Sunday, October 27, 2024

ADAM WEISHAUPT: NGƯỜI SÁNG LẬP HỘI ILLUMINATI

Nếu còn sống, Adam Weishaupt (triết gia Đức cuối thế kỷ 18) chắc hẳn sẽ rất kinh ngạc khi biết tư tưởng của mình đã trở thành niềm cảm hứng cho vô số thuyết âm mưu, best-seller văn học và phim điện ảnh bom tấn.


Sinh năm 1748 tại Ingolstadt (thành phố thuộc bang Bavaria – nay là lãnh thổ Đức, nơi áp dụng chế độ cử tri từ khá sớm), Weishaupt mang trong mình dòng máu Do Thái nhưng có gia đình phải cải đạo sang Cơ đốc giáo. Mồ côi cha mẹ từ sớm, Weishaupt được nuôi dạy bởi một người chú uyên bác, lớn lên ghi danh theo học tại một trường của Dòng Tên, trở thành giáo sư đạo đức học và luật Cơ đốc giáo tại Đại học Ingolstadt, kết hôn và có một gia đình yên ấm – cuộc sống mà thoạt nhìn ai cũng phải ngưỡng mộ, mãi cho đến khi chính quyền Bavaria phát hiện thấy tư tưởng của ông ẩn chứa những mầm mống đe dọa tính chính danh của họ (năm 1784).

Có thể nói, Weishaupt là người sở hữu một bộ óc phi thường, luôn trăn trở và không ngừng suy tư. Ngay từ nhỏ, ông đã rất mê sách và đọc ngấu nghiến hầu như mọi tác phẩm của các triết gia khai sáng Pháp trong thư viện gia đình. Bang Bavaria khi ấy còn rất bảo thủ do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Công giáo, và Weishaupt có lẽ cũng không phải người duy nhất tin rằng: chế độ quân chủ và giáo lý nhà thờ là nguyên nhân chính kìm hãm tư duy và sự sáng tạo. Nhận thấy những hạn chế của hệ thống niềm tin tôn giáo trong việc dẫn dắt xã hội, ông quyết định đi tìm một hướng “khai sáng” mới bằng cách tập hợp các ý tưởng và thực tiễn – có khả năng vận dụng được – nhằm thay đổi hoàn toàn cách thức quản trị nhà nước. Bản thân Weishaupt cũng từng nghĩ tới việc gia nhập Hội Tam Điểm (Freemasonry) – ra đời từ đầu thế kỷ 18 (với chi hội đầu tiên được thành lập tại London năm 1717), sau lan rộng khắp lục địa và thu hút những nhà tư tưởng theo khuynh hướng tự do. Tuy nhiên, cảm thấy nhiều tôn chỉ và đường hướng hoạt động của Freemasonry có phần không ổn, ông đã quyết định tự thành lập một hội kín khác, dựa trên cảm hứng từ những câu chuyện về Bảy vị hiền triết Memphis (Ai cập cổ đại) và Kabbalah thần bí trong Ngũ Thư Do Thái Giáo (Torah).

Khi sáng lập Illuminati (Hội Ánh sáng), Weishaupt không hẳn muốn chống lại tôn giáo, mà ông chỉ đơn giản không đồng tình với cách người ta thực hành lẫn áp đặt nó. Vì vậy, Weishaupt đã đặt ra một tôn chỉ mới cho Hội, là “mang lại tự do từ những định kiến tôn giáo, nuôi dưỡng và cổ vũ đạo đức xã hội thông qua một viễn tượng lớn, khẩn trương và khả thi về hạnh phúc phổ quát; Để đạt được điều đó, cần thiết phải tạo ra một nhà nước [thật sự] tự do và bình đẳng về mặt đạo đức nhằm giải phóng con người khỏi những trở ngại của sự lệ thuộc, thứ bậc và ước muốn giàu sang – thứ [luôn] ám ảnh tâm trí chúng ta.” Đêm 1/5/1776, trong một cánh rừng gần Ingolstadt, dưới ánh đuốc, các thành viên đầu tiên của Illuminati đã gặp nhau để tuyên bố sáng lập và đặt ra những quy tắc điều hành hoạt động của Hội. Theo đó, mọi ứng viên tương lai cần nhận được sự đồng ý của tất cả các thành viên để được gia nhập, bên cạnh nhiều tiêu chí khắt khe khác như: xuất thân giàu có, gia đình danh giá, có địa vị và mối quan hệ xã hội tốt. Lúc đầu, Illuminati phân chia các thành viên làm 3 cấp: novice (người mới), minerval và illuminated minerval (illuminated mang nghĩa là đã được khai sáng) – Minerval là tên của vị Nữ thần thông thái La Mã, được xem là rất phù hợp với mục tiêu truyền bá tri thức, sự thật lẫn khai sáng về cách thức định hình lại nhà nước và xã hội.

Biểu tượng con mắt của Illuminati trên đồng đô la Mỹ. Ảnh: HowStuffWorks

Chỉ trong vài năm, Illuminati đã đạt được sự phát triển đáng kể, cả về quy mô lẫn sự đa dạng, với số lượng thành viên lên tới hơn 600 (năm 1782), bao gồm nhiều nhân vật rất có ảnh hưởng tại Bavaria như Bá tước Adolph von Knigge và ông chủ nhà băng Mayer Amschel Rothschild (có thuyết âm mưu cho rằng Rothschild chính là gia tộc giàu có nhất thế giới). Từ chỗ chỉ giới hạn quanh các môn đệ của Weishaupt, về sau Hội kết nạp thêm nhiều quý tộc, chính trị gia, bác sĩ, luật sư, trí thức và cả những thi sĩ, văn hào hàng đầu như Johann Wolfgang von Goethe. Vì thế, tính đến cuối năm 1784, Hội đã có khoảng 2000 – 3000 thành viên. Đặc biệt, Bá tước von Knigge là người góp công cực lớn trong việc mở rộng tổ chức và hoạt động của Hội. Vốn là một cựu Freemason, ông đã ủng hộ việc áp dụng một số nghi thức tương tự, như đặt cho các thành viên của Illuminati một “bí danh” mang tính biểu tượng – lấy từ những điển tích cổ, chẳng hạn Weishaupt có tên là Spartacus, còn Knigge là Philo. Chưa hết, cơ chế phân loại hội viên cũng trở nên phức tạp hơn nhiều, khi tổng cộng có tới 13 bậc và được chia làm 3 cấp.

Tuy nhiên, trước rất nhiều sức ép, cả ở trong lẫn bên ngoài, sự lan truyền ảnh hưởng của Hội đến giai cấp thượng tầng và quyền lực ở Bavarian đã bị chặn lại. Ngoài ra, giữa Weishaupt và Knigge cũng ngày càng phát sinh nhiều mâu thuẫn do tranh cãi liên quan đến các mục tiêu, nghi thức và hoạt động của Hội, dẫn tới việc Knigge phải ra đi. Nhưng nghiêm trọng hơn, một cựu thành viên khác là Joseph Utzschneider còn gửi thư cho nữ Công tước xứ Bavaria, tiết lộ nhiều bí mật (pha trộn giữa sự thật với dối trá) của Illuminati, thậm chí vu cho Hội đang âm mưu chống lại Bavaria nhân danh nước Áo. Được vợ cảnh báo, Công tước Bavaria đã ban hành một sắc lệnh vào tháng 6/1784, cấm tiệt việc thành lập các hội kín. Chỉ chưa đầy một năm, tháng 3/1785, sau lệnh cấm thứ hai, cảnh sát lại nhận được lệnh tăng cường đàn áp. Trong quá trình truy bắt các thành viên Illuminati, cảnh sát đã tìm thấy nhiều tài liệu biện hộ cho hành vi tự sát, ủng hộ thuyết vô thần, hướng dẫn phá thai, kế hoạch thành lập chi hội nữ và công thức của một loại mực vô hình … tất cả trở thành cơ sở để kết tội Hội âm mưu chống lại tôn giáo và nhà nước. Đến tháng 8/1787, công tước lại ban hành một sắc lệnh thứ ba, khẳng định việc cấm lập hội và tuyên bố sẽ xử tử bất cứ ai vi phạm. Còn Weishaupt, sau khi mất ghế giáo sư tại Ingolstadt, ông bị trục xuất khỏi Bavaria, chuyển tới Gotha (Saxony), nhận dạy triết cho các sinh viên ĐH Göttingen và sống nốt phần đời còn lại ở đây cho tới khi mất (năm 1830).

Adam Weishaupt (1748 – 1830). Ảnh: Wikipedia

Mặc dù đã tan rã, song rất nhiều di sản của Illuminati vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay và trở thành chủ đề hấp dẫn đối với các thuyết âm mưu. Chẳng hạn, một số đồn đoán cho rằng, chính Weishaupt là người đã bày mưu cho Cách mạng Pháp (1789); hay Hội Ánh sáng thực chất đang vẫn tồn tại, âm thầm hoạt động và can dự đến nhiều bí ẩn lịch sử, chẳng hạn vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (11/1963). Ngoài ra, tư tưởng của Weishaupt còn có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tiểu thuyết nổi tiếng như Thiên thần và Ác quỷ (Dan Brown) hay Con lắc Foucault (tác giả Umberto Eco người Ý). Nhưng sau cùng, có lẽ đóng góp độc đáo và trường tồn nhất của Weishaupt chính là ý tưởng về các hội kín – do giới tinh anh lập ra – để chi phối quyền lực sau hậu trường.

Đức Trung (Theo National Geographic)
Link tham khảo: