Thursday, January 19, 2017

LẨU THẢ

Đọc cái tựa bài "Lẩu thả" có lẽ một ít bạn biết nhưng tôi nghĩ có rất nhiều người không biết phải không? Ăn lẩu thì nhất định phải "thả" thịt, cá, tôm, gan, tim, mực, rau cải, v.v...và v.v...vào nồi súp để luộc lên mà ăn. Tối nay xem "Ai là triệu phú" phát sóng 17/01/2017 lại có thêm một câu hỏi mà tới giờ mới biết.


Anh Sâm hỏi: "Lẩu thả là món đặc sản của tỉnh thành nào ở nước ta?"

A. Phú Yên 
           B. Cần Thơ 
C. Bình Thuận       D. Cà Mau

Người chơi không biết phải nhờ tổ tư vấn, tôi thì hoàn toàn không biết. Câu trả lời là Bình Thuận.

Tôi lên mạng tim và có được một vài bài giới thiệu về "Lẩu thả". (LKH)


LẨU THẢ - ĐẶC SẢN CỦA DÂN MIỀN BIỂN PHAN THIẾT

Bỏ những con cá mai nhỏ vào tô, xung quanh bày trứng chiên xắt sợi, thịt luộc, rau, xoài, dưa leo..., sau đó thêm nước chấm, trộn lên là có ngay món lẩu thả.

Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương có văn hóa ẩm thực đa dạng. Ngoài gỏi cá suốt, cá mai, cá lồi xối mỡ, ốc ruốc, bánh bèo, bánh xèo hay trứng mực... Phan Thiết còn đặc sản không kém phần nổi bật là lẩu thả.

Nguyên liệu chính làm nên món này là cá tươi, thường là cá mai, cá suốt hoặc cá đục. Sau khi lóc xương cẩn thận, cá được trụng (chần) và rửa sạch bằng nước chanh tươi để mất mùi tanh, rồi tẩm ướp sơ gia vị.

Tùy khẩu vị thành phần phụ của món lẩu thả có thể thêm hay bớt. Ảnh: Thảo Nghi
Ngoài cá tươi được xếp ngay ngắn trên đĩa ở giữa, những nguyên liệu khác còn có trứng chiên, thịt luộc, rau sống, xoài và dưa leo... Tất cả phải được xắt sợi và đặt trên những cánh hoa chuối, trải đều xung quanh đĩa cá, tạo hình một bông hoa. Bên cạnh mâm nguyên liệu còn có đĩa bún và một nồi nước lèo sôi sục kế bên.

Để thưởng thức lẩu thả, thực khách lấy khoảng 3-4 con cá vào tô, tiếp đó cho thêm các nguyên liệu phụ.

Khi ăn, độ giòn của bánh tráng hòa cùng vị ngọt nước chấm và thơm mát từ rau xanh, xoài sống... Ảnh: Thảo Nghi
Món này có hai cách để thưởng thức. Đầu tiên, thực khách ăn cá mà không cần trụng qua nước lèo, chỉ chan nước mắm đậu phộng lên trên, cho thêm bánh tráng nướng và trộn đều. Phương thức này giống việc ăn gỏi của người Nhật Bản.

Cách làm thứ hai dành cho những thực khách muốn ăn chín. Với tô nguyên liệu ban đầu, bạn múc nước lèo sôi đưa vào tô, thêm bánh tráng và dùng ngay.

Sau khi thưởng thức lẩu thả, chị Lê Khanh, trú tại quận 10, TP HCM đánh giá ngoài cá mai, cá suốt, tinh túy nhất của món này là chén nước mắm đậu phộng rất thơm. "Dù đã no, tôi vẫn muốn ăn nữa vì sợ về Sài Gòn lại thèm", chị chia sẻ.

Nước chấm của món lẩu thả là loại đặc biệt, chế biến bằng chuối sứ, tỏi, me khô, ớt, đậu phộng rang xay nhuyễn... Tỷ lệ pha chế là bí quyết mà thông thường các đầu bếp ít khi chia sẻ.

Thảo Nghi


CÁCH NẤU LẨU THẢ MÓN NGON DÂN DÃ Ở MŨI NÉ - BÌNH THUẬN


Cuối tuần rồi mấy đứa bạn rủ đi ăn lẩu thả, mình nghe xong cứ thắc mắc lẩu thả là gì? Trước giờ mình ăn lẩu cũng nhiều, toàn nghe lẩu gà, lẩu xiêm, lẩu cá, chưa từng biết “thả” là giống chi mà đem nấu lẩu. Tò mò hỏi, cả đám cứ bấm nhau cười: “Ăn thử rồi biết”. Ức lắm nên mình cứ hỏi mãi, cuối cùng mới được biết lẩu thả là đặc sản của quê hương Mũi Né. Lẩu thả, món ngon dân dã nhưng chứa đựng nhiều triết lý ẩm thực sâu xa, là điểm nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ai đã một lần đến thăm Bình Thuận cũng đều muốn được nếm thử món lẩu thả Mũi Né, thử trải nghiệm cái gọi là “Ngũ vị nhân sinh”: đắng, chua, cay, mặn, ngọt trong cùng một món ăn. Tên đã lạ rồi, cách dọn món ăn và các nguyên liệu còn khiến mình ngạc nhiên hơn. Trong một cái nia lớn lót lá chuối xanh, 6 vỏ bắp chuối đỏ bày vòng quanh, trông như một bông hoa rực rỡ đang xòe cánh, mỗi cánh hoa ấy chứa một nguyên liệu. Lướt qua đã thấy rõ đây là món ăn màu sắc rồi. Màu vàng của trứng, màu trắng ngà của thịt ba chỉ, màu xanh tươi đủ cung bậc của các loại rau lá, dưa leo, khế chua. Ở giữa là một đĩa cá được tẩm ướp trông ngon không thể tả. Nghe nhỏ bạn nói, lẩu thả Bình Thuận thường dùng cá mai hoặc cá suốt, còn lẩu thả ở Sài Gòn lại quen dùng cá điêu hồng. Nói chung cá nào cũng được, điểm mấu chốt của món lẩu không phải ở việc chọn loại cá nào mà ở nước lẩu và nước chấm. Nước lẩu phải đậm đà, đủ vị, nước chấm phải pha bằng nước mắm cá cơm nguyên chất Phan Thiết


Nguyên liệu cần có cho món ăn này + Cá điêu hồng: 1 con, khoảng 1kg. + Trứng gà: 2 quả + Tôm sú: 200g + Thịt ba chỉ: 300g + Nước hầm xương + Cà chua: 2 quả + Xoài sống: 1 quả + Dưa leo: 2 quả + Khế chua: 1 quả + Bún tươi + Rau: xà lách, húng quế, húng thơm, hành lá + Gia vị: Đường, hạt nêm, màu điều, ớt bột

Cách nấu lẩu thả kể cũng đơn giản thôi. Tuy nhiên, nhiều người lại băn khoăn không hiểu vì sao ăn lẩu thả ở Mũi Né thấy ngon ghê, nhưng cũng cách nấu ấy, về đến Sài Gòn hình như không còn nguyên chất.


Vấn đề nằm ở nguyên liệu. Phải đảm bảo tất cả nguyên liệu sống còn tươi mới thì món ăn mới ngon và tạo được cảm giác của biển. Để nấu được món lẩu thả, bạn cần: Cá điêu hồng rửa sạch, lấy phi lê rồi ướp với muối, đường, hạt nêm và ớt bột để một lúc cho thấm vị. Thịt ba chỉ rửa sạch mang đi luộc. Khi thịt gần chín, bạn chuẩn bị một thau nước, cho vài viên đá to chuối, bày lên mâm (hoặc nia) lót lá chuối.

Nước hầm xương bạn nấu bằng cách ninh xương ống trong một tiếng, chú ý rửa xương thật sạch và vớt bọt cẩn thận để nước được trong. Tôm sú rửa sạch, lột vỏ, băm nhuyễn. Cà chua rửa sạch, băm nhuyễn. Làm nóng nồi với ít dầu ăn, tỏi băm nhuyễn cho vào phi thơm, lần lượt cho cà chua, tôm bằm, hạt nêm, đường vào, xào một lúc. Đổ nước hầm xương vào, cân chỉnh gia vị cho vừa ăn và có vị chua nhẹ là được, thêm màu điều để nồi nước có màu đẹp.


Một thành phần không kém quan trọng là nước chấm. Nước chấm cho món lẩu thả được chế biến công phu, với chuối sứ, tỏi, ớt, me khô, và đậu phộng rang trộn đều và xay nhuyễn, cho vào nước mắm cá cơm nguyên chất. Tỷ lệ cân đối trong giữa các thành phần làm nên món nước chấm có một không hai của vùng đất Bình Thuận ngập đầy nắng gió. Nồi lẩu thả bốc khói nghi ngút, dọn kèm rau, trứng, thịt luộc…trong một nia to, thêm ít bún tươi và bánh đa nướng giòn bẻ vụn…Chỉ nhìn thôi đã thấy no mắt. Nhón một miếng cá tươi thả vào nồi nước lẩu đang sôi (à à, có lẽ vì thế này mà được gọi là lẩu thả), miếng cá vừa chín tới thì gắp ra, chấm với món nước chấm thơm dịu vừa ăn, ta nghe cả vị biển khơi ùa vào trong miệng. Gắp một đũa bún trắng, thêm ít trứng rán vàng ươm, và thịt ba chỉ luộc trăng trắng hồng hào, tất cả cho vào bát, đừng quên rau xanh nữa nhé, chan nước lẩu vừa ngập, rồi từ từ thưởng thức. Hoặc bạn có thể ăn khô, như cách mà hầu hết người dân ở đây ưa ăn. Vẫn những nguyên liệu ấy, bạn thay nước lẩu bằng nước chấm, rưới vừa phải, trộn đều. Cùng một món ăn, nhiều màu sắc, nhiều mùi vị, nhiều cách thưởng thức, mà mùi nào, vị nào cũng thơm ngon, cũng tinh tế và đầy khêu gợi. Với cách làm lẩu thả đơn giản như vậy, mình có thể tự tin vào bếp và chiêu đãi bạn bè, người thân món lẩu thả Mũi Né made by me rồi!


Theo: 7monngonmoingay