Lần đi Hạ Long cuối năm 2013, mình có thấy qua môt loại cua với 2 cái càng thật lớn trông giống như con cua đồng miền Nam nhưng thân nó chỉ lớn hơn đôi chút nên chỉ thoáng qua rồi thôi chỉ có suy nghĩ vui vui so sánh con Yabby Úc với con Lobster Mỹ, 2 con giống nhau có đôi càng lớn quá khổ, con Úc nhỏ, con Mỹ lớn, vậy thôi.
Bên Úc, cua ngon lắm, đúng mùa thì rẻ 20-25 đô 1 ký, cuối mùa như bây giờ thì hơn 50 đô 1 ký, có loại King Crab con nhỏ cũng vài ký 1 con, con lớn 5-10 ký là chuyện thường, ngoài ra con có loại cua vỏ trắng gọi là cua tuyết hay cua Nam cực, loại cua này thịt cũng được thôi nhưng gạch cua lại thơm và không béo quá như cua biển.
Trên trang mạng Saigon ẩm thực giới thiệu con cù kỳ, đây là lần đầu được nghe qua không biết là loại gì, tới lúc nhìn hình chụp thì ra là con cua với 2 cái càng lớn mà mình có dịp nhìn thấy ở Hạ Long. Trang mạng quảng cáo ngon lắm, ngọt lắm. Nếu có chứng thực mình sẽ đi Hạ Long lần nữa rồi ghé Quảng Ninh để thử qua món này.
NGON LẠ KỲ NHƯ CON CÙ KỲ
Con cù kỳ chỉ có phần thịt ở hai bên càng, phần thân xốp hầu như không có gì đặc sắc. Thế nhưng nhờ thịt ngon, ngọt nên rất được ưa chuộng.
Nếu bạn đến Quảng Ninh mà không biết con cù kỳ thì thật đáng tiếc. Cù kỳ cùng họ với cua, có nơi còn gọi cù kỳ là cua đá hay con cùm vùm.
Cù kỳ Quảng Ninh ngon nổi tiếng cả nước. Độ ngon ngọt thịt của cù kỳ kém hơn cua một chút, phần thịt cù kỳ cũng ít hơn nhưng nhiều nhiều người vẫn thích chọn ăn cù kỳ. Đặc biệt nếu so sánh cù kỳ và ghẹ, cù kỳ vẫn xếp hàng trên.
Cù kỳ đã cắp (kẹp) ai thì cắp rất đau. Người ta còn truyền tai nhau giai thoại, con cù kỳ chỉ buông đối thủ khi có tiếng sấm buông. Sự tích này phải chăng cũng liên quan đến cái tên tiếng Anh của cù kỳ, "thunder crab", nghĩa là cua sấm?
Cù kỳ có thể hấp, nướng, sốt me hay làm ra một món bún ngon nổi tiếng ở Quảng Ninh, bún cù kỳ. Cù kỳ còn đang tươi sống, bò lổm ngổm trong chậu nước, lựa con chắc khỏe, có thể hấp cù kỳ thông thường hoặc cho một chút bia. Thịt cù kỳ hấp đem chấm muối tiêu ăn ngon quên sầu.
Cù kỳ nướng trên than hồng đỏ rực cho đến khi phần càng nứt ra. Con cù kỳ thơm nức mũi, khiến những vị khách không ở gần biển phải thắc thỏm lạ lùng, con gì như cua mà không phải là cua? Thịt cù kỳ trắng hồng, thơm phức, chấm với muối tiêu vắt chanh hay tương ớt ăn đều nhớ đời.
Tưởng tượng một ngày trời hè lộng gió, bạn đến bất kỳ một quán bia nào bên đường bao biển Hạ Long, gọi một đĩa cù kỳ nướng, thêm đĩa rau thơm và chút ớt tươi bên cạnh. Gió thì mát, bia cũng mát và món cù kỳ nướng chợt trở thành một thứ mồi nhậu hấp dẫn khó chối từ.
Tôi cũng thích bún cù kỳ không kém những món ngon từ con cù kỳ kể trên. Nước dùng để nấu bún từ xương, tôm nõn khô. Thịt cù kỳ từ phần càng được gỡ ra, xào thơm với hành tỏi, gia vị và nước mắm.
Bún sợi trắng tinh tươm, chan nước dùng nấu thơm lừng với cà chua, dọc mùng (đọt bạc hà), thêm thịt cù kỳ xào mềm, hành lá, rau răm, mùi tàu (ngò gai), thế là bún cù kỳ đã sẵn sàng chinh phục bất cứ ai lần đầu nếm thử.
Bún cù kỳ hay được bán cùng bún bề bề (tôm tít), bún tôm. Ở những quán bún hải sản phong phú ở Quảng Ninh, nếu có dịp hãy thử gọi một tô bún thập cẩm, trong đó có cả những miếng thịt cù kỳ trắng bóc, thơm nức mũi, những con bề bề đã được lột vỏ trắng hồng, cùng những con tôm nõn vàng rực ăn ngọt lừ, chắc nịch.
Chao ôi, húp một chút nước đã thấy vị ngọt của hải sản không thể nhầm lẫn! Vắt thêm ít chanh, cho thêm lát ớt, nhúng thêm vài lá rau thơm, tô bún hải sản này sẽ là dấu ấn đặc biệt làm bạn muốn quên Quảng Ninh cũng khó.
Thúy Hằng
(theo Saigon Ẩm Thực)
No comments:
Post a Comment