Monday, January 23, 2017

TRƯỜNG SƠN ĐỆ NHẤT TỬU

Có một loại cây mà trong tài liệu của "Rau rừng Việt Nam" phân bộ trong món "Rau rừng độc đáo", tôi vừa giới thiệu với các bạn về cây Tà Vạt, bây giờ cũng có một cây đặc tính tự lên men thành rượu và cũng được liệt vào loại "rượu trời cho" với biệt danh "Trường Sơn Đệ Nhất Tửu". Giống cây này khi tôi nói tên là các bạn sồn sồn biết ngay, còn các bạn trẻ thì chắc có người biết, người chưa biết.


Đây là một loại cây mà thời trước, tôi và các bạn sồn sồn đã từng thấy, sờ qua, lấy nó trang trí cho những bữa tiệc cưới, tiệc hỏi, làm thành những cổng chào cho gia đình mình, gia đình bà con, bạn bè hay hàng xóm, rồi treo trên đó tấm bảng "Tân Hôn" hay "Vu Qui", đến đây chắc các bạn phải quay về với ký ức của năm nào nếu bạn đang sống ở nước ngoài. Nhớ chưa, cây "Đủng Đỉnh" đó mà. Hôm nay cây "Đủng Đỉnh" của mình không phài ở vùng Nam bộ, nó cũng giống y như vậy nhưng mọc trên núi nên phải gọi là:

CÂY ĐỦNG ĐỈNH NÚI


-Tên gọi khác: Cây Đủng đỉnh núi, Cây Móc rượu, Cây Tr’đin (dân tộc Cơ Tu).
-Tên tiếng Anh: Solitary fishtail palm, Toddy palm, Jaggery palm, Indian sago palm
-Tên khoa học: Caryota urens L.
-Các loài tương cận:
Cây Đủng đỉnh: Caryota mitis
Cây cọ Bắc Sơn: Caryota bacsonensis
Cây cọ đuôi cá Philippines: Caryota cumingii
Cây đỉnh đỉnh núi Thái lan: Caryota obtusa
Chà là hoang Châu Phi: Phoenix sylvestris.
Cây cọ dầu Châu Phi: Elaeis guineense.


Phân loại khoa học
Giới (Kingdom): Thực vật (Plantae)
Ngành (Phylum): Thực vật có hoa (Angiosperms)
Lớp (Class): Một lá mầm (Monocots)
Phân lớp (Subclass): Thài lài (Commelinids)
Bộ (Order): Cau dừa (Arecales)
Họ (Family): Cau dừa (Arecaceae)
Chi (Genus): Móc/Đủng đỉnh (Caryota)
Loài (Species) : Caryota urens
Phân bố
Chi Móc hay Đủng đỉnh (Caryota) là một chi thực vật trong họ Cau dừa (Arecaceae). Các tên thường gọi trong tiếng Việt là Móc, Đủng đỉnh, Đùng đình.
Chi này có khoảng 13 loài đã biết, có nguyên sản ở Châu Á và Nam Thái Bình Dương. Phổ biến nhất là cây Đủng dỉnh (dùng lá trang trí cổng chào) phổ biến ở nhiều nước Châu Á.


Loài cây Đủng đỉnh núi lấy rượu có tên khoa học là Caryota urens có nguồn gốc ở Ấn Độ, Myanmar, Nepal và Sri Lanka. Du nhập vào Papua New Guinea, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, từ hàng trăm năm qua.
Loài cây này sống ở vùng núi đến độ cao 1.200 m nên người dân địa phượng ở các nước Đông Nam Á còn gọi là cây Đủng đỉnh núi.
Theo tài liệu nước ngoài, loày cây này cũng có thể sống ở rừng ẩm nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Châu Á. Ở rừng ẩm Sri Lanka, nơi phát sinh nguồn gốc cây này có mật độ 2 cây hoang dại/1 ha. Ở rừng có bóng râm và khí hậu lạnh cây phát triển chậm.
Ở Việt Nam Đủng đỉnh núi hay Đùng đình núi này được người dân tộc Cơ Tu trồng nhiều ở vùng núi của huyện Tây Giang (giáp biên giới Lào) với tên gọi là cây “Tr’đin”. Loài cây này cho loại rượu tự nhiên từ vết cắt gần ngọn cây gọi là “Rượu Tr’đin” ngon nhất ở núi rừng Trường Sơn nên cây đủng đỉnh núi có biệt danh là cây “Trường Sơn đệ nhất tữu”.
Cây “Tr’đin” (Đủng đỉnh núi) sống thích hợp nơi rừng ẩm ướt, râm mát, gần các khe suối.
Các già làng người Cơ Tu miền sơn cước Quảng Nam cho biết nơi nào cũng có cây “T’vạt” nhưng cây “Tr’đin” thì chỉ có ở vùng núi Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào.
Ở vùng núi Quảng Nam còn có và loài cây khác thuộc Chi cọ (Arenga) được người Cơ Tu khai thác rượu từ cuống buồng quả như cây “T’vạt” (Tà vạt) hay Cây cọ rượu, có tên khoa học là Arenga pinnata (tên đồng nghĩa: Arenga saccharifera) và cây a dương (chưa rõ tên khoa học) cũng lấy rượu được.
Rượu Tà vạt cũng ngon nổi tiếng ở Trường Sơn nhưng không qua được rượu “Tr’đin”.

Kỹ sư Hồ Đình Hải (Rau rừng Việt Nam)


TRƯỜNG SƠN ĐỆ NHẤT TỬU

“Đệ nhất tửu Trường Sơn” là rượu tr’đin, được khai thác từ cây cây tr’đin, còn gọi là cây đủng đỉnh núi. Mùa xuân, mùa hè người Cơ tu uống rượu t’vạt, mùa thu mùa đông người Cơ tu uống rượu tr’đin.
Hũ rượu trên cây cao
Bên cạnh các loại rượu ngâm rượu nấu, người Cơ tu sinh sống trên dãy Trường Sơn còn có đặc sản rượu rừng lấy trực tiếp từ các loại cây tự nhiên, không qua chế biến và không có hóa chất, như các cây: tr’đin, t’vạc, adương.
Để lên men thành rượu người Cơ tu có kinh nghiệm lấy vỏ cây chuồn - cây này có hai loại: apăng và zuôn. Lột vỏ hai loại cây này phơi khô và ngâm vào ống đựng nước tr’đin hay t’vạc, dung dịch tự lên men uống đăng đắng - chát - thơm ngọt rất dễ chịu.
Theo các già làng và những người có kinh nghiệm “cất” rượu tr’đin cho biết: Muốn lấy rượu thì phải đục vào thân cây tr’đin. Trước tiên, bằng con mắt “nhà nghề”, nhìn lên cây tr’đin để xác định cây có trúng thời điểm đục thân ra nước không.


Lúc đọt mới nhú lên gần ngang bằng lá già là thời điểm lý tưởng để đục vào thân lấy nước.
Khi đã xác định chính xác như trên, người Cơ tu làm cầu thang lên giàn bằng nhiều cây lồ ô buộc với nhau bằng dây mây cho chắc sau đó leo lên giàn ngồi và đục, tính từ ngọn xuống chừa lại 4 cuống lá già, tại cuống lá già thứ tư từ trên xuống, đục đối diện với cuống lá này.
Đục xong, thấy ở trong đọt trắng mềm là khả năng ra nước nhiều, ngược lại nếu đọt trong cứng vàng thì nước ít. Sau khi đục xong cứ mỗi ngày đến cắt mỏng một lớp để tạo “vết thương” và khi nào thấy có đọt mới nhú ở trong lên thì sắp có nước chảy ra. Thông thường ba đến sáu ngày nếu thấy có nước trăng trắng, sệt sệt tứa ra.
Khi nước ra nhiều từ vết cắt thì làm máng nhỏ từ vết cắt để nước tr’đin chảy theo đường máng chảy vào ống lồ ô lớn đã hứng sẵn (trong ống lồ ô đã bỏ vỏ apăng để lên men).
Từ đó cứ mỗi ngày đến cắt một lát mỏng chỗ “vết thương” và lấy tr’đin về uống. Trung bình mỗi cây tr’đin cho ra khoảng 10-15 lít/ ngày đêm. Còn nếu cho trẻ con và phụ nữ uống ngọt thì không bỏ apăng, nước ngọt lịm và thơm ngon như hương vị đường thốt nốt.
“Hủ rượu” này tuy nằm trên cây cao nhưng cũng thu hút bởi các côn trùng như ong, bướm, chim, sóc, chuột… cho nên chung quanh ống lồ ô được che, bịt lại bằng một loại bùi nhùi lấy từ bẹ cây tr’đin.
Rượu tr’đin để vài tháng được nhưng phải thay vỏ cây apăng thường xuyên.
Người Cơ tu có tục lệ là khi uống rượu tr’đin thì không đổ rượu thừa trong chén vào bếp tro nóng, họ cho rằng làm như vậy, cây tr’đin cho rượu sẽ tắt nước hoặc không chảy nước trong một thời gian.


Cây đực, cây cái
Cây tr’đin sống thích hợp nơi ẩm ướt, râm mát, nơi gần các khe suối. Ngoài ra, người cơ tu còn trồng cây tr’đin bằng hạt và nếu có cây nhỏ thì nhổ cây con mang về trồng gần nhà. Người có kinh nghiệm, chọn lấy giống từ cây to, cao, lấy hạt dẹt (hạt cái), một cây tr’đin thường ra 4 - 5 buồng trong 4 - 5 năm, một buồng ra hàng vạn trái, một trái thường 1 - 2 hạt.
Nên lấy hạt ở buồng ra thứ nhất, thứ nhì về sau khi thu hoạch nước ra nhiều hơn, cây sống thọ không ra buồng sớm. Còn hạt tròn (là hạt đực), cây sớm ra buồng, không thọ và nếu lấy hạt ở buồng ra cuối cây tr’đin trồng ít ra nước.
Người Cơ tu có kinh nghiệm nhổ cây con hoặc cây ươm đem trồng phải nhìn kĩ khi cây có đọt mới nhú lên khoảng 10 - 15 cm trở lên thì nhổ cây đem trồng vì lúc này cây đang có rễ non - trồng dễ sống.
Cây tr’đin sinh trưởng tương đối nhanh 6 - 7 năm từ ngày trồng thì khai thác được. Có nhiều cây thọ lâu có thể trên 30 năm vẫn “cho rượu” đến khi cây ra buồng trái thì hết khai thác (ngược với cây t’vạc). Song cũng có cây khai thác một lần rồi ra buồng không khai thác được nữa .


Các làng người Cơ tu miền sơn cước Quảng Nam nơi nào cũng có cây t’vạt nhưng cây t’đin thì chỉ có ở Tây Giang, nơi sát biên giới Việt Lào.

Theo: Bee-Báo Quảng Ngãi

No comments: