Friday, January 20, 2017

CHUYỆN CÁC BÀ TRONG CUNG NGUYỄN

LAI LỊCH BÀ HIỀN PHI HỌ NGÔ
Vua Minh Mạng có hàng trăm bà phi, nhưng chỉ có hai bà sinh được nhiều con vì được vua sủng ái hơn cả. Đó là bà Hiền Phi Ngô Thị Chánh và bà Lệ Tân Nguyễn Gia Thị.


Lai lịch của bà họ Ngô có liên quan đến một vài bí ẩn của khúc quanh lịch sử từ Tây Sơn qua nhà Nguyễn, cho nên mẩu chuyện nhỏ này dành viết về bà.
Bà Ngô Thị Chánh là trưởng nữ của danh tướng Ngô Văn Sở. Sở nguyên là tướng của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Năm Đinh Vị (1787) làm tham tán quân vụ cho Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Sau khi trừ được Chỉnh thấy Nhậm có ý mưu phản, Sở mật thư cho Nguyễn Huệ, sau đó Nhậm bị giết, người thuộc dòng nhà Lê được lập nên làm Giám Quốc. Sở được giao trượng nhiệm trấn thủ Bắc Hà. Năm Kỷ Dậu (1789) được lệnh đưa vua giả sang chầu vua Càn Long nhà Thanh ở Yên Kinh; năm Ất Mão (1795) được lệnh trở lại Bắc Hà sau đó bị triệu về Phú Xuân và bị hãm hại trong một cuộc tranh quyền của triều thần đời vua Quang Toản (1795)… Theo một số tư liệu liên quan đến nhà Tây Sơn thì Ngô Văn Sở đã bị thuộc hạ của Võ Văn Dũng bắt và dìm xuống nước chết.
Sau cuộc tranh quyền trong triều thần đời Quang Toản nhiều nhân vật từng phò Tây Sơn bỏ trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh. Số người này đã lập được nhiều chiến công nên rất được Nguyễn Ánh tin dùng.


Một trong những người đó là tướng Ngô Văn Sở (nhưng không ai hay, vì có lẽ Sở đã về hàng Nguyễn Ánh dưới một cái tên khác). Cuối năm Kỷ Mùi (1799) Sở cùng Võ Tánh giữ thành Bình Định. Thành bị quân Tây Sơn vây, một số binh tướng mở cửa thành ra đầu hàng Tây Sơn. Võ Tánh đã cử Ngô Văn Sở ra đóng cửa thành, nhờ thế đã ngăn được những cuộc nổi loạn và đầu hàng của quân Nguyễn.
Nhưng sau đó thành Bình Định cũng thất thủ, Ngô Văn Sở chạy thoát rồi trà trộn vào dân tìm đường về với Nguyễn Ánh.
Sau khi diệt được nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, dưới một cái tên khác, Ngô Văn Sở được cử làm Quản đạo trấn Thanh Hoa ngoại (sau này là tỉnh Ninh Bình).
Trong chiến dịch trả thù nhà Tây Sơn, Gia Long phát hiện ra người đứng đầu và có công ở Thanh Hoa ngoại lại chính là một trọng thần của Tây Sơn, đó là danh tướng Ngô Văn Sở. Sử nhà Nguyễn, Liệt Truyện chép vì Sở làm việc lâu ở đó lại giỏi nên Gia Long tha cho tội chết, chỉ cách chức mà thôi. Thực ra, Sở được tha tội chết không phải vì Sở giỏi trung thành với nhà Nguyễn mà còn vì một lý do khác nữa…
Ngô Văn Sở, nguyên là người huyện Đăng Xương (Phủ Thừa Thiên-Huế) sau vào ở làng Thuận Nghĩa, Gia Định. Trong thời gian làm quan ở Thăng Long (dưới thời Tây Sơn) ông đã kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đích, sinh con gái đầu lòng đặt tên là Ngô Thị Chánh. Lớn lên, cô Chánh là người đoan trang nét ngọc, ăn nói dịu dàng, cần mẫn, thông minh.


Tiếng lành đồn xa… Khi hoàng tử Đảm con thứ tư của Gia Long, đến tuổi lập phủ thiếp cô Chánh được chọn sau cô Hồ Thị Hoa, người gốc Gia Định. Bà Hoa sinh ra Miên Tông (sau này là Thiệu Trị) năm 1807, tiếp đó bà Chánh sinh ra Miên Chính. Nhưng chẳng may Chính mất khi vừa chào đời. Năm 1811, bà Chánh lại sinh hoàng tử Miên Hoẳng (hoàng tử thứ năm). Sáu năm sau, 1817, bà sinh hoàng tử Miên Áo (thứ sáu). Qua số hoàng tử sinh ra ta thấy vua Minh Mạng đã sủng ái bà Chánh là dường nào! Đến năm 1828 bà Chánh sinh hoàng tử Miên Quần (thứ 40), năm 1833 bà sinh Miên Uyển (hoàng tử thứ 60)… Hơn hai mươi năm trời từ thuở còn tiềm đế cho đến khi được chọn làm hoàng thế tử (1816), cũng như lúc lên ngôi (1820) vua Minh Mạng chưa hề rời xa bà Chánh. Ngoài năm hoàng tử, bà Chánh còn sinh được bốn công chúa (Ngọc Tôn, An Phù, Lộc Thành và Đoan Thục).
Dưới triều Minh Mạng, trong cấm cung có hàng trăm cung tần mỹ nữ, phần lớn là con của các quan đại thần có thế lực, thế mà bà Chánh lại chiếm phần ưu thế trong trái tim của vị vua tiêu biểu cho quyền lực nhà Nguyễn. Thật là một điều lạ!
Ngô Thị Chánh là một bà Hiền tân được vua Minh Mạng dành cho những ân sủng chưa từng có đối với các bà khác trong nội cung nhà Nguyễn…
Thật vậy, khi bà Chánh còn sống, vua Minh Mạng đã tả một bài sắc tấn phong bà Chánh làm Hiền Phi lời lẽ rất trang trọng “Đoái tưởng Hiền Tân họ Ngô, con dòng của giống, xứng trang nghi phạm trong sáu cung! Nàng theo trẫm từ lúc tiềm đế (1) đến bây giờ (2) hơn ba mươi năm (3) khi phong tiêu, khi viện quế, khi gối phụng, khi màn loan, đỡ tráp nâng khăn, đoan trang nét ngọc, thức khuya dậy sớm, chầu chực ven màn. Càng sùng quyến chừng nào lại càng khiêm thuận chừng nấy. Vậy nên, lệ ban gia mới định, liền chiếu luật gia phong”.


Những ngày son trẻ, bà Hiền Phi họ Ngô thường nũng nịu với vua rằng: “Dù vua có thương thiếp bao nhiêu đi nữa thì đến khi chết, thiếp cũng chỉ ra đi hai tay không mà thôi!”. Vì thế, khi bà mất, vua Minh Mạng đã thân hành đến tận chỗ bà nằm, cầm theo hai nén bạc, truyền thái giám mở hai bàn tay bà ra, vua đặt hai nén bạc vào đó rồi bóp lại. “Đó, trẫm cho khanh cái này để khỏi ra đi hai tay không” vua nói, vẻ xúc động (có người nói là hai nén vàng).
Khi bà Hiền Phi mất, vua Minh Mạng rất thương tiếc. Vua Thiệu Trị (con Minh Mạng) hiểu lòng cha nên vào năm 1843 đã lập một đền chính đường ba gian, hai chái tả hữu, thờ bà Hiền Phi họ Ngô tại xã Phú Xuân.
Không kể người mất lúc mới sinh, bốn con trai của bà Hiền Phi đều có chức tước lớn: Vĩnh Tường quận vương (Miên Hoằng), Phú Bình công (Miên Áo), Hòa Quốc công (Miên Quần), Quảng Hóa quận công (Miên Uyển).
Việc có tình nghĩa nhất của vua Minh Mạng đối với bà Hiền Phi là sự kiện: năm 1822, vua phục chức cho nhạc phụ là cựu tướng Ngô Văn Sở chức Chưởng Cơ đã từng bị tước dưới triều Gia Long (có lẽ vì Gia Long phát hiện được rằng: họ Ngô, một danh tướng của Tây Sơn về hàng lại giấu không khai chức tước và họ tên thật?). Vua Minh Mạng còn phong cho em bà Hiền Phi là Ngô Văn Thắng làm quan với chức Cai đội.


Người đời bàn rằng: giá như vua Gia Long với cựu tướng Ngô Văn Sở không có tình thông gia, chắc chi Ngô Văn Sở đã tránh được cái chết vì mối thâm thù của Gia Long đối với nhà Tây Sơn!
Phải chăng, dưới triều Gia Long, Ngô Văn Sở đã tránh khỏi tội chết vì có chàng rể là một thế tử của vị vua đương triều?
(Viết theo Liệt Truyện, Gia Phả triều Nguyễn, Tài liệu tại Phủ thờ ông Vĩnh Tường Quận Vương số 42 A Nguyễn Chí Thanh Huế)
(Sưu tầm trên mạng)