Sunday, January 22, 2017

CÂY SO ĐŨA

Thời trở trời như thế nào không biết nhưng Cần Thơ sau tháng 4/1975 thì biến đổi đến ngạc nhiên vì ai nấy đều theo phong trào tăng gia sản xuất. Ai cũng sợ, ai cũng muốn "show" mình là người lao động chân chính. Những việc làm nực cười nhưng thật sự. Mở trại nuôi heo, mở hợp tác xã sản xuất rượu cồn từ bã mía, về vườn trồng rau cài,...nhưng nhiều nhất vẫn là trồng "nấm mèo". Lúc đó ai cũng cố gắng làm ra vẻ "lao động là vinh quang".


Nhiều gia đình nếu có không gian trống là nghĩ ngay đến trồng "mộc nhĩ" (木耳 ) nhưng trồng mộc nhĩ thì cần phải có meo nấm và thân cây so đũa. Thời trước lúc còn học trường Nông Lâm Súc, khu thực hành nông trại của bọn tôi trồng rất nhiêu cây so đũa. Bông so đũa đối với người thành phố, người ta không quen và không biết nhiều, với tôi lúc đó hái bông so đũa, ngắt đuôi nút nút chút mật ngọt rồi liệng bỏ. Ký ức của tôi không nhiều lắm, có lẽ má tôi chỉ xào một hoặc hai lần, bông so đũa ăn nhẫn nhẫn là lạ không thể là một món ngon. Lá cây so đũa chỉ là một truyền thuyết "Xe Dê" của thời phong kiến.
Vậy đó mấy chục năm sau trở về VN, bông so đũa đã trở thành đặc sản. Bây giờ không chỉ trắng mà bông so đũa còn có màu đỏ. Thực đơn phong phú thêm với những món ăn mới. Với người VN bản xứ thì là việc thường nhưng với tôi gần 38 năm xa xứ thì là việc lạ.
Có lẽ các bạn trẻ không biết cây so đũa là gì ? Tạm giải thích:
Cây so đũa có tên khoa học Sesbania grandiflora (L) Poir, thuộc họ Đậu – Fabaceae. là loại cây dễ trồng, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng vùng ĐBSCL. Chỉ cần rải vài hạt xuống đất ẩm là vài ngày sau cây sẽ mọc lên xanh tốt.


Cây so đũa có lá kép hình lông chim, mọc so le, trồng khoảng 2 năm, cây cao từ 8 – 10 m, thân suôn thẳng. Cây ra hoa vào khoảng cuối tháng 10 và kéo dài đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau. Bông so đũa có màu trắng (hoặc đỏ) hình lưỡi liềm, không mùi. Trái so đũa suôn dài thẳng như chiếc đũa, màu xanh treo so le lơ lửng trên cành đong đưa trước gió. Có lẽ vì thế mà chúng có tên gọi là “so đũa” chăng?.
Có thể nói cây so đũa là cây đa dụng vì tất cả các bộ phận của cây đều dùng được: thân cây (dùng làm cột nhà, làm giá thể trồng nấm mèo). Riêng, bông so đũa, đối với các bà nội trợ miền Tây là nguyên liệu được ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn như: luộc (chấm với nước cá kho hay thịt kho), nấu canh chua (cá lóc, cá sặt, tôm), nhúng lẩu…
Theo các nhà khoa học, vỏ cây so đũa có chứa gôm nhựa, tanin. Lá, hoa và quả non có nhiều chất dinh dưỡng, nhất là hoa có chứa nhiều vitamin C (cao), B, muối, calcium, sắt, và các acid amin khác. Còn theo y học cổ truyền, vỏ so đũa có vị đắng, chát có tác dụng chỉ tả, trừ lỵ; hoa, lá chữa cảm cúm; nhựa vỏ cây làm thuốc săn da, rơ miệng cho trẻ sơ sinh,.v.v…
( Theo Từ điển Cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi)


Bây giờ một món ăn mới đối với tôi, có thể là quá quen thuộc với người VN, tôi muốn giới thiệu với các bạn. (LKH)

VỀ MIỀN TÂY NHỚ ĂN CANH CHUA TÔM BÔNG SO ĐŨA
Tôi còn nhớ như in, sáng sớm khi trời còn tờ mờ sương, má sai tôi đi hái bông so đũa về nấu canh chua. Tay xách giỏ, vai vác “cù móc” băng ra bờ ruộng trong một loáng là được cả giỏ. Còn ba tôi mang chài ra khúc sông sâu trước nhà vãi một lát kiếm được vài ký tôm đất. Khi buổi cơm trưa đến, thế nào chúng tôi cũng được thưởng thức món canh chua tôm nấu với bông so đũa ngon lành!.


Khi bông so đũa hái về, tôi đảm nhận phần việc lặt cuống, nhụy hoa và rửa nhẹ tay, tránh bông bị giập mất ngon. Tranh thủ lúc lặt hoa, tôi húp chất mật ngọt, thơm, đầy hấp dẫn nầy!. Khi ba mang tôm về nhà, má dùng dao bén cắt đầu, đuôi, lột vỏ (bỏ chỉ đen) rửa sạch để ráo, và chuẩn bị các nguyên liệu khác (ngò gai, ngò om xắt nhuyễn, ớt xắt lát, tỏi phi) để ra chén.

Trước hết, má bắc nồi nước lên bếp nấu sôi, cho me chín vào vợt lược nhúng vào nồi nước, bỏ xác. Nêm gia vị (muối + đường + bột ngọt) cho vừa ăn và cho tôm vào nấu chín. Kế đến, má cho bông so đũa vào tô và dùng vá múc nước dùng lẫn tôm đổ lên. Tôi ngạc nhiên hỏi má sao không cho bông so đũa vào cùng một lượt với tôm. Má cười nói: ”Đó là bí quyết để bông so đũa giòn, ngon và không bị đắng đó con ạ!”. Cuối cùng, má cho ngò om, ngò gai và một ít tỏi phi lên, và chuẩn bị chén nước mắm nguyên chất, trong đó có vài trái ớt hiểm chín dọn lên bàn là xong!.


Bữa ăn đã chuẩn bị xong, cơm nóng đã bới ra chén. Mời bạn hãy tự nhiên. Dùng đũa gắp con tôm đất cùng bông so đũa chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt dai của tôm, giòn giòn, nhân nhẩn lẫn mùi thơm đặc trưng của bông so đũa lan tỏa vào miệng, kích thích mọi giác quan. Chan vài muỗng nước canh có vị chua, ngọt thanh thơm lừng vào chén cơm “lùa” một hơi, bạn sẽ cảm nhận được hương vị rất riêng của miền Tây, một vùng đất hiền hòa, trù phú được thiên nhiên ưu đãi.
Ba Cần Thơ (theo Dân Việt)



No comments: