LÊ THẦN TÔNG
Vị vua hai lần ở ngôi và có nhiều con làm vua nhất trong lịch sử.
Đó là vị vua thứ 6 của thời kì mà sử cũ thường gọi là Lê Trung Hưng (Lê Thần Tông). Ông tên húy là Lê Trung Kì, sinh năm 1607, là con cả của vua Lê Kính Tông và cháu ngoại của Bình An Vương Trịnh Tùng.
1. Làm vua lần thứ nhất
Năm 12 tuổi, Trung Kì chứng kiến cảnh cha bị ông ngoại bức phải thắt cổ chết. Và cũng năm ấy ông được đưa lên làm vua.
Thời gian Lê Thần Tông làm vua chính là lúc cuộc chiến giữa họ Trịnh và họ Nguyễn bùng phát dữ dội. Căng thẳng bắt đầu khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên cứ cát vùng Thuận Quảng, không thuần phục họ Trịnh như trước nữa.
Tháng 7 năm Quý Hợi (1623), nhân dịp Bình An vương Trịnh Tùng qua đời, Trịnh Xuân một lần nữa đem quân nổi lên để tranh ngôi chúa, vương thế tử Trịnh Tráng (cũng là cậu ruột của vua) cùng Lê Thần Tông kéo quân ra Thanh Hóa để dẹp loạn.
Tháng 2 năm 1627, cậu Trịnh Tráng (thay Trịnh Tùng năm 1623) rước ông đi thân chinh vào Nam đánh họ Nguyễn. Tuy nhiên quân Lê Trịnh không thắng được quân Nguyễn phải rút về.
Sau lần Trịnh Tráng đánh Nguyễn lần thứ 2 (1633) không thành công, đầu năm 1643, chúa Trịnh lại rước Lê Thần Tông đi thân chinh đánh họ Nguyễn lần thứ 3. Xa giá của Thần Tông tiến vào châu Bố Chính, đóng tại xã An Bài, còn các tướng tiến quân đến cửa Nhật Lệ. Quân Nguyễn Phúc Lan dựa vào Lũy Thày chống cự. Do lúc đó mùa hè, khí hậu oi bức, quân Lê Trịnh bị bệnh nhiều nên Trịnh Tráng đành lui quân.
Tháng 10 năm Quý Mùi (1643), vua nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu sau khi ở ngôi được 25 năm. Về phần mình ông lên làm Thái thượng hoàng.
2. Làm vua lần thứ hai
Đến tháng 8 năm 1649, Lê Chân Tông mất sớm, Thần Tông được Trịnh Tráng đưa trở lại ngôi vua.
Cuộc chiến tranh với họ Nguyễn ở phía Nam vẫn tiếp diễn. Sau khi đẩy lùi được quân Nguyễn khỏi Nghệ An, đến năm 1661, Trịnh Tạc (thay Trịnh Tráng năm 1657) lại đưa Lê Thần Tông đi Nam tiến. Nhưng Nguyễn Hữu Dật trấn thủ Nam Bố Chính chia quân đắp lũy thế thủ, quân Trịnh đánh mấy tháng không hạ được, đến tháng 3 năm 1662, quân viễn chinh mệt mỏi, lương hết, chúa Trịnh bèn rút quân về đất Bắc.
Tháng 9 năm 1662, Lê Thần Tông nhiễm bệnh và qua đời, hưởng thọ 56 tuổi, làm vua 2 lần tổng cộng 37 năm.
3. Và chuyện ở hậu cung
Vào tháng 5 năm Canh Ngọ (1630), vua lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm hoàng hậu. Ngọc Trúc vốn là vợ của người bác họ của vua. Lúc đó, Lê Trụ bị giam trong ngục. Trịnh Tráng đem Ngọc Trúc gả cho Thần Tông. Triều thần là Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can, nhưng do Thần Tông không có thực quyền, biết mình không thể chống lại chúa Trịnh nên vua miễn cưỡng thốt ra rằng: Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy.
Khi nhập cung, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ có vai vế là trưởng bối, mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi.
Ngoài ra, vua Lê Thần Tông còn có 5 thứ phi, trong đó người thứ hai là người Xiêm (Thái Lan), bà thứ ba là người Mường, thứ tư người Hán, thứ năm người Ai Lao (Lào) và thứ sáu người Hà Lan. Đặc biệt, bà Orona, người vợ Hà Lan của vua là con gái phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan. Năm 1630, trong chuyến thương đoàn Hà Lan sang Việt Nam, bà Orona được gặp vua Lê Thần Tông ở Thăng Long. Nghe lời khuyên của cha, bà đã ở lại làm vương phi của vua Lê…
Chuyện có vẻ lạ, nhưng có lí do của nó. Trong cuốn Tường trình về Đàng Ngoài, linh mục Alexandre de Rhodes viết: “Chúa Đàng Ngoài cần tàu để đánh chúa Đàng Trong. Từ việc liên minh có tính quân sự của Đàng Ngoài với người Hà Lan, người Hà Lan đến miền Bắc Việt Nam làm ăn nhiều hơn… Họ liên tục lập những thương điếm ở Phố Hiến, Kẻ Chợ, mở mang nhiều cuộc làm ăn buôn bán với Đàng Ngoài. Trong bối cảnh như vậy, vua Lê Thần Tông, một người có tướng mạo, rất đẹp trai, sống mũi cao, da trắng, thông minh, học rộng, giỏi văn chương, đã lấy các bà vợ người Mường, người Thái, người Lào và người Hán, Thì có thêm người vợ Hà Lan cũng là việc dễ hiểu.”
Rõ ràng, cuộc hôn phối giữa vua và người vợ ngoại quốc này ít nhiều mang màu sắc chính trị, nhưng dù sao hành động đó cũng làm cho vua Lê Thần Tông trở thành vị hoàng đế đầu tiên của lịch sử phong kiến Việt Nam lấy vợ người Âu châu!
Chuyện ly kỳ ở vị vua này cũng cần được nói thêm là các con ông trước sau có đến bốn người lần lượt được làm vua! Đó là vua Lê Chân Tông (làm vua từ 1643 -1649; đời vua thứ bảy, làm vua khi được cha nhường ngôi), Lê Huyền Tông 1662 -1671; đời vua thứ tám); Lê Gia Tông (1671- 1675; đời vua thứ chín); Lê Hi Tông (1675 - 1705; đời vua thứ mười).
Với bốn người con thay nhau làm vua, Lê Thần Tông còn là vị vua có nhiều con làm vua nhất trong lịch sử Việt Nam. Hơn nữa, bốn vị vua là con Lê Thần Tông, họ đều là con của các bà thứ phi:
Bà Phạm Thị Ngọc Hậu mẹ vua Lê Huyền Tông, quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), sau được phong làm Đoan Thuần Hoàng thái hậu.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bạch quê ở xã Hoàng Đan, Sơn Nam Hạ (nay là xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), sau được phong Minh Thục Hoàng thái hậu và là mẹ vua Lê Chân Tông.
Chiêu nghi Lê Thị Ngọc Hoàng, mẹ vua Lê Gia Tông.
Và Bà Nguyễn Thị Ngọc Tấn, mẹ vua Lê Hy Tông.
Đại Việt sử kí toàn thư có viết về vua Lê Thần Tông như sau: “Vua tính trời trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của bậc đế vương”.
Ngay cả những người hoàng hậu, phi tần của ông cũng đều sống rất hòa thuận. Họ không muốn chia lìa sau khi giã từ cõi đời, nên tương truyền các Bà đã công đức cho tạc sáu pho tượng nhập thần của sáu người vợ vua Lê Thần Tông đặt ở chùa Mật Sơn, Thanh Hóa, như một minh chứng lịch sử của một thời, ...
(Tài liệu tham khảo: Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ tục biên quyển 18)
Hai Miệt Vườn (tổng hợp)