong năm qua The Firm còn phế truất một thành viên cấp cao khác là Hoàng tử Andrew do có quan hệ mật thiết với tội phạm Jeffrey Epstein.
Ngoài đại gia đình, Vương tộc Windsor có hàng nghìn nhân viên trên khắp thế giới. Chỉ riêng Cung điện Buckingham đã có khoảng 1.200 người. Theo một danh sách việc làm gần đây trên cổng thông tin chính thức của cung điện, một chuyên gia công nghệ thông tin mới vào nghề có thể kiếm được tới 40.000 USD một năm, cũng như các phúc lợi tại Cung điện. Crown Estate, cơ quan giám sát tài sản của chế độ quân chủ, cũng sử dụng thêm 450 người, bao gồm một ban giám đốc đưa ra các quyết định tài chính cho nhà nước.
Nữ hoàng Elizabeth II. Nguồn: Getty Images
Trở thành thành viên của The Firm cũng đi kèm với trách nhiệm về việc giữ cho cỗ máy kiếm tiền hoạt động trong nhiều thế hệ sau. Tính đến năm 2021, công ty này nắm giữ gần 28 tỷ USD bất động sản. Trong đó, Crown Estate (tập hợp các vùng đất và tài sản ở Vương quốc Anh thuộc về Nữ hoàng) trị giá 19,5 tỷ USD, Cung điện Buckingham ước tính 4,9 tỷ USD, Công quốc Cornwall 1,3 tỷ USD, Công quốc Lancaster 748 triệu USD, Điện Kensington ước tính 630 triệu USD và Crown Estate Scotland là 592 triệu USD.
Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2020, Crown Estate thu về hơn 700 triệu USD, với hơn 475 triệu USD lợi nhuận. Gia đình hoàng gia nhận được 25% thu nhập từ Crown Estate, và 75% còn lại được chuyển vào Kho bạc Anh. Theo Forbes, khoản Trợ cấp Hoàng gia năm 2021 là khoảng 120 triệu USD, được sử dụng cho các chi phí chính thức, bao gồm tiền lương, an ninh, đi lại, dọn dẹp, chi phí bảo trì và công nghệ thông tin.
Các chi phí cá nhân của Nữ hoàng và chi tiêu của một vài thành viên khác trong gia tộc cũng được hỗ trợ thông qua một khoản thu nhập khác từ Công quốc Lancaster có tên là Privy Purse (quỹ riêng). Trong năm tài chính gần nhất, Công quốc này đã báo cáo lợi nhuận 30 triệu USD.
Forbes cũng ước tính rằng Nữ hoàng Elizabeth từng sở hữu 500 triệu USD tài sản cá nhân bao gồm Sovereign Grant (Trợ cấp Hoàng gia), khối bất động sản Công quốc Lancaster và các khoản đầu tư khác. Hơn nữa, bà còn sở hữu bất động sản của riêng mình, bao gồm lâu đài Balmoral tại Scotland và khu bất động sản Sandringham tại miền Đông nước Anh.
Lâu đài Balmoral ở Scotland, thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia từ năm 1852, Nữ hoàng đã trải qua những ngày cuối đời tại đây. Nguồn: Getty Images
Tài sản của bà không chỉ dừng lại ở bất động sản. Nữ hoàng còn sở hữu "bộ sưu tập tem của Anh và Khối thịnh vượng chung tốt nhất và toàn diện nhất trên thế giới", ngựa, đồ trang sức, cổ phiếu, tiền cổ, cũng như các tác phẩm nghệ thuật Nữ hoàng thừa kế từ mẹ vào năm 2002. Phần lớn trong số đó được truyền lại cho Vua Charles III.
Lịch sử sang trang
Giống với Nữ hoàng, Vua Charles III không trực tiếp sở hữu 28 tỷ USD của The Firm mà nó thuộc về quốc vương trị vì, bao gồm tài sản thuộc Crown Estate ở Scotland, Công quốc Lancaster, Công quốc Cornwall và hai cung điện Buckingham và Kensington. Theo Business Insider, một điều khoản pháp lý đặc biệt đã được đặt ra nhằm miễn trừ 40% khoản thuế thừa kế cho Vua Charles III để tránh hao mòn tài sản của gia đình hoàng gia, theo thỏa thuận với cựu Thủ tướng John Major vào năm 1993.
Vua Charles III chính thức kế vị ngai vàng sau khi Nữ Hoàng qua đời. Nguồn: Getty Images
Tài sản giá trị nhất Vua Charles nắm giữ là Crown Estate, một danh mục đầu tư bất động sản rộng lớn với khối tài sản trị giá 17,5 tỷ USD. Những bất động sản đó bao gồm Phố Regent, phố mua sắm thương mại hàng đầu ở London, Trường đua ngựa Ascot (nơi yêu thích của Nữ hoàng) và hầu hết cả đáy biển ở Vương quốc Anh.
Ngoài Trợ cấp Hoàng gia, vị quốc vương 73 tuổi cũng sở hữu khối tài sản cá nhân khổng lồ, phần lớn lợi nhuận lớn hằng năm ông thu được từ Công quốc Cornwall. Ngày nay, Công quốc có 150 nhân viên quản lý danh mục tài sản hơn 130.000 mẫu Anh trên khắp vùng Tây Nam nước Anh, trị giá gần 1,3 tỷ USD. Chỉ riêng năm nay, Công quốc Cornwall đã mang về cho ông khoảng 27 triệu USD. Con trai cả của ông, Hoàng tử William, bây giờ sẽ kế thừa.
Cũng như đối với Crown Estate, Vua Charles không thể bán các bất động sản thuộc về Công quốc, nhưng ông có thể kiếm tiền từ chúng. Vào năm 2020, bằng cách cho các nhà bán lẻ, nông dân và cư dân thuê, Công quốc đã mang lại doanh thu hơn 50 triệu USD. Công quốc Cornwall sinh lợi cho Nhà vua còn nhiều hơn so với khoản Trợ cấp Hoàng gia.
Thiên Bảo
Theo: Phụ nữ Việt Nam
Link tham khảo: