Mấy tháng trước tôi có post bài thơ "Bài học đầu cho con" của Đỗ Trung Quân, nhớ mấy câu đầu:
"Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều"
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều"
Đọc lại mấy câu thơ mà thấy lòng xao xuyến. Gia đình tôi là người Việt gốc Hoa nhưng tôi sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc,...biết yêu, biết ghét,...cũng ở đất nước này. Bây giờ dù sinh sống ở nước ngoài, là công dân Úc tức nhiên mình sẽ có quyền lợi và bổn phận của một người công dân Úc, cũng như lúc tuyên thệ nhập tịch mình phải trung thành với nước Úc. Nếu nói là tôn trọng lễ nghĩa và đạo đức của câu châm ngôn "Uống nước nhớ nguồn" (飲水思源) thì trước tiên tôi đã yêu quê hương Việt Nam và bây giờ tôi phải yêu nước Úc vì đã cưu mang giúp đỡ, cho tôi cuộc sống mới, cho tôi tự do, có nhà .có xe và một ít tài sản,...
Hôm nay đọc được một bài của Tuấn Khanh, tôi hơi hoang mang một chút vì đề tài lớn quá. Nó nói đến tình yêu tổ quốc của một người Việt Nam chân chính, nó như máu như thịt,.. Tôi hiểu và mong các bạn cũng hiều như anh Tuấn Khanh, còn với riêng tôi Việt Nam là quê hương thứ nhất, nước Úc là quê hương thứ hai. Cho nên khi bâng khuâng nhớ những kỹ niệm ngày thơ, bạn bè, tình cảm của thời xa xưa ấy là một điều rất đúng đắn, còn nếu không nhớ gì hết chắc đó là người điên mất trí và không còn cảm giác.(LKH)
TÔI VẪN TỰ HỎI: TỔ QUỐC LÀ GÌ ?
Tổ quốc là gì, mà trước khi chết, Frederic Chopin, nhà soạn nhạc lừng danh của Ba Lan (1810 – 1849) cứ khắc khoải dặn dò trong lúc đau yếu, rằng hãy mang trái tim của ông về chôn cất ở quê nhà?
TÔI VẪN TỰ HỎI: TỔ QUỐC LÀ GÌ ?
Tổ quốc là gì, mà trước khi chết, Frederic Chopin, nhà soạn nhạc lừng danh của Ba Lan (1810 – 1849) cứ khắc khoải dặn dò trong lúc đau yếu, rằng hãy mang trái tim của ông về chôn cất ở quê nhà?
Lưu lạc ở Pháp và Anh suốt trong 20 năm, nhưng Chopin luôn ngóng về đất mẹ, kể từ cuộc nổi dậy của người Ba Lan trước ách xâm lược của đế quốc Nga (1831).
Khi nghe tin cuộc cách mạng thất bại, dẫn đến việc hàng ngàn người Ba Lan phải ra đi lánh nạn, Chopin đã khóc và viết bản Etude cung Đô thứ (Op. 10, No. 12), còn gọi là bản etude Cách mạng, để ghi lại như một dữ liệu âm nhạc cho lịch sử đau thương của tổ quốc mình.
Tổ quốc là gì? Tôi vẫn tự hỏi
Với một nghệ sĩ cello tài danh, được cả thế giới chào đón như Mstislav Rostropovich (1927 – 2007), nơi nào cũng có thể là nhà, nhưng năm 1978 khi bị chính quyền Liên Xô cũ tước quyền công dân Nga, không cho trở về quê hương vì thái độ bất đồng chính kiến, ông đã đau khổ nói rằng “Nước Nga mãi trong trái tim tôi. Vậy mà tôi đã không thể quay lại để nhìn thấy tổ quốc và bạn bè của mình”.
Nhưng sau đó, năm 1991, khi Liên Xô tan rã, Rostropovich vội vã tìm cách bay trở lại Nga, xin một khẩu súng để được chiến đấu cho quê hương mình không còn chịu ách độc tài nữa. Lúc đó ông 54 tuổi, và đang được nhiều quốc gia như Anh, Canada, Nhật, Mỹ… sẵn lòng mời ông làm công dân danh dự của nước mình.
Tổ quốc, trong mỗi con người, ắt hẳn đều có những lý lẽ riêng cho sự ràng buộc lạ kỳ đó. Có thể đó là những lý lẽ dài dòng, hoặc chỉ là những cảm giác mơ hồ nhưng khó thể chối bỏ. Tổ quốc có thể gợi nhớ bằng hạnh phúc hay đau thương nhưng ký ức đó thì sẽ mang theo đến tận cuối đời như một món nợ trong tâm thức về nơi chốn.
Năm 2008, trong một bài nói chuyện về lòng ái quốc tại bang Missouri, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với những người rất trẻ về tổ quốc và một tình yêu cho nó “khi đối diện với mất mát và hy sinh, con người trong một đất nước không bỏ chạy, không né tránh mà lại càng gắn kết với nhau hơn để đứng dậy, đó là tình yêu cho tổ quốc”.
Nước Mỹ là một quốc gia phải nói nhiều về tình yêu tổ quốc và giáo dục kiên trì ý tưởng đó, bởi đó là quốc gia của những người nhập cư, bao gồm nhập cư từ chính các nước có tư tưởng thù địch với họ. “Hãy bắt đầu bằng những ký ức đẹp đẽ nhất mà bạn đã sống trên đất nước này, gìn giữ nó bằng cảm giác đơn sơ nhất, thậm chí có thể bỏ ngoài tai các lời tuyên bố hay tranh cãi của các chính trị gia”, ông Obama nói.
Tổ quốc – đất mẹ
Thật bí ẩn khi đem vào tâm trạng của con người nỗi buồn ngập đến lúc ra đi, khi thấy mình bất lực. Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888 – 1939) lúc say, đã giắt tấm bản đồ nước Việt rách ở lưng quần, lang thang ca hát nghêu ngao “Dù như sông cạn đá mòn. Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa” (Thề non nước).
Đất mẹ dưới ách thực dân, quan tham dẫy đầy, quân dữ lao nhao, người Việt không còn thương nhau, tổ quốc điêu linh, người trí thức nếu không viết xuống bằng thơ văn, thì biết phải làm sao?”
Tổ quốc là gì mà đời mình phải nhớ, đời sau phải giữ? Nguyễn Phi Khanh (1335 – 1428) khi kháng chiến chống quân Minh xâm lược nước Việt bị bắt, giải qua biên giới chịu tội đã quay lại dặn Nguyễn Trãi (1380 – 1442) rằng hãy quay về tìm cách diệt giặc cứu giang sơn. Trong Hận Nam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm có hát lại lời xưa: Về ngay đi, ghi nhớ hận Nam Quan./ Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt,/ Cha nguyện cầu con lấy lại giang san…
Với những người ghi danh trong lịch sử thì đã vậy, còn với từng con người Việt bình thường, tổ quốc là gì trong trái tim họ? Cô bạn có hơn 20 năm sống ở nước ngoài nói mỗi khi gần Tết Việt, nghe một khúc nhạc quê, nghe mùi hương trầm lại dậy lên nỗi nhớ nhà kinh khủng. Tổ quốc như một vết cắt trong tim, tưởng đã lành với nhiều người đi xa, nhưng không ngờ cứ nhói lên khi nghĩ đến.
Trong các cộng đồng người Việt xa quê, ngày Tết là ngày không thể quên. Nhiều khi Tết chỉ nằm trong trí tưởng tượng, Tết là ngày phiền toái vì phải trữ trong nhà những món ăn dài ngày không đúng theo luật vệ sinh của phương Tây, phải giải thích thật dài dòng cho lũ trẻ về một đất nước với nhiều huyền thoại mà ngày thường chúng không quen.
“Làm sao Việt Nam lại có những câu chuyện kỳ quái như một đôi vợ chồng lại đẻ ra trứng?” – “Nó là huyền thoại để ghi nhớ, để tìm hiểu về một quê hương có thật – mà dù lạ lùng đến thế nào chúng ta sẽ chấp nhận, phải giữ gìn, vì đó là nơi ông cha chúng ta sinh ra”, tôi nghe người cha trong gia đình giải thích cho đứa con sắp vào đại học, nói tiếng Việt đã ngọng nghịu.
Những câu chuyện về Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Ánh… là gia sản lớn nhất mà các bậc phụ huynh có thể tự hào nói với con cái mình – ở những vùng đất mà trẻ con hội nhập cuộc sống mới luôn nhanh và giỏi hơn, thậm chí dạy lại cho cha mẹ.
Quả là từng người Việt vẫn giữ gìn cho mình những điều không giải thích được về đất mẹ, dù khó lý giải được tận cùng các ý nghĩa. Cũng như mỗi người dù đi đâu, nơi nào, vẫn mang trong tim một gánh nặng yêu thương bí ẩn về quê hương, không dễ từ bỏ.
Lễ, Tết trong đời sống Việt xa quê, chỉ là dịp để gặp lại, để nhớ, để kết nối trong trí nhớ những ràng buộc mơ hồ về quê hương – mà đôi khi phải cố quên, nhưng thật dễ bùng lên thương nhớ. Một người bạn đã sống hơn 30 năm ở Mỹ kể rằng những năm 1970, số người Việt cứ báo bệnh, đồng loạt nghỉ vào ngày Tết âm lịch khiến nhiều công ty, hãng xưởng hoang mang, báo cho các cơ quan y tế về một bệnh dịch bí ẩn.
Sau này khi hiểu ra, nhiều nơi cũng châm chước vì đó là ngày không thể thiếu với cộng đồng Việt Nam. “Đôi khi, nghỉ cũng chẳng làm gì. Về nhà pha một ấm trà, ăn một cái bánh chưng và mất một ngày lương nhưng lại thấy vui, vì đó là phong tục xứ mình, phải giữ”, anh bạn Việt kiều kể lại.
Trong lịch sử hơn 2.000 năm không tổ quốc của người Do Thái. Tổ quốc – đất mẹ, là sự khắc khoải, là giấc mơ tìm về không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ. Từ những năm 60 trước Công nguyên, bị đế quốc La Mã xâm lược và xoá tên khỏi bản đồ thế giới, người Do Thái đã lưu lạc khắp nơi, và dù thành đạt ở đâu, đã quần tụ nơi nào… họ vẫn khát khao dựng lại quê nhà.
Trong Bài học Israel của nhà văn hoá Nguyễn Hiến Lê, điều mà mỗi người Do Thái cầu nguyện trước bữa ăn hay chào nhau, đều là “năm sau về Jerusalem”. Con cháu của những kẻ mất quê hương đó luôn được nghe và dạy nói như vậy, để biết và nhớ rằng mình có một tổ quốc.
Thật tuyệt vọng và viển vông với những người Do Thái góp tiền mua lại đất đai ở Palestine, dọn về xây dựng từ khô cằn và hoang mạc. Từ thế kỷ 19 đến sau đệ nhị Thế chiến, đến năm 1948 người Do Thái mới có cơ hội reo mừng dựng cờ trên đất mẹ, dù chung quanh đầy những quốc gia với tình trạng thù địch. Hôm nay, câu chào “năm sau về Jerusalem” vẫn được nhắc lại như một ký ức kiêu hãnh độc tôn của một dân tộc không từ bỏ tổ quốc của mình, dù trải qua ngàn năm quay quắt mong đợi.
Năm sau đến Hoàng Sa
Tôi có một người bạn ở Hà Nội, mà cứ thỉnh thoảng lại thấy ông treo hàng chữ “Năm sau đến Hoàng Sa”. Đó là một người sống cả đời vẫn chưa bao giờ có dịp ra biển đến gần Trường Sa hay Hoàng Sa. Nhưng sự âm vang trong lời hẹn của ông lại là sự khắc khoải kỳ quái đến mức suy nghĩ luôn luẩn quẩn về hai chữ Tổ quốc.
“Năm sau đến Hoàng Sa”, khẩu hiệu ấy đủ sức làm những ai nhìn thấy phải bật nhớ đến biển, đến mộ gió, đến những cái chết oan khiên của ngư dân và thanh niên người Việt được trao trách nhiệm gìn giữ quê hương mình. Đúng là chúng ta đã mất mát quá nhiều, nên đã đến lúc chúng ta cần đứng lại, cùng nhau, trên quê hương này.
Năm nay, tôi lại thấy người bạn đó treo cao câu “Năm sau đến Hoàng Sa”. Thật thú vị, tôi cũng thấy thêm một vài người treo khẩu hiệu đó. Hoá ra những người khắc khoải về quê hương không cô độc, dù là số ít. “Đến Hoàng Sa” chỉ là một khái niệm. “Đến Hoàng Sa” là con đường rất dài – có thể dài hơn con đường đến Jerusalem, có thể dài hơn cả 2.000 năm của người Do Thái, nhưng đó là con đường của những người yêu tổ quốc mình.
Nhiều năm, tôi vẫn không thể nào giải thích được trọn vẹn về ý nghĩa “tổ quốc”. Nhưng trong trí tưởng tượng của mình, tôi nhìn thấy đó là một ngôi nhà chung của bà mẹ Việt đã sinh ra rất nhiều đứa con.
Như trong câu hát Mẹ năm 2000 của nhạc sĩ Phạm Duy, có đứa đã là bạo chúa, có đứa là kẻ hèn, có đứa tham lam muốn bán đứng chính ngôi nhà của mẹ mình… nhưng dẫu thế, những đứa con còn lại rồi sẽ chung tay dựng lại, làm lại từ đầu, dù là tro tàn. Ngôi nhà đó – đất mẹ – và anh chị em tôi, tôi gọi tên, là Tổ Quốc.
Tuấn Khanh