Ở các địa phương vùng Tây Nam bộ như Hà Tiên (Kiên Giang), Châu Đốc (An Giang), bún nhâm được bán ở một vài quán ăn. Hỏi chuyện về tên gọi và xuất xứ của món bún này, nhiều người 70-80 tuổi không ai có thể giải thích chữ "nhâm" trong món bún này nghĩa là gì. Nhiều người miền Tây cũng cho biết họ chưa từng ăn món bún này nói chi đến chuyện biết và hiểu về cái tên của nó. Tuy nhiên, nếu có dịp sang Campuchia, bạn sẽ thấy món này được bán khá nhiều. Có lẽ vì vậy, mà có ý kiến cho rằng món bún nhâm xuất xứ từ Campuchia. Sau đó, nó theo chân Việt kiều về Việt Nam định cư ở vùng Hà Tiên và Châu Đốc. Theo thời gian, bún nhâm có nhiều đổi thay trong hương vị mà cụ thể là mức độ cân lượng gia vị, rồi trở nên gần gũi với người Việt.
Trong bài viết này, người viết chỉ tập trung vào món bún nhâm tại một số nơi ở vùng đồng bằng sông nước miền Tây. Với cư dân đồng bằng, món bún là thực phẩm gần gũi vì nó ít tốn kém và dễ chế biến trong hoàn cảnh sống có diện tích quá nhỏ hẹp của chiếc xuồng hay chiếc ghe. Với nhiều người, món bún sợi nhỏ trắng được kèm theo món dưa leo xắt nhỏ, ăn cùng với chén nước tương nhiều ớt nhiều tỏi đã trở thành ký ức. Để làm món ăn này, bún được bày ra dĩa, dưa leo xắt nhuyễn để lên mặt trên. Người chế biến không cần lột vỏ các múi tỏi, để nguyên vậy rồi dùng chày đập giập nó ra. Người chế biến tiếp tục đập giập trái ớt đỏ để nguyên như tỏi vậy. Sau đó, đổ nước tương từ chai ra chén đựng ớt, tỏi. Như thế người dùng sẽ chan chén nước tương tỏi ớt cay nồng đó lên đĩa bún. Đơn giản vậy mà mùi vị của nó ngon lạ lùng. Buổi trời nóng thì người dùng sẽ xuất mồ hôi đầm đìa vì vị nồng và vị cay của tỏi và ớt.
Nhưng tại sao phải nhắc đến món bún nước tương này? Bởi vì món bún nhâm có nhiều nét tương đồng. Có chăng là nó được "nâng cấp" lên. Nguyên liệu chính vẫn là bún trắng sợi nhỏ và dưa leo xắt nhỏ. Chén nước chấm thay vì là nước tương ớt tỏi mộc mạc thì người chế biến dùng nước mắm băm tỏi và ớt thật nhuyễn rồi cho thêm chanh, đường bột ngọt nên hương vị của nó đa dạng và nhẹ nhàng hơn món bún nước tương. Người chế biến còn cho vào đĩa bún nhâm jăm bông làm từ tôm khô, sau đó chan vào dĩa bún nước cốt dừa đặc quánh.
Các nguyên liệu này khoác vào món bún nhâm vị béo của nước cốt dừa, vị mặn phảng phất hương biển của tôm khô, vị ngọt tự nhiên của sợi bún, vị cay nồng và chua chua của chén nước mắm chanh, tỏi ớt. Từ đây, món bún nhâm nhìn qua rất đơn giản nhưng có một mùi vị vô cùng lạ, đặc biệt. Chính vì vậy, nhiều thực khách luôn ngạc nhiên khi thưởng thức vì họ cứ đinh ninh nhìn nguyên liệu ít ỏi không hy vọng gì món này sẽ ngon. Nói cách khác, bún nhâm cũng có vị tương tự với món bánh tằm bì nước cốt dừa, nhưng có sự khác vì có tôm khô và sợi bún nhỏ mang đến cảm giác khác sợi bánh tằm to và dày.
Món ăn đơn giản và mộc mạc như vậy, tên gọi như vậy nhưng chính người bán cũng không thể khẳng định nguồn gốc của món bún này. Và chuyện "truy xuất nguồn gốc" của món bún này xem ra cũng không phải một sớm một chiều, chỉ biết rằng đây là một món ăn đậm đà hương quê. Nếu ngày nào đó, bạn có dịp về Châu Đốc hoặc Hà Tiên, hãy thử dùng món này một lần cho biết.
Theo: Sài Gòn tiếp thị
No comments:
Post a Comment