Wednesday, January 18, 2017

MÓN CHÁO ĐẬU ĐỎ

Nếu tôi nhớ không lầm thì kế bên rạp hát Minh Châu thời trước có một tòa nhà 2-3 tầng ngay góc đường Phan Đình Phùng & Nguyễn An Ninh, trước 1975 là ty Thanh Niên và tầng trệt là quán cơm bình dân đầu tiên và duy nhất của Cần Thơ. Nghe nói là nhà ông trưởng ty Thanh niên lúc đó ở đường Tự Đức, phía trước nhà ông cất lên mở một trung tâm dạy Vovinam mà tôi đã từng đến học vài năm.


Trở lại với gánh cháo đậu, tôi không biết nó có từ thời nào, mà gánh cháo này phía trước quán cơm bình dân, bán cháo đậu và cháo trắng đến trưa là dẹp. Bà bán cháo có để mấy cái bàn con thấp và mấy cái ghế lè tè. Khi kêu món cháo đậu, chén cháo được chan vào một chút nước cốt dừa, có cho thêm mấy dĩa nhỏ xíu đựng chút dưa mắm, cá cơm kho tiêu, đậu phọng, củ cải muối, dưa cải... Tôi không nhớ phải thêm tiền hay là món ăn kèm. Cháo trắng thì thêm đậu phọng rang muối, trứng vịt muối...Một món ăn dân dã và rất bình dân cho những người lao động vì nó rất rẻ tiền, chắc chắn là phải rẻ rất nhiều so với một tô phở Cừ ở bến Ninh Kiều hay phở Tàu Bay ở gần sân banh Cần Thơ ngày đó và cũng quá rẻ nếu phải vào tiệm nước Viễn Lạc, Khung Ký,.. ăn tô mì hay hủ tiếu.
Tôi không nhớ và không biết Cần Thơ có bao nhiêu gánh hoặc "quán" cháo đậu và món cháo đậu này có theo thời buổi văn minh bây giờ mà trở thành đặc sản ?


Không thấy người Cần Thơ nhắc nhở gì, chỉ có một bài nói về món cháo đậu ở Sài Gòn một cách dễ thương và tôi nghiệp. Các bạn có thử qua món này chưa ? Nếu có thì chắc ở một góc nghèo nào đó ở thành phố của các bạn phải không ?
(Ghi chú: hình đăng chỉ minh họa chớ ăn cháo đậu với món phụ chỉ có mấy cái dĩa con nhỏ xíu đựng loe ngoe mấy cọng mà thôi). (LKH)

MÓN CHÁO ĐẬU ĐỎ
Cháo đậu đỏ không bán nhiều như những món ngon đường phố khác nhưng lại rất quen thuộc với người lao động và học sinh. Cứ mỗi mùa thi đến, chúng lại đi tìm những món mang tên... đậu để ăn lấy hên!


Hàng năm cứ mỗi độ xuân qua hè đến là nhà nhà lại chộn rộn chuẩn bị đưa sĩ tử đi thi. Con đường đến trường những ngày này càng thêm nhộn nhịp, những hàng cháo gần cổng trường vốn đã đông khách nay càng khó tìm được một chỗ đứng! Không phải cháo thịt, cháo cá sang trọng mà chỉ là bát cháo đậu đỏ bình dị. Ở những vùng ngoại thành hoặc miền quê, quán cháo đơn giản chỉ là cái bàn gỗ trên đó để nồi cháo thật lớn, mẻ tép rang, tô củ cải muối xắt sợi, tô nước cốt dừa và một chồng chén sành - làm từ loại đất sét chất lượng kém nhất, xung quanh là bàn và vài cái ghế thấp tè. Còn nơi phố xá nhộn nhịp như Sài thành thì hàng cháo có khang trang hơn, nghĩa là có tủ kiếng, bàn cao và ghế sáng loáng. Thường những hàng cháo này chỉ bán từ 5 đến 7 giờ sáng là dẹp hàng. Cũng có nơi bắt đầu bán vào ban đêm, để phục vụ nhu cầu ăn khuya của khách như đoạn đường Nguyễn Thượng Hiền - Nguyễn Thị Minh Khai hay cuối đường Trần Bình Trọng, TP. HCM, chỉ bắt đầu mở hàng lúc 6 giờ chiều, khi phố xá đã lên đèn.


Không kén thực khách
Cháo đậu đỏ rất dễ ăn, lành tính và không khó tiêu vì vậy thường là món khoái khẩu của nhiều người, từ người già cho đến trẻ con đều thích. Một điều tiện lợi là cháo ăn nguội hay nóng đều không thay đổi mùi vị. Cháo đậu đỏ có màu tím như màu lá cẩm – màu của hạt đậu đỏ khi nấu chín tạo ra. Gọi là cháo nhưng cháo đậu đỏ không loãng như cháo thường mà đặc quánh, điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu, phải canh lửa sao cho cháo không khê mà lại tạo được độ đặc vừa tới. Có thể ăn cháo với nước cốt dừa thắng hay ăn với tép rang, củ cải muối đều ngon.


Cách thức phục vụ cũng rất gọn lẹ. Người bán sẽ nhanh tay múc cháo rồi lấy cái muỗng cầm ở tay, miệng hỏi khách ăn với món gì, sau khi khách chọn lựa thức mặn ăn kèm là tép rang hay củ cải muối hoặc chỉ là nước cốt dừa rồi thì cái muỗng với thức kèm theo đó đã nằm lọt thỏm trong chén cháo của khách. Người ăn cứ thong thả thưởng thức từng muỗng nhỏ thấm đậm vị béo của hạt đậu đã nhừ.


Không cần nhiều người phụ bán, chỉ có vài cái ghế con để xung quanh mà người ăn ai cũng được phục vụ chu đáo niềm nở bởi người bán vui tính nhanh tay mà dẻo miệng. Âu đó cũng là cái dặm thêm cho bát cháo đậu thêm ngon với khẩu vị của nhiều người.


Chay hay mặn đều dùng được
Là người ăn chay, bạn có thể ăn cháo với củ cải muối thái sợi. Nhìn tô củ cải muối được ướp tỏi ớt băm nhỏ với chút giấm chua mới hấp dẫn làm sao. Cứ nghĩ muỗng cháo đưa vào miệng vừa mằn mặn vừa chua chua vừa bùi bùi, vị nào cũng không quá đáng mới thấy cái khéo léo của người pha chế. Nếu ăn mặn bạn cũng có thể chọn vài con tép rang. Loại tép không to mà nhỏ vừa đũa gắp, được chọn kỹ nên đều nhau tăm tắp. Tép được rang kẹo lại dính vào nhau khi múc lên nhìn cứ trong veo, bỏ vào miệng nghe rõ tiếng giòn tan trong đó. Trong nồi cháo đã có sẵn nước cốt dừa nhưng những người thích ăn ngọt vẫn có thể chan thêm 2 muỗng nước cốt dừa đã được “thắng bồng con” để tận hưởng vị béo ngậy của dừa hòa quyện với cháo.


Cháo đậu đỏ không biết xuất xứ từ đâu nhưng là món ăn đường phố rất gần gũi với người lao động và học sinh. Cả những người đi tập thể dục buổi sáng cũng thường lót dạ bằng bát cháo đậu đỏ. Không phải hàng cháo đậu đỏ nào cũng giống như nhau. Tùy theo nhu cầu thực khách mà có hàng chỉ bán cháo đậu đỏ nước cốt dừa và cũng có hàng bán thêm nhiều món mặn ăn kèm như cá lóc kho, cá bống kho, thịt kho tiêu… hoặc củ cải muối ngâm giấm. Người ta nói củ cải này ướp theo kiểu người Hoa, còn gọi là “tằng sại” chỉ để ăn với cháo. Vậy suy ra món cháo đậu đỏ này có lẽ gốc gác từ người Hoa.


Mà dù có tiểu sử như thế nào thì cháo đậu đỏ vẫn gắn liền với tuổi học trò, cứ mỗi mùa thi đến là chúng lại kiêng ăn bí đỏ, tránh ăn chuối chưng... chỉ đi tìm anh em nhà đậu để mong cái tên giúp chúng được may mắn. Nên những quán cháo đậu đỏ trên con đường đến trường những ngày thi đến cứ chật kín từ lúc sáng sớm. Tiếng trống trường thi vang lên cũng là lúc hàng cháo sắp xếp bàn ghế, thu dọn “cửa hiệu” về nhà. Người bán thầm chúc các cô cậu tú vượt qua kỳ thi cam go phía trước.
Theo: MonngonVietNam