Hôm nay đi ngang tiệm bán DVD phim HK và TQ, ghé vào tìm xem có bộ "Sở Hán Truyền Kỳ" (楚漢傳奇) phiên bản tiếng Quảng Đông hay không ? Phim đang chiếu trên TVB-HK nhưng cả tuần nay xem không được vì Úc đổi giờ. Lúc trước phim chiếu 2-3 giờ sáng nhưng bây giờ đổi thành 3-4 giờ sáng nên không dám thức khuya quá. Không có bộ này nhưng lại kiếm được một bộ phim cũ "Cửu Ngũ Chí Tôn" (九五至尊 The King of Yesterday and Tomorrow) nên mua về coi lại.
Đây là bộ phim chế từ dã sử vể cuộc đời của vua Ung Chính (雍正) nhà Thanh. Ông vua chết mà nghe nói dường như mất xác hay không đẩu gì đó nhưng toàn là truyền thuyết và cho đến nay chưa ai biết hay khám phá mà chỉ là đoán mò.
Nói đến triều đại nhà Mãn Thanh, ba ông vua được sử sách, truyền thuyết nói đến nhiều nhất là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Vua Ung Chính chết bất đắc kỳ tử nên chuyện liên quan đến ông ta được thêu dệt nhiều nhất từ tiểu thuyết đến phim ảnh có cả chục bộ từ trước đến nay. Nhiều nhất là phim về Lã Tứ Nương (吕四娘), Cửu Ngũ Chí Tôn (九五至尊), Cung Tỏa Tâm Ngọc (宮鎖心玉),...
Bây giờ mời các bạn đọc để biết đôi chút về chuyện này (LKH):
CÁI CHẾT NHIỀU "OAN KHIÊN"
Trong 10 hoàng đế triều Thanh vào lập đô ở Bắc Kinh – Trung Quốc, hầu hết đều băng hà vào cuối Đông và đầu Xuân. Trong đó, cái chết của hai hoàng đế Ung Chính và Quang Tự gây cho hậu thế nhiều tranh luận nhất nhưng mới đây cũng đã được giải mã.
CÁI CHẾT NHIỀU "OAN KHIÊN"
Trong 10 hoàng đế triều Thanh vào lập đô ở Bắc Kinh – Trung Quốc, hầu hết đều băng hà vào cuối Đông và đầu Xuân. Trong đó, cái chết của hai hoàng đế Ung Chính và Quang Tự gây cho hậu thế nhiều tranh luận nhất nhưng mới đây cũng đã được giải mã.
Thanh Tây Lăng ở huyện Dịch, Hà Bắc Trung Quốc là lăng mộ hoàng đế Ung Chính (1677-1735), hoàng đế thứ tư của triều Thanh. Nếu việc lên ngôi của vị hoàng đế này để lại biết bao bí ẩn thì cái chết bất ngờ của ông lại càng thêm ly kỳ.
Mới đây, học giả Kim Hằng Nguyên, người Mãn, vốn dòng dõi hoàng tộc Thanh triều, đã bỏ nhiều năm nghiên cứu, đối chiếu tư liệu để lý giải cái chết của cụ tổ mình. Kết quả khẳng định Ung Chính đột tử do lạm dụng đan dược.
Lưu truyền nhiều truyền thuyết
Theo Ung Chính triều khởi cư chú sách, tình trạng của Ung Chính trước khi chết như sau: Ngày 18-8 năm Ung Chính thứ 13 (1735, lúc ấy Ung Chính 58 tuổi), vua cùng đại thần bàn việc. Ngày 20, vua triệu kiến các quan địa phương ở Ninh Cổ Tháp.
Ngày 21, Ung Chính vẫn làm việc bình thường, chứng tỏ sức khỏe vua vẫn còn tốt. Tuy nhiên, ngày 22, Ung Chính phát bệnh. Ngay tối đó, khi các đại thần được triệu cấp tốc vào cung thì Ung Chính đã rất mệt, tuyên chỉ truyền ngôi cho Càn Long. Đến sáng hôm sau, vua qua đời, tình trạng lúc chết là “thất khổng lưu huyết”.
Do Ung Chính qua đời bất ngờ, sử chép lại đơn giản không nói rõ nguyên nhân khiến trong dân gian lưu truyền rất nhiều truyền thuyết. Thuyết lưu truyền rộng rãi nhất là nữ hiệp Lã Tứ Nương giết Ung Chính báo thù cho ông và cha đã bị vua giết vì án “văn tự ngục”.
Tuy nhiên, người ta lại ít chú ý đến những chi tiết rời rạc nhưng rất đắt giá được chép trong Thanh sử cảo để lý giải cái chết của Ung Chính, như: nuôi nhiều đạo sĩ trong cung, ham thích đan dược, khi chết thì 7 lỗ đều xuất huyết...
Học giả Kim Hằng Nguyên khẳng định thuật luyện đan của Đạo giáo liên quan mật thiết với cái chết của hoàng đế Ung Chính. Từ xưa, những bậc đế vương ảo tưởng trường sinh bất tử đều bị mê hoặc bởi đan dược.
Tìm kiếm đạo sĩ, danh y
Ung Chính vốn ham mê thuật luyện đan của Đạo giáo từ khi còn là hoàng tử. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Ung Chính rất tôn sùng tổ sư phái Kim đan Nam Tông Trương Bá Đoan, phong Trương là “Đại Từ viên thông thần tiên Tử Dương chân nhân”, cho xây đền thờ tại đạo quán ở quê Trương. Theo Tử Dương đạo quán bi văn, Ung Chính rất tán thưởng “Trương chân nhân” đã “phát hiện ra sự mật yếu của kim đan”.
Từ năm Ung Chính thứ 4 (1726), Ung Chính thường uống một loại đan dược có tên là “Ký tế đan”, cảm thấy rất công hiệu, khỏe mạnh, sáng suốt, sinh lực bền bỉ. Ung Chính còn ưu ái tặng thuốc này cho những đại thần.
Mùa Xuân năm Ung Chính thứ 8 (1730), Ung Chính mắc bệnh nặng, lệnh cho bá quan tìm kiếm các danh y và đạo sĩ tài giỏi trong thiên hạ vào cung trị bệnh cho mình.
Bản dụ của hoàng đế gửi đi cho các đại thần có nội dung: “Phải lưu tâm tìm hỏi các danh y giỏi nội ngoại khoa cùng những người thông hiểu thuật tu dưỡng tính mệnh hoặc đạo sĩ hoặc tục gia nho sĩ hiểu đạo. Hãy hết lòng vì trẫm mà cầu, chớ nệ khó khăn, như cử người không xứng đáng trẫm cũng không trách, tự có cách dùng...”.
Hiện nay, vẫn còn 15 bản dụ giống hệt nhau, đều do chính hoàng đế dùng châu sa ngự bút, lời lẽ khẩn thiết, chứng tỏ Ung Chính đặc biệt coi trọng việc này.
Bản dụ vừa gửi đi, rất nhanh, tuần phủ Tứ Xuyên là Hiến Đức viết tấu về báo đất ấy có người tên là Cung Luân mà mọi người đều gọi là Cung tiên nhân, có thuật trường sinh, 86 tuổi mà như thiếu niên, vợ còn sinh được con trai.
Ung Chính lập tức lệnh triệu về cung nhưng sứ đến nơi thì “Cung tiên nhân” đã vừa tạ thế. Ung Chính rất tiếc, lại lệnh cho Hiến Đức điều tra xem các con của Cung tiên nhân có học được “bí truyền” gì từ phụ thân hay không nhưng họ đều nói “chưa từng nghe cha nói gì”.
Vụ án Giả Sĩ Phương
Ngày thứ hai tiếp dụ, Lý Vệ, tổng đốc Triết Giang, đã tấu về báo với Ung Chính rằng ở Hà Nam có vị đạo sĩ phiêu du khắp nơi, tên là Giả Sĩ Phương, ai cũng gọi là “thần tiên”, danh tiếng lẫy lừng. Ung Chính mừng rỡ, lập tức lệnh cho tổng đốc Điền Văn Kính đến mời Giả Sĩ Phương vào cung chữa bệnh cho mình.
Tháng 7 năm Ung Chính thứ 8 (1730), Sĩ Phương nhập cung. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Ung Chính đã giảm hẳn bệnh, đến tháng 9 thì hoàn toàn bình phục. Ung Chính hậu thưởng cho Lý Vệ có công tiến cử, còn Giả Sĩ Phương từ một đạo sĩ dân dã được hoàng đế sủng ái trở thành “dị nhân”, danh tiếng lẫy lừng, mặc sức hưởng vinh hoa.
Tuy nhiên, “gần vua như gần hổ”! Chỉ hơn một tháng sau, Ung Chính đột nhiên hạ lệnh giam đạo sĩ Giả Sĩ Phương vào ngục. Chỉ dụ nói rất rõ: Giả Sĩ Phương dùng “án ma chi thuật” (phép xoa bóp), “mật chú chi pháp” (bùa chú), khiến cho lúc đầu rất là hiệu nghiệm nhưng “một tháng sau, trẫm tuy đã khỏi bệnh mà mỗi khi ăn uống, nằm ngồi, hắn muốn trẫm an thì an, muốn bất an là thấy bất an.
Sự an và bất an của trẫm, hắn đã nắm cả trong tay, trẫm muốn ra cũng không được”. Ung Chính kết tội “Giả dị nhân” là “dám đem thuật yêu tà mà mê hoặc trẫm”. Giả Sĩ Phương lập tức nhận án chém đầu.
Tuy đã chém đầu Giả Sĩ Phương nhưng Ung Chính vẫn rất tín nhiệm các đạo sĩ, bản thân cũng tham gia các hoạt động Đạo giáo cho đến chết. Trong hoàng cung, Ung Chính cho xây điện Khâm An dành riêng cho Đạo giáo hoạt động. Ngoài ra, vua còn thường thỉnh các đạo sĩ lập đàn, vẽ bùa, cầu sao, giải hạn, trị bệnh đuổi tà... ở các cung điện chính.
Tại Viện Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh ngày nay còn thấy chiếc áo bào Đạo giáo mà Ung Chính mặc năm xưa. Số đạo sĩ trong cung rất đông, phương thuật khác nhau, chia thành nhiều phái để luyện đan, bùa chú...
Sau khi Ung Chính băng hà 3 ngày, hoàng đế Càn Long đã lập tức ra lệnh trục xuất tất cả đạo sĩ ra khỏi cung. Điều này một lần nữa chứng tỏ cái chết của Ung Chính có liên quan đến Đạo giáo, nhất là do đan dược.
(Sưu tầm trên mạng)