Monday, April 3, 2017

CHIỀU CHIỀU DẮT RA BỜ SÔNG...

Hồi còn nhỏ, tôi đã nghe người ta hát: "… Bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nó chuyện tâm tình …"[1] Đó là bài hát nhại của một khúc hát quen thuộc thời đó, nhưng càng lớn tuổi thì tôi càng nghiệm thấy điều này hình như rất… đúng. Lấy le, “prendre des aires” (tiếng Pháp) được Việt hoá thành một từ rất dân gian là làm điệu, làm bộ, ve vãn… Thường người ta nói cậu thanh niên này lấy le trước mấy cô con gái, còn ờ đây bà già lại lấy le ông già mới là kỳ!


Các nghiên cứu về "Già học" đều cho thấy một điều là càng lớn tuổi thì ông già càng có vẻ chậm chạp, lừ đừ, có vẻ “hết pin” sớm hơn bà già. Không biết có phải tại vì hồi trẻ đã hoạt động quá độ không, kể cả trong thể dục thể thao, rồi lại rượu bia, thuốc lá làm cho các tế bào mau già cỗi đi, mau teo tóp lại, còn bà già thì càng lớn tuổi càng có vẻ năng động, hoạt bát, đầy sức sống… Nói chung, tuổi thọ ở nam giới ngắn hơn nữ giới. Ở Việt Nam, tuổi thọ trung bình của nam là 63, trong khi ở nữ là 67. Còn ở Nhật, nam 75, nữ 80. Nam giới về già càng xuề xoà, đôi khi lôi thôi, lếch thếch, còn nữ giới thì quan tâm đến hình thức hơn, biết trang phục hơn, và biết cách làm cho người ta không thể nào đoán được tuổi của mình. Gần đây, trên các báo, có mục Tìm bạn bốn phương, Nhịp cầu bạn bè, Câu lạc bộ làm quen… ta thấy những lời nhắn gởi: "Nữ ngoài 60, cao …, nặng …, kinh tế vững vàng, ngoại hình dễ coi, sống nội tâm, muốn tìm bạn nam, hưu trí càng tốt"… "Nữ, ngoài 50, hết thanh xuân đến bạc đầu, hành trang vẫn là trái tim cô độc, kinh tế phong phú không san lấp nổi vực sâu một tâm hồn đơn lẻ”. “Nữ gần 70, con cái đã lớn, thích văn nghệ, biết nhảy, cần tìm bạn nam tuổi ngoài 70 để đi đó đi đây …". Rõ ràng là các nhà tâm lý xã hội phải quan tâm đến hiện tượng mới mẻ này.


Giáo sư Toshihito Katsumura, một chuyên gia về người già ở Nhật nói để người già sống lâu và sống khoẻ thì cần giúp họ có một chương trình vận động thể lực phù hợp. Vận động thể lực cải thiện được sức khoẻ và nâng cao được cuộc sống, tránh tình trạng "liệt giường liệt chiếu" lệ thuộc vào xe lăn, gậy chống… thường thấy ở người lớn tuổi. Vận động thể lực mới giữ được sự dẻo dai của xương khớp, tăng cường cơ bắp, giữ cảm giác thăng bằng linh hoạt cần thiết, giữ cho xương lâu bị loãng, giảm xơ vữa động mạch. Dĩ nhiên là người già phải rèn luyện theo một chế độ phù hợp với tuồi tác, nhiều khi phải có một giáo án riêng, như các cầu thủ phải được tập riêng một giáo án theo tình trạng "chấn thương" của mình vậy. Rèn luyện thể lực còn giúp người cao tuổi luôn giữ sự lạc quan, tính dí dỏm, hài hước, nhờ đó họ sống tích cực hơn, hoạt bát hơn, độc lập hơn. Tập luyện chung với nhau còn có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, tương tác. Rõ ràng, rất nên khuyến khích "bà già lấy le ông già" để "chiều chiều dắt ra bờ sông". Không chỉ chiều chiều mà cả sáng sáng cũng nên nữa. Vài ba bạn già có dịp gặp gỡ, tâm tình, nói chuyện trên trời dưới biển thì cuộc sống nhộn nhịp hơn, cũng là dịp để bàn bạc những chương trình phục vụ xã hội phù hợp, như người có kinh tế khá có thể giúp trẻ mồ côi, người có kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ thì khám bệnh, người có kỷ năng nghệ thuật thì trình diễn, kẻ làm thơ người xướng hoạ, kẻ vẽ tranh người đánh đàn… cũng chẳng khoái ru?


"Bà già lấy le ông già, chiều dắt ra bờ sông"… Không nói ai dắt, nhưng chắc phải bà già dắt, vì như đã nói, bà già thường nhanh nhẹn tháo dát hơn, sáng suốt hơn nên sẽ dắt ông già ra bờ sông. Tại sao bờ sông? Bởi vì chỉ có ở bờ sông người ta mới hưởng được không khí trong lành. Ở bờ sông, người ta mới có được sự yên tĩnh nghỉ ngơi, tránh ồn ào phố thị, có dịp thấy dòng sông trôi đi, lắng nghe dòng sông nhiều điều mách mách bảo. Dĩ nhiên là họ sẽ "nói chuyện tâm tình". Cái thú vị ở đây là họ không cần cãi nhau nữa làm gì, họ chỉ cần tâm tình thôi cũng đủ thấy sảng khoái rồi. Điếc lác một chút cũng hay. Ông nói gà bà nói vịt vẫn vui vẻ cả làng, thay vì như hồi xưa luôn đấu lý, tranh luận, căng thẳng thần kinh. Bây giờ thì bà nói gì cũng đúng mà ông nói gì cũng hay.


Các nhà nghiên cứu phương Tây thấy tuổi thọ ngày càng cao, thì người già càng có khuynh hướng sống chung hoặc kết hôn với nhau nữa. Ở tuổi này, người ta biết rõ nên chọn một người "bạn đời” như thế nào, "mẫu người lý tưởng" ra sao, vì họ không còn bị cái tình nồng nàn của tuổi trẻ làm cho "mù quáng"; họ cũng "lấy nhau vì tình", vì nhu cầu có bạn chớ không phải vì tiền, vì… nhan sắc (vì lúc đó, nhan sắc ai cũng… giống ai!). Họ cũng chọn người “môn đăng hộ đối” hơn. Nói chung những người này thường có đời sống kinh tế tương đối ổn, không bị ảnh hưởng bởi con cháu và sống độc lập, ít sợ “dư luận”. Đó là chuyện bên Tây, nhưng rồi đây, các nước đang phát triển có tuổi thọ ngày càng cải thiện thì tình trạng này cũng sẽ nảy sinh như ta thấy gần đây trang mục “Tìm bạn"… ngày càng mở rộng trên báo chí, đáp ứng nhu cầu mới.

Lâm Ngữ Đường viết: "Ai cũng muốn sống lâu và nếu trời cho sống lâu thì tới một thời phải già. Phải tổ chức đời sống của ta sao cho thời kỳ vui vẻ nhất trong đời thuộc về tuổi già đó…Tuổi già, đó là tuổi của hoà bình, êm đềm, thơ sướng, mãn túc …".


Tóm lại, "chiều chiều dắt ra bờ sông"… là một điều rất thú vị, rất đáng khuyến khích ở những người cao tuổi để có một cuộc sống có chất lượng cao hơn!

Chú thích:

[1] Câu tiếp theo của bài hát nhại "Bà già lấy le ông già, chiều chiều dắt ra bờ sông, hai người nó chuyện tâm tình…", theo như Goldfish tôi nhớ, là "ôm nhau nhảy đùng xuống sình!"

(Các ghi chú đánh dấu * là của tác giả và các ghi chú đánh số thứ tự là của Goldfish)


Theo: Những Người Trẻ Lạ Lùng của Đỗ Hồng Ngọc

No comments: