Con người ngày càng nghiêng về chiều hướng hưởng thụ, luôn đi tìm những cảm xúc tốt từ những tiện nghi vật chất đến sự công nhận của những người chung quanh, nên chẳng còn mấy ai ý thức giữ gìn lòng thành thật. Mặc dù ai cũng biết rằng thành thật là một đức tánh tốt, và ai cũng trông mong người khác thành thật với mình, nhưng một khi bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp bất tận của cuộc sống thì người ta lại thấy lòng thành thật chính là trở ngại căn bản để đi tới sự thành công. Nhiều khi người ta còn dám tuyên bố sống giữa đời sống bây giờ mà cố giữ lòng thành thật thì đó là thái độ sống rất ngây thơ, phải khôn khéo và đầy kỹ xảo trong từng hành động mới là kẻ thức thời và dễ dàng thành đạt.
Thế rồi người ta đến với nhau bằng những màn trình diễn rất ngoạn mục, từ những lời nói trau chuốt bóng bẩy đến những hành vi lịch lãm dễ thương, miễn sao thu phục được đối phương thì dù phải nhồi nặn thêm những điều sai với sự thật ta cũng sẵn sàng. Thật khôi hài khi khán giả trung thành nhất chính là người thân yêu nhất của ta. Một ngày nào đó, ta không còn đủ năng lực để diễn xuất nữa thì lớp phấn son kia sẽ rớt xuống, đó cũng chính là lúc niềm tin yêu trong người ấy rơi rụng xuống. Dù ta có cố gắng biện minh bằng tất cả lòng thành khẩn thì cũng không thể nào đưa tâm thức người ấy trở về vị trí cũ, trừ phi người ấy có hiểu biết và tình thương lớn thì mới chấp nhận và mở lòng ra tha thứ. Nhưng vết thương vẫn còn đó, sau này ta có muốn tuyên bố điều gì quan trọng thì người ấy cũng vẫn cứ đề phòng và xét lại, họ không thể dễ dàng trao trọn niềm tin như xưa nữa.
Đành rằng cuộc sống đôi khi cũng cần sự khôn khéo, nhưng chút ít thôi, chỉ nên dùng nó trong những trường hợp đối phương chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thật, chứ không phải để tạo thêm lớp phấn son giả tạo cho mình. Song ta phải có trách nhiệm tìm cơ hội đã trình bày sự thật trở lại, đừng đợi người kia phát hiện ra thì ta sẽ mang tội danh lừa dối. Một trong những lý do khiến ta có được niềm tin vào cuộc sống là khi mỗi lời mình thốt ra đều được bên kia lắng nghe và tin tưởng. Không gì thoải mái cho bằng được sống chung với những người mà ta không cần phải dò xét hay đối phó bằng bất cứ chiêu thức nào, chỉ nhìn nhau là đã hiểu nhau rồi. Bởi lẽ muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng nhau, mà muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.
Thực tế không phải ai cũng biết trân quý lòng thành thật của mình, đó có thể là cơ hội để kẻ xấu lợi dụng. Vấn đề nằm ở chỗ là làm sao đủ sáng suốt để ta biết thể hiện lòng thành thật của mình một cách đúng đắn, đừng vì vài thất bại nhỏ nhặt trong quá khứ mà ta tập cho mình thói quen luôn che giấu sự thật như một phản xạ tự nhiên, và hình thành như một loại tính nết từ lúc nào mà chính ta cũng không hề hay biết. Rồi một lần nào đó có cơ hội quan sát những đứa trẻ nô đùa, hay những người dân quê trò chuyện huyên thuyên trên những cánh đồng, ta sẽ giật mình thảng thốt khi nhận ra mình đã đi quá xa trên con đường tranh chấp hơn thua để cái tôi hồn nhiên tinh khôi bị lạc mất. Không có cái tôi linh thiêng ấy, ta sẽ luôn nhìn đời nhìn người một cách sai lệch và bất an, rồi đổ thừa cuộc đời này chỉ là những vở tuồng mộng ảo. Mộng ảo là do chính tâm thức điên đảo của con người dệt lên, chứ đó không phải là bản chất của cuộc đời, vì cuộc đời vốn rất tươi đẹp.
(Sưu tầm trên mạng)