Tuesday, October 29, 2024

VÌ SAO ĐÔI LÚC TA QUÊN BÉNG MÌNH ĐỊNH NÓI GÌ?

Khi não phải thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc, thi thoảng ta sẽ quên mất những gì mình định nói.

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

“Ủa mình định nói gì ấy nhỉ?” - chắc bạn đã không ít lần rơi vào cảnh ngộ này, khi tự nhiên quên mất những gì bạn muốn nói ngay thời điểm chuẩn bị nói nó ra. Nhiều khi bạn còn gặp chuyện này dù đã chuẩn bị rất kỹ nội dung định nói, khiến cuộc hội thoại rơi vào một khoảng lặng đầy bối rối.

Nếu để ý, bạn sẽ thấy điều này thường xảy ra khi chúng ta đang nghĩ đến nhiều việc một lúc, hoặc vừa nghĩ điều định nói trong khi đang làm việc khác. Nguyên nhân do não bộ đang cố gắng thực hiện “nhiệm vụ kép” (dual-tasking) với một mức năng lượng có hạn.

Năng lượng nhận thức của não bộ có hạn

Thực ra não bộ “làm việc đa nhiệm” khá thường xuyên mà chúng ta không để ý. Điển hình là những lúc ta vừa nói chuyện điện thoại vừa qua đường, hoặc vừa bấm điện thoại vừa đi lại quanh phòng.

Việc nói chuyện cũng là một “nhiệm vụ kép” tương tự. Chẳng hạn ta đang nói, nhưng đồng thời cũng suy nghĩ về những gì mình sẽ nói tiếp theo. Hoặc ta vừa nghe người khác nói, lại vừa chuẩn bị những gì mình muốn nói để đáp lại.

Tuy nhiên năng lượng nhận thức của não bộ có hạn, và đôi lúc nó không thể xử lý được hai nhiệm vụ cùng lúc. Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng não bộ giống như một nhà máy phát điện cho nhiều thành phố khác nhau. Nếu một thành phố đang cần bật nhiều đèn điện, các thành phố khác sẽ có ít điện hơn và dễ bị mất điện.

Tương tự, khi năng lượng của não chảy tập trung về một nơi, thì những nơi khác sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Trong trường hợp bạn mải nghe người khác đến nỗi quên bản thân định nói gì, thì não bạn đang tập trung năng lượng cho hoạt động nghe. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở người có xu hướng thích giao tiếp bằng văn bản (như nhắn tin, email) hơn là giao tiếp nói. Vì giao tiếp văn bản có nhiều thời gian và ít áp lực để chuẩn bị nội dung hơn, nên khi phải giao tiếp nói, họ gặp nhiều khó khăn hơn do phải thực hiện “nhiệm vụ kép”.

Việc vừa nghe người khác nói, vừa chuẩn bị điều mình định nói tiêu tốn nhiều năng lượng nhận thức hơn bạn nghĩ.

Khi ngày một thành thạo các kỹ năng, ta sẽ không cần quá nhiều năng lượng nhận thức để hoàn thành nhiệm vụ kép. Đây cũng là lý do trẻ em thường không giỏi làm việc đa nhiệm như người lớn, vì dung lượng não của chúng nhỏ hơn nhiều so với người lớn.

Não bị “đóng băng” trước căng thẳng

Nếu bạn đang thuyết trình trước đám đông và quên mất những gì định nói, rất có thể não bạn đã “đóng băng” (brain freeze). Theo chuyên gia thần kinh Michael DeGeorgia, đây là phản ứng thường thấy của thùy trước trán (frontal lobe) - cơ quan chuyên sắp xếp trí nhớ, đồng thời nhạy cảm với sự lo âu.

Trong nhiều trường hợp, não bộ ghi nhận thuyết trình là tình huống khiến ta dễ bị phán xét và từ chối. Điều này khiến hormone gây căng thẳng cortisol tăng cao, làm thùy trước trán “tắt nguồn” và ngắt kết nối với phần còn lại của não. Hệ quả là chúng ta gặp khó khăn trong việc tìm lại những ký ức đã “cất giữ” trong não trước đó, dẫn đến sự đãng trí nhất thời khi thuyết trình.

Ở các cuộc trò chuyện căng thẳng (chẳng hạn lúc cãi nhau), ta cũng thường quên những gì mình định nói. Nguyên nhân do hạch hạnh nhân não nhận diện đó là tình huống sống còn (dù thực tế không phải, nhưng não không phân biệt được điều này), từ đó kích hoạt phản ứng chiến hay chạy (fight-or-flight mode).

Đi kèm với đó là lượng adrenaline rất lớn giúp ta tăng cường dũng khí để cãi lại đối phương, nhưng cũng khiến ta mất tập trung và quên mất những gì đang làm. Vì vậy mà sau khi bình tĩnh nghiệm lại, ta lại vô tình nhớ ra những lý lẽ sắc bén mà đáng nhẽ ta có thể dùng để “vặn” đối phương khi đó.

Làm gì khi “đãng trí” lúc đang nói?

Việc chúng ta thi thoảng quên mất những gì định nói là hoàn toàn bình thường. Nhưng đôi khi do áp lực thời gian hoặc hoàn cảnh, sự đãng trí này có thể gây ra một chút căng thẳng.

Sự đãng trí khi đang nói có thể gây căng thẳng nếu có áp lực thời gian hoặc hoàn cảnh.

Trong những lúc như vậy, bạn thử hít một hơi thật sâu hoặc nói với người nghe cho bạn 1-2 phút để nhớ lại. Khi giải phóng được não bộ khỏi áp lực nhiệm vụ kép, nó sẽ có thời gian hồi tưởng và sắp xếp lại thông tin. Nếu đó là một cuộc hội thoại có nhiều người tham gia, bạn có thể hỏi những người khác xem cuộc trò chuyện đang đi đến đâu, từ đó nhớ ra những gì mình định nói.

Khi đang thuyết trình, bạn có thể áp dụng nhanh những biện pháp chống căng thẳng như tương tác mắt với ai có phản ứng tích cực, tạo ra một trò đùa hoặc tùy cơ ứng biến. Bài diễn văn “Tôi có một giấc mơ” nổi tiếng bậc nhất lịch sử của Martin Luther King Jr. hoàn toàn được ứng tác chứ không có trong bản thảo soạn sẵn.

Tuy nhiên khi hiện tượng đãng trí xảy ra thường xuyên và lặp lại gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, rất có thể đó là biểu hiện của bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ (dementia). Trong trường hợp này, bạn cần theo dõi triệu chứng để kịp thời đi khám và có biện pháp điều trị thích hợp.

Hiền Lê / Theo: vietcetera