Tuesday, January 17, 2017

SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC

SẮC TỨC THỊ KHÔNG, KHÔNG TỨC THỊ SẮC.
色即是空,空即是色。


Chào các bạn,
Hôm nay mình nói về câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”, câu quan trọng nhất của Bát Nhã Tâm Kinh, bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại thừa.


Đối với những người thích nói, thích biện luận, đây là câu kinh được dùng nhiều nhất để nói lảm nhảm. Nhưng đối với những người cố gắng sống tử tế, thì đây là chân lý sống, dù bạn thuộc tôn giáo nào, hay trường phái tâm linh nào, hoặc là không tôn giáo nào, kể cả vô thần.
Sắc là “hình ảnh”, nói chung là tất cả những gì ta thấy được bằng mắt, hoặc thấy bằng tâm trí, như là tư tưởng hay cảm xúc của ta, và cả những gì vô hình hiện diện trong tâm trí của ta mà ta không biết… Đây là nghĩa rộng nhất của chữ “Sắc” trong kinh sách mà chúng ta có thể mường tượng. Một từ khác gói ghém ý nghĩa của “Sắc” đầy đủ nhất là “hữu vi”, hay các “pháp hữu vi”, tức là những gì “có”, có bên ngoài tâm trí hay bên trong tâm trí ta.


Các giảng sư Phật triết, thường dùng hình ảnh biển và sóng để giải thích Sắc và Không. Sắc là hàng nghìn lượn sóng trên mặt biển. Những lượn sóng này nổi lên một chút rồi biến mất, để các sóng khác nổi lên và biến mất. Rất phù du. Tưởng là có mà là không.
Nhưng cái nền bên dưới sóng là biển (hay là nước) thì luôn có đó, dù sóng có biến hiện thế nào.
Vậy thì biển là biểu tượng của cái nền tuyệt đối luôn có đó, trên đó mọi sự tương đối và phù du biến hiện. Mọi điều tương đối (hữu vi) phải có một cái nền tuyệt đối (vô vi) để đứng trên nền đó. Đây là lý luận căn bản của hầu hết mọi trường phái triết lý Đông Tây kim cổ.
Ở Tây phương và Ấn giáo, người ta thường gọi nền tuyệt đối đó là Thượng đế. Trong Phật pháp, nền tuyệt đối đó được gọi là Không – “Không” vì đó là nền rỗng lặng cho toàn vũ trụ và chẳng có tên nào gọi chính xác hơn. (“Không” chẳng có nghĩa là “không có”. Các bạn nhớ nhé. “Không” là tuyệt đối).
Nhưng con người thường suy nghĩ tách bạch: hữu vi thì khác vô vi, Sắc thì khác với Không, con người thì khác Thượng đế.


Tuy vậy Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Sóng chẳng khác biển, biển chẳng khác sóng. Sóng là biển, biển là sóng.” Điều này rất dễ hiểu vì thực ra dù ta nói gì thì ta cũng không thể tách bạch sóng ra khỏi biển, sóng chính là mặt trên của biển, và biển là nền dưới của sóng. Cả hai là một, không tách ra được.
Đó là ý nghĩa của: Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc chính là Không, Không chính là Sắc. (Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc).
Chẳng có gì là khó hiểu mấy, trên phương diện lý luận.
Nhưng làm sao để sống trong tinh thần “Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” ?
Tinh thần này là tinh thần sống nghiêm chỉnh nhưng đừng vướng vào đâu, đừng bám vào đâu, đừng chấp vào đâu… Tức là tinh thần vô chấp, vô trụ, vô tâm, vô niệm. Tất cả các từ này đều diễn tả một điều duy nhất: Vô chấp. Vô chấp là không vướng vào đâu, không bám vào đâu (non-attachment, non-grasping, non-clinging).
Nếu ta vô chấp, không còn chấp vào đâu cả, đôi khi kể cả không chấp vào vô chấp, thì ta đạt đạo, “tâm không vướng mắc; vì không vướng mắc nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh Niết Bàn”. (xem Bát Nhã Tâm Kinh lược giảng, TĐH, tr. 3)


Sống nghiêm chỉnh mà vô chấp nghĩa là sao?
Nghĩa là: Thuyết giảng tử tế như Phật thuyết giảng trong 49 năm, nhưng coi là mình chẳng thuyết giảng từ nào, vì chữ nghĩa luôn không chính xác cho người nói, lại càng không chính xác cho người nghe, giảng vậy đó, nhưng nắm được chân lý hay không là do người nghe trải nghiệm thực sự, không do giảng. Hãy xử như có giảng thật, nhưng mà không giảng. Đừng chấp vào các điều mình giảng hoặc nghe giảng. (Chính vì vậy mà Thiền tông có tinh thần “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”, bắt đầu với câu truyện ở núi Linh Sơn, Đức Phật cầm hoa đưa lên và Ca Diếp mỉm cười).
Hay làm việc cực nhọc để nuôi gia đình. Gia đình là thật, làm lụng nghiêm chỉnh là thật. Nhưng đừng chấp vào đó để làm việc đến nỗi mình bị đứng tim mà chết, vì lúc đó cả mình và gia đình của mình đều mất. Làm việc siêng năng nhưng đừng chấp để thành quá sức.
Hay xây chùa: Đó là việc nghiêm chỉnh, nhưng đừng có chấp đến nỗi làm nhiều trò ca hát lố lăng, buôn thần bán thánh, để xây Chùa. Xây chùa nhưng đừng chấp để thành ma.


Nói chung đó là con đường vô chấp của Phật gia: Không chấp vào đâu cả. Không chấp cực đoan có, không chấp cực đoan không, không chấp cả giữa đường, có thể làm tất cả mọi điều, mà tâm không vướng mắc vào điều nào, thấy mọi sự đều cần nghiêm chỉnh, nhưng mọi sự cũng chỉ đáng một cái mỉm cười…
Vô chấp, vô trụ, vô tâm, vô niệm.
無執, 無住, 無心, 無念.
Chúc các bạn luôn vô chấp.
TRẦN ĐÌNH HOÀNH

No comments: