Tasmania là một nơi nguy hiểm nhất của Australia với trại tù nổi tiếng Port Arthur. Các trận đọ súng thường xảy ra giữa tù nhân thời thuộc địa Anh, họ được quản thúc, cải tạo tại đây và cũng chính họ đã kiến tạo nên vùng đất Tasmania trù phú và yên bình giờ đây.
Chúng tôi đến Tasmania, một hòn đảo nhỏ của Australia, vào cuối đông năm 2009 với gia đình. Là điểm du lịch nổi tiếng của Australia với hàng loạt tác phẩm ảnh phong cảnh được xuất bản khắp thế giới cũng là nơi có nền nông và ngư nghiệp phát triển thịnh vượng với các khu trang trại trải dài tít tắp cung cấp các loại trái cây đặc sản, hải sản chất lượng cao cho các tiểu bang còn lại. Vì mục tiêu bảo hộ nền nông ngư nghiệp xanh sạch cùng với các chế độ kiểm dịch khắt khe, các sản phẩm của Tasmania luôn được đánh giá cao trên thị trường tiêu thụ nội địa lẫn quốc tế. Cherries, táo, nho, rượu, phô mai, cá hồi là những đặc sản của vùng.
Tasmania luôn giữ được vẻ thanh bình yên ả của một vùng đất trù phú về nông ngư nghiệp với những giá trị lịch sử, kiến trúc được bảo tồn khá toàn vẹn. Nơi đây từng được xem như là một nơi nguy hiểm nhất của nước Australia với trại tù nổi tiếng Port Arthur. Các trận đọ súng xảy ra thường xuyên giữa những người tù dưới thời thuộc địa Anh, họ được quản thúc, cải tạo tại đây và cũng chính họ là người đã kiến tạo nên vùng đất Tasmania trù phú và yên bình như bây giờ.
Tôi xin gọi Tasmania là vùng đất của ký ức, của những giá trị lịch sử trường tồn.
Khu nhà tù Port Arthur được xây dựng từ năm 1853 với mục đích chính làm nhà tù, được xem là nơi có an ninh nghiêm ngặt nhất thời bấy giờ nhưng cũng đồng thời là địa điểm nguy hiểm nhất của nước Australia. Qua bao nhiêu thăng trầm của thời gian công trình nay cũng bị hư hại ít nhiều chỉ đa phần còn lại phần vỏ bao che của công trình tuy nhiên giá trị lịch sử của nó vẫn còn nguyên vẹn. Là một trong những di sản văn hóa của nhân loại được UNESCO công nhận (2010), nơi đây thực sự đã hoàn toàn lột xác, từ là nơi được coi là dưới đáy của xã hội Australia, nay trở thành địa điểm du lịch thu hút hơn 250.000 du khách mỗi năm.
Không ai có thể nghĩ đây là lối vào nhà tù khét tiếng một thời - Port Arthur.
Tòa nhà thị chính Hobart lung linh khi lên đèn. Việc quy hoạch thành phố có sự tính toán và bố trí hợp lý các trục cảnh quan nên cho dù các dịch vụ nhà hàng, bãi đỗ du thuyền tấp nập phía trước, tòa thị chính vẫn có khoảng không gian thoáng đãng cho riêng mình, nhẹ nhàng hòa nhập với không gian chung không hề tách biệt, nghiêm trang nhưng vẫn hài hòa gần gũi.
Khu vực nhà hàng hải sản phía trước mặt tòa thị chính, ngoài các nhà hàng cố định được thiết kế cầu kỳ thì cũng có những nhà hàng di động như vầy với thiết kế bắt mắt, khách hàng có thể dừng mua thức ăn nhanh hoặc ăn tại chỗ. Một trải nghiệm thú vị mà hai cha con tôi không thể bỏ qua.
Con tàu Linh hồn của Tasmania (Spirit of Tasmania) là loại tàu du lịch hạng nặng có thể chở xe và người được trang bị các khoang ngồi, giường nằm và những phòng riêng như khách sạn đi từ Melbourne đến cảng Devon, một thành phố nhỏ nằm phía bắc đảo Tasmania, và ngược lại. Hành trinh thường mất từ 9-11 giờ. Có thể gửi xe hơi nếu muốn còn không bạn có thể thuê tại các đầu mối giao thông chính như cảng hoặc sân bay với giá cả giao động từ 35-65 AUD/ngày tùy vào đời xe và tiện ích.
Đường đồng quê ở Tasmania cũng như các tiểu bang khác của Australia, chỉ có 2 làn ngược chiều, khoảng chừng vài chục cây con đường lại rộng ra thêm một làn cho bên trái hoặc bên phải để vượt, nhưng thường tối đa là 3 làn cho toàn bộ chiều rộng đường. Xe thường chạy có trật tự mặc dù đường vắng.
Ở Tasmania, lái xe sẽ khá nguy hiểm cho những người mới tập lái vì các khoảng đường khúc khuỷu rất nhiều và gắt. Việc chuẩn bị thêm xăng sẽ không thừa vì đa phần khoảng cách giữa các thị trấn khá xa và hiu quạnh như trên hình. Hệ thống định vị toàn cầu sẽ rất có ích khi phải di chuyển trên những vùng nông trang bát ngàn như thế này.
Thị trấn Ross, một thị trấn cổ nằm trên con đường huyết mạch nối Hobart và Launceston. Con đường chính dẫn vào thị trấn đầy lá vàng xào xạc chào đón chúng tôi vào một chiều tháng 10. Chúng tôi như lạc vào khung cảnh của những năm 70-80 của các thập kỷ truớc.
Không gian vẫn con nguyên vẹn với những ngôi nhà xây bằng đá sa thạch, lan can gỗ sơn trắng, vườn cỏ xanh mướt được cắt tỉa cẩn thận, các cửa hiệu buôn bán nằm gọn trong không gian nhà hòa quyện với thiên nhiên, cây cỏ. Mọi thứ dường như được bảo quản rất cẩn thận và chi tiết. Nếu tinh ý các bạn có thể thấy các bảng hiệu cũng đươc thiết kế tinh tế với nét sơn tay và kiểu chữ cổ điển nhẹ nhàng.
Mảng hoa Calona vắt giữa hai luống đất mới chuẩn bị canh tác xen lẫn đám cỏ non cho đàn cừu dưới chân đồi tạo nên một mảng xếp hình thú vị. Tôi gọi đó là bản xếp hình của thiên nhiên. Những khám phá thú vị này khiến chúng tôi chẳng hề buồn ngủ dù phải lái xe gần cả ngày từ Hobart mới đến được Launceston.
Cradle Mountain là khu bảo tồn động thực vật thuộc ban quản lý rừng quốc gia Tasmania. Cách Launceston 181km về phía tây, đây là thiên đường cho các bạn trẻ thích hiking (đi bộ theo đường mòn). Khu vực này bị cấm xả rác tuyệt đối, các bảng biểu nhắc nhở và cảnh báo được bố trí khắp nơi.
Các bạn trẻ muốn đi hiking doc theo các đường mòn khám phá hệ thực vật và phong cảnh ở đây, ngoài việc yêu cầu phải chuẩn bị đồ đạc cá nhân theo danh sách đề nghị, cập nhật bảng thời tiết trong ngày còn cần phải điền thông tin giờ đi, giờ về và các chi tiết cá nhân để theo dõi tránh bị mất tích, lạc trong khoảng diện tích gần 125.000 hecta bạt ngàn này.
Nếu tôi gọi Tasmania là thị trấn của xe hơi cổ quả không ngoa, nơi đây là thiên đường của các loại xe cổ, đủ các loại với bạt ngàn thành phần từ Chevrolet đời 1938, Jaguar XK150 Roadster, Berliet 1925, đến Volksw Beetle 195 ... Một điều đặc biệt là các xe này vẫn còn sử dụng hoàn hảo, mới cứng và có bản số hiện hành của Tasmania.
Những chi tiết thú vị này mang đến một Tasmania hoàn toàn khác biệt so với các tiểu bang khác trên toàn nước Australia. Các fan sưu tập xe hơi/gắn máy cổ chắc phải gào lên sung sướng khi tận mắt vào tham quan viện bảo tàng mô tô gắn máy ở Lannceston (National Automobile Museum of Tasmania)
Mặc dù có thể dễ dàng sở hữu những con thuyền làm bằng nhựa composite tiện lợi và sang trọng, người dân ở đây vẫn rất trân trọng những con thuyền gỗ như thế này, khung cảnh quá dỗi thơ mộng khiến tôi không thể nào dừng bấm ngón trỏ trên chiếc máy ảnh của mình.
Bài học đáng nhớ là nên đem theo vài cái thẻ nhớ dung lượng lớn dự phòng đối với những người đam mê chụp ảnh, bạn sẽ bấm đến những tấm cuối cùng khi đến đây. Tôi chắc là như vậy. Ảnh chụp tại Huonville cách thị trấn Hobart khoảng 35phút lái xe.
Căn biệt thự nhỏ này nằm ở một góc đường khuất trong khu phố nhỏ gần trung tâm thành phố Hobart, căn nhà đơn giản không hê cầu kỳ nhưng rất có duyên. Tôi tự hỏi tại sao căn nhà cổ gần cả thế kỷ như thế kia, ở trong vùng khí hậu ẩm thấp như Tasmania sao lại không hề bị ẩm mốc, xuống cấp như ở mình, trong khi mình thì xài hết nhãn hiệu sơn này tới công nghệ sơn nọ. Câu trả lời chắc đành để ngõ cho giới chuyên môn.