Thursday, October 6, 2016

CẢM NGHĨ CỦA TUỔI GIÀ

Sinh, lão, bệnh, tử!
Ðời là vô thường.


Những ai muốn sống lâu thì phải già chứ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái gì ú ép. Cái vui sướng đầu tiên của già là biết mình già, nhìn thấy mình già như trái chín cây, tưởng tượng mình đang chín trên cây.

Nhiều người từ chối già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi. Người già như trái cây ương đỏ, mềm mại, thơm tho mà cứ ráng căng cứng, xanh lè thì coi không được. Mỗi ngày mình nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những mái tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ xơ xác… nhìn mà không khỏi buồn cười! Quan sát nhìn ngắm như vậy, chúng ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già xồng xộc nó thì theo sau”!


Có lẽ nữ sĩ lúc đó vào lứa tuổi 40? Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Tuổi 70, “Thất thập cổ lai hy” thì mới gọi là bắt đầu già (?). Nếu trong tương lai, thời đại khoa học, kỹ thuật tiên tiến, đời sống vật chất đầy đủ con người có thể sống trên 100 tuổi? Thì từ 70 đến 80 lại là đẹp nhất. Tuy nói vậy, thực tế già thì cũng khổ, khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn – khổ dễ nhận ra, còn sướng thì khó biết! Một người luôn luôn cảm thấy mình sướng thì không khéo người ta nghi ngờ nó có vấn đề… tâm thần!

Sự sống con người có thể, sống theo công thức ước tính: 5 năm, 6 tháng, 7 ngày. Nghĩa là ở tuổi đời 5 bó (50) tuổi thọ tính theo năm đến 6 bó (60) tính theo tháng, mà 7 bó (70) thì tính theo ngày, đã 8 bó (80) chắc phải tính theo giờ quá!

Nói chung, người già có 3 nỗi khổ thường gặp nhất nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc.”



(*) Thứ nhất là thiếu bạn bè!

Theo thời gian nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần. Thiếu bạn dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên thấy cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng rồi tủi thân. Lúc nào cũng đang như:

“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trong ngày tháng dần qua”!

Người già chỉ sảng khoái khi được gần gũi với ai đó tâm đắc hiệp ý với mình, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Nếu gặp được bạn tâm giao thì quả một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể kê toa cho họ mua được! Có một số nước tân tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những bạn già cùng sở thích, cùng tánh khí có dịp làm quen với nhau. Người ta tự giới thiệu mình trên mục tìm bạn bốn phương để kết bạn.


Tao ở nhà tau, tao nhớ mi,
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Ðến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi được,
Làm được tao làm đã lắm khi…
(Nguyễn Công Trứ)

Những người già nên học và sử dụng vi tính để có thể “chát,” “email” với nhau, chia sẻ tâm tình, biết tin tức khắp nơi, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tỏ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, hàn huyên tâm sự, khen ngợi hoặc chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp tranh cãi với nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ được kích thích tố làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái. Hoặc cùng chọn với nhau một nơi có không khí trong lành, hoa cỏ thie6n nhiên như tại các công viên, mang thức ăn theo yêu cầu, gợi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa… Tùy theo sự tín ngưỡng của mình đến nhà thờ hoặc chùa vào dịp cuối tuần để nghe giảng kinh hoặc nghe thuyết pháp, cùng ăn bữa cơm chay đạm bạc, cho tâm hồn được lắng động tin tưởng vào tâm linh để chuyển hóa phần nào trong cuộc sống vật chất, tranh chấp, hận thù.


-Ðức Phật dạy: “Oán không bao giờ diệt được oán, chỉ có tình thương yêu mới diệt được oán.”

-Khổng tử từng nói: “Ðừng chỉ trích mái nhà hàng xóm nhiều tuyết, trong khi cửa nhà mình không sạch,” hay “Ngay cả Chúa Trời còn không xét đoán được một người cho đến phút cuối cùng của cuộc đời họ.”

-Tác giả Dale Carnegie viết: “Những người bạn gặp nhau trên đường đời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Dù tốt hay xấu, họ cũng tặng bạn những kinh nghiệm sống hết sức tuyệt vời. Chính vì thế, đừng nên lên án chỉ trích hay than phiền ai cả. Thậm chí có ai đó làm tổn thương bạn, phản bội bạn hay lợi dụng lòng tốt của bạn thì xin hãy cứ tha thứ cho họ. Bởi vì thế, chính nhờ họ mà bạn học được trong cuộc sống ở đời, học được cách khoan dung. Dĩ nhiên chỉ trích một người là việc làm không khó, vượt lên trên sự phán xét ấy để cư xử rộng lượng, vị tha là điều tự hào.”


Ðừng bao giờ:

“Miệng thì niệm chữ Nam Mô
Mà Tâm thì chứa cả Bồ Dao Găm”

Cứ nhớ: “Chó sủa mặc chó đoàn lữ hành vẫn đi” của chính trị gia Pháp Joseph Calliaux “Le Chien Aboie, la caravane passe.”

(*) Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn


Thực vậy, ăn không phải là nuốt, là xực, là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử. Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức, ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt.


Nhưng người già thiếu ăn, thiếu năng lượng, phần lớn, ăn kiêng quá đáng. Bác sĩ lại hay lưu ý làm cho họ sợ thêm. Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của bao tử.

“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Ðói đến thì ăn, mệt ngủ liền…”
(Trần Nhân Tông)

Hãy nghe sự mách bảo của cơ thể mình. Có thể nói thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa (!)chuyện của ngàn năm, đâu phải ăn một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gần với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn kỳ cục, không sao! Ðừng ép! Miễn đủ 4 nhóm: bột, đạm, dầu, rau… mắm, tương, chao… thỉnh thoảng ăn thì cũng được. Miễn đừng quá ngọt, quá mặn là được.


Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái trong bữa ăn gia đình. Con cháu hiếu thảo đừng quá lo, khắc khe với các cụ như bảo ăn thứ này, không nên ăn thứ đó. Men tiêu hóa có thể tiết ra từ tâm hồn chứ không chỉ từ bao tử.

(*) Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động!

Già thì hai chân trở nên nặng nề như mọc dài hơn, gần như không điều khiển được nữa! Các khớp xương cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, giòn tan, dễ vỡ, dễ gãy! Ấy cũng bởi cả một thờ trai trẻ đã: “đi loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Cần phải vận động nhẹ do sự hướng dẫn của Bác sĩ với các động tác nhẹ nhàng, không nên ráng quá sức. Hàng ngày nên đi tập thể dục phải từ từ và đều.

Ngày xưa người ta đi săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV, computer! Có một nguyên tắc “cái gì không xài thì teo.” Thời đại bây giờ người ta thường xài cái đầu nhiều quá nên “đầu thì to mà đít thì teo.” Thật là đáng tiếc!


Có thể tập tại các trung tâm thể dục, trị liệu, hoặc tập tại nhà. Ði bộ vòng vòng tại sân nhà, trong phòng cũng được, hoặc ngoài đường nếu trời ấm áp. Tập cho mình thôi, từ từ đều đều và thường xuyên. Ðến lúc nào thấy ghiền bỏ tập một buổi sẽ thấy mệt và tiếc nữa… chịu không nỗi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động, chậm rãi nhẹ nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Ðúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Ðó cũng chính là “Thiền,” là “yoga” dưỡng sinh! Vận động thể lực đúng cách và ăn uống điều độ, có bổ dưỡng, kiêng cữ thì già sẽ chậm lại. Vô tư với cuộc sống, đừng vui buồn thái quá. Giảm trầm cảm, phấn chấn tự tin thì già sẽ chậm lại.

Tóm lại, giải quyết được phần nào “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà sướng vậy!


Sống thời giành giật bon chen,
Giàu sang còn muốn thòm thèm lợi danh.
Chen vai thích cánh tranh giành,
Tuổi già thoăn thoắt đến gần mới hay.
Một mai nhắm mắt xuôi tay,
Trả năm, trả tháng, trả ngày thế gian.
Rũ tay về dưới suối vàng,
Còn đâu danh vọng giàu sang trên đời.
Khuyên nhau chỉ có đôi lời,
Thành tâm thức tỉnh mới là trí nhân.


Tâm Nguyện Phan Chức/Người Việt Utah