Lâm Lê
Người đẹp Bình Dương
Trong giai đoạn đầu của điện ảnh Sài Gòn sau năm 1954, khác với Kim Cương, Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim Vui và nhiều tên tuổi xuất thân từ cải lương, thoại kịch hay tân nhạc, Thẩm Thúy Hằng bước vào điện ảnh từ một sự tình cờ qua một cuộc thi tuyển chọn diễn viên năm 1957. Thẩm Thúy Hằng là nghệ danh của cô gái có tên khai sinh là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng nhưng người gốc miền Nam. Thân phụ bà là một viên chức trong chính quyền Quốc gia Việt Nam ra Bắc công tác nên Thẩm Thúy Hằng được sinh ở Hải Phòng. Sau đó, gia đình trở về An Giang sinh sống. Bố mất năm 13 tuổi, sau khi học xong cấp một ở Long Xuyên, Thẩm Thúy Hằng lên Sài Gòn sống với chị và theo học trường Huỳnh Thị Ngà ở Tân Định cho đến hết năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ).
Năm 1957, cô gái 16 tuổi Nguyễn Kim Phụng theo bạn dự cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng Mỹ Vân để đóng vai chính trong phim Người đẹp Bình Dương. Đây là một phim được dựng từ truyện Tàu và dự định được chiếu vào dịp Giáng sinh 1958. Hãng Mỹ Vân hứa rằng người đoạt giải sẽ được đưa sang Hong Kong học diễn xuất. Giữa hơn 2,000 thí sinh dự thi với nhiều gương mặt sau này cũng thành danh như Kim Vui, Khánh Ngọc, Trang Thiên Kim, Mộng Tuyền, Thu Trang…, cô gái 16 tuổi Kim Phụng – nhờ nhan sắc mộng mị với đôi mắt to tròn biết nói – đã đoạt giải nhất và chính thức được chọn đóng vai chính.
Cái tên Thẩm Thúy Hằng do chính cô nghĩ ra vì hãng Mỹ Vân muốn cô có một nghệ danh khác, để khỏi trùng với nghệ sĩ cải lương Kim Phụng. Kịch bản và đạo diễn Người đẹp Bình Dương là nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu. Phim đề cao lòng hiếu thảo của cô con gái út (Tam Nương, do Thẩm Thúy Hằng đóng), bị gia đình ghét bỏ vì sinh ra với ngoại hình xấu xí. Trải qua bao gian truân đầy ải, cô thoát xác thành một mỹ nhân, kết duyên cùng hoàng tử trẻ đẹp và tài ba…
Không được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng phim gây tranh luận sôi nổi trên báo chí. Trên tờ Truyện Phim số Tết phát hành năm 1958, đạo diễn Lê Hoàng Hoa (lúc đó là ký giả) viết: “Người đẹp Bình Dương của hãng Mỹ Vân dàn cảnh ấu trĩ và ngai ngái mùi tuồng cổ cải lương.” Cho dù vậy, giới báo chí cũng thừa nhận bộ phim có công lớn với việc phát hiện một nhan sắc tuyệt mỹ cho điện ảnh miền Nam. Tên tuổi Thẩm Thúy Hằng gắn liền với biệt danh “Người đẹp Bình Dương” từ dạo ấy.
Sau Người đẹp Bình Dương, Thẩm Thúy Hằng tiếp tục đóng vai chính trong Áo dòng đẫm máu (1958), một phim về đề tài Công giáo, diễn cùng Vân Hùng và La Thoại Tân; Oan ơi ông địa (1961) và nhiều bộ phim khác… Hầu hết đều là những phim về đề tài đức tin hoặc cổ tích dân gian, vốn là xu hướng của điện ảnh Sài Gòn những năm cuối thập niên 1950, đầu 1960.
Khả năng của bà chỉ thật sự tỏa sáng với Tơ tình, phim do đạo diễn Lê Mộng Hoàng dựng từ kịch bản của Năm Châu, do hãng Mỹ Vân sản xuất năm 1963. Tơ tình có sự tham gia của La Thoại Tân, Mai Ly và ca sĩ Thanh Thúy. Đây là một phim về âm nhạc; Thẩm Thúy Hằng trong vai Lệ Trinh, một nữ ca sĩ có số phận truân chuyên. Sau thành công doanh thu của Tơ tình, hãng Mỹ Vân làm tiếp phim Bóng người đi (1964) do Năm Châu đạo diễn. Thẩm Thúy Hằng đóng chính bên cạnh hai tài tử cải lương Thành Được và Út Bạch Lan.
___________
Một thập niên hoàng kim
Thời vàng son của Thẩm Thúy Hằng kéo dài suốt từ 1965-1975. Đó là giai đoạn mà bà đóng liên tiếp hàng chục bộ phim, có hãng phim riêng (Việt Nam Film) và cho ra đời nhiều phim tâm lý lãng mạn thành công lớn về doanh thu như Chiều kỷ niệm (một trong những phim ăn khách nhất của điện ảnh miền Nam), Từ Sài Gòn đến Điện Biên Phủ, Như hạt mưa sa, Nàng, Ngậm ngùi, Sóng tình, Tứ quái Sài Gòn, Năm vua hề về làng, Điệp vụ tìm vàng, Giỡn mặt tử thần (một trong những phim cuối cùng của điện ảnh miền Nam trước 1975).
Hai đạo diễn mà Thẩm Thúy Hằng hợp tác thành công nhất là Lê Mộng Hoàng và Bùi Sơn Duân với thể loại lãng mạn kể về những phụ nữ đẹp có cuộc đời phong ba bão táp. Với Bùi Sơn Duân, Thẩm Thúy Hằng cộng tác trong phim Như hạt mưa sa, chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Ngọc Linh, đóng chung với tài tử Trần Quang và Bạch Tuyết. Trong phim này, một mình Thẩm Thúy Hằng đóng hai vai chị em sinh đôi với tính cách trái ngược và dẫn đến nhầm lẫn cùng những bi kịch éo le với chàng họa sỹ Thuyên (Trần Quang đóng).
Còn với Lê Mộng Hoàng, đạo diễn người Huế được đào tạo điện ảnh bài bản tại Pháp, Thẩm Thúy Hằng đã có những bộ phim thành công nhất trong sự nghiệp của bà. Thẩm Thúy Hằng cũng là người bỏ vốn cho những bộ phim do hãng phim Việt Nam Film của bà sản xuất.
Xét về doanh thu, Chiều kỷ niệm là phim thành công nhất của bộ đôi Lê Mộng Hoàng-Thẩm Thúy Hằng. Cùng với Loan mắt nhung của đạo diễn Lê Dân, Chiều kỷ niệm là bộ phim làm vực dậy nền điện ảnh miền Nam. Theo đạo diễn Đỗ Tiến Đức, người giữ chức Giám đốc tại Nha Điện ảnh Sài Gòn từ năm 1969-1972 thì vào năm 1969, Chiều kỷ niệm đã đạt doanh thu kỷ lục, số tiền thu vào có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Thẩm Thúy Hằng với Trần Văn Trạch và Thanh Nga.
Nàng là bộ phim tâm lý xã hội thành công tiếp theo của đạo diễn Lê Mộng Hoàng và minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Phim dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, kể về cuộc đời một cô gái mồ côi sống ở trại tế bần rồi sau đó đi làm người ở cho một gia đình giàu có. Khi bị ông chủ nhà sàm sỡ, nàng lại ra đi, gặp hết bi kịch này đến bi kịch khác nhưng cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc… Phim này có sự góp mặt của La Thoại Tân, Trần Quang, Cao Huỳnh. Cho dù bị báo giới bấy giờ chỉ trích Thẩm Thúy Hằng “dành hết đất diễn”, Nàng vẫn thành công vang dội, được mang đi tranh giải tại Đại hội điện ảnh Á châu tại Đài Loan năm 1971 và mang về cho Thẩm Thúy Hằng giải Nữ diễn viên chính xuất sắc.
Trong một lần gặp tài tử Trần Quang tại Texas khi tôi thực hiện cuốn khảo cứu về điện ảnh Sài Gòn trước 1975, tôi nghe Trần Quang nói về Thẩm Thúy Hằng với những ký ức đẹp: “Nàng quá đẹp, một nhan sắc khiến người diễn cùng khó cầm được lòng mình. Lúc đóng vai họa sĩ Thuyên trong Như hạt mưa sa, Thẩm Thúy Hằng đã là một ngôi sao nổi tiếng, còn tôi mới chỉ bắt đầu bước vào điện ảnh; nhưng chúng tôi diễn rất ăn ý”. Còn kỳ nữ Kim Cương, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tôi, cũng cho biết những hiểu lầm giữa bà và Thẩm Thúy Hằng một thời sóng gió dư luận trước 1975 đều do báo chí “giật dây” câu khách. Về sau, hai bà đều giữ mối thâm tình, ngay cả sau 1975 khi họ cùng làm việc trên sân khấu thoại kịch.
___________
Ký giả Hồ Trường An nói thêm: “Nếu điện ảnh gia Âu Mỹ chuộng nhan sắc của Kiều Chinh thì dân Á châu nói chung, dân Đài Bắc nói riêng lại chuộng khuôn mặt kết hợp bằng những nét cong mềm mại của Thẩm Thúy Hằng. Cô hao hao giống minh tinh thượng thặng Lý Lệ Hoa ở Hương Cảng từng sáng chói hồi thập niên 1950, 1960.”
Trong những năm cuối cùng của điện ảnh Sài Gòn, Thẩm Thúy Hằng làm mới hình ảnh của mình qua phim hài hoặc kinh dị, trong đó có Tứ quái Sài Gòn và Giỡn mặt tử thần. Tứ quái Sài Gòn có sự góp mặt của bốn diễn viên hài nổi tiếng thời đó là La Thoại Tân, Thanh Việt, Tùng Lâm và Khả Năng. Thẩm Thúy Hằng vẫn say mê làm việc cho đến những tháng cuối cùng trước Tháng Tư 1975. Một tờ báo Sài Gòn phát hành ngày 21 Tháng Ba 1975 vẫn đăng quảng cáo “sắp ra mắt” bộ phim hài Chàng ngốc gặp hên với sự góp mặt của Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Văn Chung, Thanh Việt…
Như hạt mưa sa…
Trong suốt nhiều thập niên, Thẩm Thúy Hằng đã làm say mê công chúng với vô số giai thoại thêu dệt xung quanh nhan sắc tuyệt mỹ và vị thế ngôi sao hàng đầu của mình. Bà được xem là một trong “Tứ đại mỹ nhân” của điện ảnh Sài Gòn xưa. “Thời đó người ta hay đùa ở Sài Gòn có Tứ đại mỹ nhân là Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga và Kim Cương. Đẹp thì chắc chắn không ai đẹp hơn Thẩm Thúy Hằng đâu. Kiều Chinh thì đẹp kiểu sang trọng. Thanh Nga thì trẻ trung, phúc hậu. Nếu so trong tứ đại mỹ nhân thì tôi… xấu nhất.” – nghệ sĩ Kim Cương tự nhận.
Tứ đại mỹ nhân
Tương tự Kiều Chinh, Thẩm Thúy Hằng cũng nhiều lần đại diện điện ảnh miền Nam dự các đại hội điện ảnh Á Châu tổ chức ở Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Bà cũng là nữ tài tử đóng chung với nhiều ngôi sao ngoại quốc nhất. Nếu Kiều Chinh đóng chung với các ngôi sao Hollywood nhờ khả năng tiếng Anh thì Thẩm Thúy Hằng thường diễn xuất chung với các ngôi sao châu Á như Văn Đào (Đài Loan); Địch Long, Khương Đại Vệ, Lý Lệ Hoa, Trịnh Phối Phối (Hong Kong)…
Bộ phim hợp tác thành công nhất của Thẩm Thúy Hằng là Sóng tình (1972), đóng cạnh nam tài tử Văn Đào (Wen Tao) của Đài Loan. Thẩm Thúy Hằng đã hai lần đoạt giải Diễn viên xuất sắc tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức tại Đài Bắc, Ảnh hậu tại Đại hội Điện ảnh Á Châu tổ chức tại Hong Kong (1972, 1974)…
Sau 1975, cuộc đời và sự nghiệp của Tứ đại mỹ nhân mỗi người một phận số. Thanh Nga qua đời trong một vụ ám sát gây chấn động. Kiều Chinh tị nạn ở Canada rồi sang Mỹ làm lại sự nghiệp điện ảnh. Kim Cương và Thẩm Thúy Hằng ở lại Sài Gòn và tiếp tục hoạt động nghệ thuật, từ sân khấu đến điện ảnh. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Thẩm Thúy Hằng lặng lẽ rời xa thế giới phù hoa và lui về ở ẩn, tu tập và ăn chay trường. Bà chỉ giữ mối quan hệ với vài người bạn thân thiết…
Lâm Lê
Nguồn: Saigonnhonews